Lạm thu đầu năm học: Phải kiên quyết xử lý hiệu trưởng trước để làm gương
Dù ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các khoản thu được phép và không được phép trong nhà trường nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra và thường núp bóng dưới các tên gọi "tự nguyện" hay "xã hội hóa".
Đã hơn một tháng bước vào năm học mới nhưng lạm thu vẫn là vấn đề nóng xảy ra ở nhiều trường học. Rất nhiều khoản thu ngoài quy định hiện được đóng góp dưới danh nghĩa quỹ hội phụ huynh và người đứng ra yêu cầu nộp tiền, người trực tiếp thu tiền đều là phụ huynh trong lớp.
Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh về những khoản thu này, hiệu trưởng các trường thường có chung một câu trả lời: "không biết" hoặc "trường không can thiệp vào hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh".
Hiệu trưởng có vô can?
Thực tế, trách nhiệm phối hợp của nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh đã được nêu rất rõ tại Thông tư 55/2021/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 13 Thông tư 55, trách nhiệm của hiệu trưởng là: "Tham gia các cuộc họp định kỳ với ban đại diện cha mẹ học sinh trường, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, chủ động phối hợp với ban đại diện và cha mẹ học sinh về công tác quản lý của nhà trường, biện pháp phối hợp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, giải quyết kiến nghị của cha mẹ học sinh; góp ý kiến đối với hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh".
Điều 14 Thông tư 55 cũng nhấn mạnh: "Kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục".
Có thể hiểu, nếu ban đại diện cha mẹ học sinh lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản sai quy định, hoạt động không đúng theo điều lệ thì không chỉ cá nhân hiệu trưởng nhà trường ảnh hưởng, thậm chí cả cấp ủy chi bộ, công đoàn... cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc đánh giá quý, xếp loại thi đua cuối năm và ngược lại.
Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, khi xảy ra khiếu kiện, phản ánh về những khoản thu vô lý, hiệu trưởng không thể đổ hết trách nhiệm cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức chính thức trong nhà trường còn hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện, quản lý chặt chẽ tất cả các hoạt động, định hướng phát triển của trường.
Hiệu trưởng có trách nhiệm hướng dẫn cho hoạt động của ban này, để họ tuân thủ quy định đã đặt ra, không lạm dụng quyền của mình làm những việc không chuẩn mực, đảm bảo yếu tố dân chủ trong hoạt động", Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để xảy ra lạm thu trong các nhà trường thì cần phải kiên quyết xử lý hiệu trưởng trước để làm gương, công khai thông tin để đủ sức răn đe. Tiếp đến là truy trách nghiệm của giáo viên chủ nhiệm.
Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc điều hành ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nên để địa phương thực hiện xã hội hóa
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc chi cho các đơn vị giáo dục chỉ đủ để trang bị theo nhu cầu cơ bản. Để đầu tư, nâng cao điều kiện, đảm bảo chất lượng giáo dục, không còn cách nào khác ngoài thực hiện xã hội hóa.
"Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn đã được thể hiện rõ trong các văn bản hướng dẫn từ cấp trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nếu xã hội hóa bị lạm dụng theo hướng tiêu cực giúp các nhà trường núp bóng ban đại diện cha mẹ học sinh thu những khoản không có trong quy định thì cần xử lý nghiêm, triệt để", Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định, các địa phương nên thực hiện xã hội hóa giáo dục theo năng lực thực tế của từng địa phương thay vì để các trường vận động, huy động nguồn lực.
Theo đó, nhà trường cần phải phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, địa phương đầu tư cho giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học…
Còn đối với ban đại diện cha mẹ học sinh, ban này lập ra không phải để thu tiền. Ban đại diện phải cùng với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường chăm lo cho sự phát triển giáo dục của lớp, của trường.
Đặc biệt, nhà trường phải giúp cho ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp trang bị thêm kiến thức, phương pháp giáo dục mới, phù hợp với con em.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, nhưng nó phải đại diện cho quyền lợi của tất cả phụ huynh học sinh từng lớp chứ không phải là công cụ của bất cứ ai", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-thu-dau-nam-hoc-phai-kien-quyet-xu-ly-hieu-truong-truoc-de-lam-guong-179221022113535947.htm