Học sinh vi phạm kỉ luật, có quy định nào buộc thôi học 2 tuần không?
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) buộc thôi học 2 tuần đối với nam sinh lớp 11 của trường do hút thuốc lá điện tử. Vậy, có quy định nào đuổi học học sinh 2 tuần lễ không?
Học sinh hút thuốc lá điện tử bị buộc thôi học 2 tuần
Ngày 9/4/2024, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi học đối với 2 học sinh của trường.
Học sinh bị buộc thôi học là em N.H.A và em T.Q.T (cùng học lớp 11A3, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ).
Theo quyết định kỷ luật, em A và em T bị buộc thôi học vì lý do "dùng trái phép chất ma túy trong trường học". Hai học sinh này bị buộc thôi học kể từ ngày 3-4 cho đến hết năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh việc nhà trường buộc thôi học 2 học sinh tại Đắk Lắk sau khi hút thuốc lá điện tử, nhà trường đã tổ chức họp và thu hồi quyết định kỷ luật để ban hành quyết định kỷ luật phù hợp.
Theo đó, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ quyết định kỷ luật đối với 2 nam sinh "hút thuốc lá điện tử biểu hiện sùi bọt mép, la ó, mất kiểm soát hành vi ảnh hưởng đến uy tín nhà trường" bằng hình thức buộc thôi học 2 tuần.
Học sinh vi phạm kỉ luật bị buộc thôi học 2 tuần theo quy định nào?
Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 01/11/2020) ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định hình thức kỉ luật học sinh như sau:
Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã xóa bỏ việc áp dụng hình thức kỷ luật "buộc thôi học" đối với học sinh so với quy định tại Thông tư 08/TT năm 1988 (Thông tư 08/TT quy định được phép xử lý học sinh vi phạm bằng cách: 1) Cảnh cáo trước toàn trường; 2) Đuổi học một tuần lễ; 3) Đuổi học 1 năm).
Hay nói cách khác, khi áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm mức cao nhất là "Tạm dừng học ở trường có thời hạn" có nghĩa là nhà trường tuyệt đối không được buộc học sinh thôi học hay đuổi học đối với học sinh theo quy định pháp luật trên.
Học sinh vi phạm kỉ luật, không phải "đuổi học" là xong
Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thầy cô giáo và phụ huynh đã từng nói rằng, việc đuổi học học sinh hút thuốc lá điện tử vừa trái luật vừa là cách làm chối bỏ trách nhiệm, điều này không thể xảy ra ở môi trường giáo dục.
Về phía nhà trường, cần truyền thông giáo dục cho học sinh cách nhận biết và phòng chống tác hại của ma tuý, thuốc lá, thuốc lá điện tử. Nhiều trường học đã xây dựng cẩm nang để cung cấp thông tin, tư vấn cho phụ huynh cách sớm nhận biết con dùng thuốc lá điện tử.
Theo TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phần quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải đảm nhận là giáo dục ý thức đạo đức và rèn kỹ năng sống cho con.
"Thuốc lá điện tử chỉ là 1 nguy cơ chứ không phải là duy nhất. Dạy con về các nguy cơ là cần thiết, các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động như: trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng. Khi đó, các con sẽ đỡ quan tâm đến các trò nguy hiểm", bà Hương nhắn gửi đến các bậc phụ huynh.
Như vậy, khi học sinh có biểu hiện hút thuốc lá điện tử - trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và tổ chức lớp học, không chỉ đuổi học là xong.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-sinh-vi-pham-ki-luat-co-quy-dinh-nao-buoc-thoi-hoc-2-tuan-khong-179240413115112062.htm