Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn

PV
18:51 - 21/09/2024

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân - là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, trong khi, doanh nghiệp nhấn mạnh: Lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân.

Sáng 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 12 Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước, như Vin Group, Hòa Phát, Thaco, TH, T&T…
Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn góp phần phát triển đất nước. Ảnh: VGP

Lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp tư nhân lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, song đây là lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân - là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Hiện kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%. Theo Thủ tướng, một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, sau gần 40 năm đổi mới, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay", đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thương dân cùng đất nước phát triển, với tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”; phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cùng cả nước tạo đột phá phát triển đất nước.

Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tham gia tích cực thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó có thể chế, pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới của đất nước, cùng đất nước phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đạt các mục tiêu lớn vào dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2025). Trong đó, hoàn thành một số công trình mang tính biểu tượng, như: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống đường bộ cao tốc; chăm lo tốt hơn công tác an sinh xã hội, với việc xóa nhà dột nát, nhà tạm vào năm 2025; không còn hộ đói nghèo vào năm 2030…

Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước - Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sovico, TH...

Nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại, theo Thủ tướng, điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới. Bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới...

Theo đó, tại hội nghị, Thường trực Chính phủ muốn được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, cùng với các doanh nghiệp lớn tiên phong xác định và cùng thực thi các dự án mang tầm quốc gia, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để.

Ngoài ra, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.

Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh.

Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỉ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỉ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nền kinh tế.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.

Hội nghị hôm nay giống như Hội nghị Diên Hồng đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh; tham gia vào các dự án lớn của đất nước...

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị. Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước.

"Lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân" 

Góp ý về trách nhiệm xã hội với đất nước, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico cho rằng, đi qua nhiều thách thức, khó khăn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc bản tộc, có trách nhiệm xã hội, đạt tầm quốc tế có vị thế, vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, sáng tạo với tầm vóc và vị thế mới.

Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico. Ảnh: VGP

Nhận định giai đoạn từ 2021-đến nay là giai đoạn nhiều thách thức nhất với nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đổi mới tới nay, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chưa bao giờ nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn, thậm chí khủng hoảng lớn đến thế (như đại dịch COVID-19, xung đột ngay tại châu Âu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, những biến động trong nước. Gần đây nhất, trong những ngày qua là cơn siêu bão Yagi với những hậu quả mang tính thảm họa...), nhưng, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn mạnh mẽ tiến lên, lập những kỳ tích mới, niềm tin của người dân và DN với Đảng, Nhà nước, Chính phủ được tăng cao.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Sovico không đứng ngoài những khó khăn chung của đất nước, người đứng đầu Tập đoàn Sovico nhấn mạnh, các doanh nghiệp của Sovico vừa tiên phong đóng góp Qũy vaccine; vừa tổ chức hòa nhạc quốc tế trực tuyến kêu gọi đóng góp; vừa triển khai nền tảng công nghệ website đóng góp trực tuyến cùng Kho bạc Nhà nước; vừa phát triển nền tảng công nghệ Việt Nam khoẻ mạnh xét nghiệm và tiêm vaccine miễn phí cho hàng triệu lượt người dân; Tập đoàn cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3...

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ: "Lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân", đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp dân tộc, từ đó, hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Cùng với đó, tạo môi trường pháp luật cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội. Có thêm cơ chế để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần cho một Việt Nam hùng cường. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam. "Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…".

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề xuất phổ cập tiếng Anh toàn dân 

Cũng tại Hội nghị, dành sự quan tâm cho giáo dục, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh toàn dân.

Lần đầu tiên Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - Ảnh 5.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ảnh: VGP

Theo ông Phạm Nhật Vượng, không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Người đứng đầu Tập đoàn Vingroup khẳng định, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa. Bởi, đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai.

Vẫn dành tâm huyết với vấn đề giáo dục, Chủ tịch Vingroup đề nghị Chính phủ mở rộng hạn ngạch đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn... Việc này nhằm tạo lượng lớn lao động trong ngành công nghệ - lĩnh vực có tương lai hơn nhiều so với các ngành khác trên thị trường.

Cũng tại hội nghị, Tập đoàn Vingroup cũng đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ; Chính phủ cần có cơ chế chỉ định nhà đầu tư với các dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, các công đoạn chuẩn bị đầu tư, gồm các loại quy hoạch, phân khu, liên khu đoàn, cũng cần rút ngắn...

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng đưa ra các đề xuất với Chính phủ như: Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) mong muốn Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; 

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu "Make in Việt Nam" trên quốc tế, theo đó, Chính phủ cần tạo thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo... Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group cũng mong Chính phủ xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, khả thi, triển khai nhanh được mua bán điện trực tiếp. Theo đó, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, nâng công suất các dự án điện năng lượng mặt trời nổi. Việc này giúp tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, thu hút các tập đoàn lớn sử dụng nguồn điện này;

Kết luận hội nghị, Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trực tiếp lắng nghe, giải quyết dứt điểm các phản ánh của doanh nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng xem xét.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lan-dau-tien-thu-tuong-lam-viec-cung-cac-tap-doan-doanh-nghiep-tu-nhan-lon-17924092118510602.htm