Lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10 như thế nào để có lợi thế hướng nghiệp

12:58 - 16/07/2023

Bước vào lớp 10 là giai đoạn "giáo dục nghề nghiệp", nếu lựa chọn chuyên đề học tập không phải là môn sở trường, không phải là môn học yêu thích sẽ khó phát huy được năng lực thì hiệu quả học tập sẽ không tốt và ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp sau lớp 12.

Lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10 như thế nào để có lợi thế hướng nghiệp - Ảnh 1.

Lựa chọn đúng môn tổ hợp vào lớp 10 là định hướng sớm nghề nghiệp cho tương lai. Ảnh: Ngọc Ánh

Định hướng sớm nghề nghiệp từ lớp 10

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông. Sau khi trúng tuyển vào lớp 10 thì việc đầu tiên là các nhà trường sẽ sắp xếp các lớp và cho học sinh lựa chọn các môn trong tổ hợp theo hướng dẫn của chương trình mới.

Việc lựa chọn tổ hợp trong các môn học hiện nay đang khá rối rắm vì mỗi trường có cách cho học sinh lựa chọn, sắp xếp tổ hợp khác nhau nên cũng có trường học sinh được quyền lựa chọn tổ hợp môn nhưng cũng có những trường đã được nhà trường sắp xếp sẵn cho từng lớp cụ thể và học sinh bắt buộc phải lựa chọn.

Vì vậy, giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 10 khá thử thách với học sinh và phụ huynh. Nếu lựa chọn sai, hoặc bị sắp vào những tổ hợp không phù hộ với khả năng, sở trường của học sinh thì nhiều em sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập và mục tiêu của giai đoạn giáo dục nghề nghiệp vì thế cũng khó được trọn vẹn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng dẫn môn bắt buộc, môn lựa chọn và chuyên đề học tập ra sao?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9; giai đoạn giáo dục nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 và học sinh cấp trung học phổ thông có những môn học bắt buộc và môn học lựa chọn nên khác hoàn toàn với cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Theo chương trình mới, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp trung học phổ thông gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Bên cạnh đó, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Theo hướng dẫn của chương trình mới, các chuyên đề học tập như sau: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Tuy nhiên, đối với môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông hiện nay đa phần các trường chưa có giáo viên nên 2 môn lựa chọn này không gần như chưa được xếp vào các tổ hợp, chuyên đề học tập và dạy trong môn Nội dung giáo dục địa phương.

Không dễ để học sinh lựa chọn tổ hợp đầu năm lớp 10

Với cách làm hiện nay của nhiều trường học là đầu năm sẽ cho học sinh đăng ký lựa chọn tổ hợp đã được nhà trường sắp sẵn môn cho từng tổ hợp. Nếu số lượng đăng ký quá nhiều với những tổ hợp nhà trường đã sắp xếp thì thầy cô giáo sẽ làm công tác vận động để học sinh chuyển sang những tổ hợp có ít học sinh đăng ký. Hoặc, cũng có trường sẽ căn cứ vào điểm thi tuyển sinh 10 của học sinh để sắp xếp các em vào các tổ hợp tương ứng nhằm tạo cho học sinh lợi thế trong việc học tập và thi, xét tuyển đại học sau này.

Việc bố trí các môn học ở chương trình mới hiện nay cũng được các trường thực hiện khác nhau. Có trường sẽ bố trí buổi sáng sẽ học các môn học bắt buộc, buổi chiểu sẽ học các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Nhưng, cũng có những trường sẽ bố trí học vào 1 buổi vì lớp nào sẽ đi theo tổ hợp lớp đó, không có chuyện học sinh nhiều lớp học chung 1 tổ hợp, 1 chuyên đề học tập với nhau.

Đối với một số trường trung học phổ thông chuyên thì nhà trường sẽ sắp sẵn tổ hợp và chuyên đề học tập. Chẳng hạn, đối với lớp chuyên Toán; chuyên Lý; chuyên Sinh; chuyên Hóa thì thì các môn lựa chọn trong tổ hợp sẽ là Lí, Hóa, Sinh, Tin.

Những lớp chuyên Văn, chuyên Sử, chuyên Địa thì nhà trường sẽ sắp 1 môn tự nhiên, cùng với các môn lựa chọn: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Công nghệ. Các lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ có các môn lựa chọn: Lí, Hóa, Sinh với môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, hoặc Công nghệ.

Trong điều kiện giáo viên biên chế và kinh phí khoán hằng năm thì các trường trung học phổ thông công lập sắp xếp tổ hợp sẵn để vừa đảm bảo nhân lực hiện có mà không phát sinh tiền thừa giờ phải chi trả cũng là điều dễ hiểu nhưng cũng vì thế nhiều học sinh không có lựa chọn được các môn học theo đúng hướng dẫn của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.

Lấy ví dụ một số lớp không chuyên trong trường chuyên là những em chưa đủ điểm để đậu lớp chuyên nhưng cũng là những em có điểm tương đối cao mới có thể trúng tuyển. Song, chính vì đây là lớp "tổng hợp" vì các em đã thi ở nhiều môn chuyên khác nhau. Có em thi môn chuyên tự nhiên, có em thi môn chuyên xã hội, có em thi ngoại ngữ… nhưng việc nhà trường sắp xếp quá nhiều môn tự nhiên trong tổ hợp và chuyên đề học tập sẽ dẫn đến nhiều học sinh gặp khó khăn, nhất là những em thi vào các môn chuyên xã hội thường không giỏi các môn tự nhiên.

Vì thế, việc lựa chọn hoặc bắt buộc phải lựa chọn tổ hợp, chuyên đề học tập khi bước vào lớp 10 hiện nay luôn là bài toán hóc búa đối với nhiều thí sinh và phụ huynh. Đây là giai đoạn "giáo dục nghề nghiệp", nếu các em học các môn lựa chọn và chuyên đề học tập không phải là môn sở trường, không phải là môn học yêu thích sẽ khó phát huy được năng lực, sở thích thì hiệu quả học tập sẽ không tốt và ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp sau lớp 12. Vì thế, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ khó đạt được như Ban soạn thảo chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học đã đề ra.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lua-chon-to-hop-khi-vao-lop-10-nhu-the-nao-de-co-loi-the-huong-nghiep-179230716110105898.htm