Hoa mắt chọn lựa sách giáo khoa cho năm học mới
Môn học Tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở chương trình giáo dục phổ thông mới có 9 đầu sách giáo khoa khác nhau. Môn Mĩ thuật lớp 10 có tới 11 cuốn sách giáo khoa khiến cho phụ huynh hoa mắt chọn mua.
Việc bán sách giáo khoa trong nhà trường khiến chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" không còn giữ được tính ưu việt. Ảnh minh họa: NXBGD
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" khác nhau, khác với chương trình 2006 chỉ thực hiện "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".
Đây được xem như một tiến bộ mới trong khoa hoc giáo dục, giúp nhà trường chủ động và gia đình, học sinh được lựa chọn. Tuy nhiên, việc lựa chọn có thực sự thỏa đáng hay không?
Sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với một số môn học khác chỉ có 3 bộ, gồm: Bộ sách Cánh Diều, bộ sách Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Vì vậy, về cơ bản, mỗi môn học sẽ có 3 cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Tuy nhiên, môn học Tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở chương trình mới có tới 9 đầu sách giáo khoa khác nhau. Hay môn Mĩ thuật ở lớp 10 có tới 11 cuốn sách giáo khoa khiến phụ huynh không biết phải mua cuốn nào, nếu như muốn mua sách giáo khoa ở bên ngoài.
Quá nhiều đầu sách giáo khoa Tiếng Anh và Mĩ thuật
Theo Quyết định 441/QĐ-BGDĐT và Quyết định 442/QĐ-BGDĐT, Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ngày 28/1/2022 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, dễ thấy danh mục sách giáo khoa Tiếng Anh có rất nhiều đầu sách.
Đối với lớp 7, có 9 đầu sách Tiếng Anh, gồm: Macmillan Motivate!, Global Success, Explorer English, English Discovery, THiNK, Bloggers-Smart, i-Learn Smart World, Friends Plus, Right on!.
Sách Tiếng Anh lớp 10 cũng có 9 đầu sách, gồm: Global Success; ThiNK; English Discovery; Macmillan Mo On; Friends Plus Global; Explore New Worlds; Bright; i-Learn Smart World; C21-Smart.
Đối với sách giáo khoa môn Mĩ thuật ở lớp 10 năm học 2022 - 2023 tới đây cũng khiến cho phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên thấy có rất nhiều đầu sách bởi môn học này có tới 11 cuốn sách giáo khoa. Những cuốn này bao gồm: Sách giáo khoa Hội họa; Kiến trúc; Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Lí luận và lịch sử mĩ thuật; Đồ họa tranh in; Điêu khắc; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp; Thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh; Chuyên đề học mĩ thuật 10.
Với số lượng chừng ấy sách giáo khoa Tiếng Anh và Mĩ thuật cho 1 lớp học, quả thực là một thách thức lớn cho phụ huynh, học sinh và ngay với cả nhà trường, giáo viên giảng dạy các môn học này.
Nhà trường sẽ chọn sách Tiếng Anh và Mĩ thuật nào cho đơn vị mình giảng dạy?
Theo hướng dẫn của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, đầu tiên, các tổ chuyên môn phải lựa chọn sách, rồi mới đến nhà trường, phòng, sở và ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) quyết định.
Nhưng trong bối cảnh chọn sách giáo khoa thường diễn ra ở thời điểm giáo viên đang giảng dạy thì ngồi đọc, nghiên cứu và lựa chọn trong số 9 cuốn sách Tiếng Anh ra cuốn ưu việt nhất là một thách thức.
Đặc biệt, đa phần cấp trung học phổ thông chưa có giáo viên môn Mĩ thuật, vậy ai sẽ có chuyên môn để đọc, chọn được 4/10 cuốn sách giáo khoa Mĩ thuật để dạy ở lớp 10?
Sách giáo khoa Tiếng Anh dù nhiều, nhưng các cấp học đều đã có giáo viên dạy môn học này. Còn với sách giáo khoa Mĩ thuật, chắc các trường cũng "bó tay", chọn theo cảm tính chứ không biết sách nào phù hợp, sách nào không phù hợp với đơn vị mình, vì giáo viên trong trường không có chuyên môn Mĩ thuật.
Ngay cả thời điểm này, khi năm học mới đã cận kề, đa phần các trường trung học phổ thông còn chưa tuyển được giáo viên Mĩ thuật. Trong khi thời điểm cuối năm học 2021 - 2022 vừa qua là lúc các trường lựa chọn sách, vậy lấy đâu ra người có chuyên môn để đọc và chọn sách?
Phụ huynh có thể chủ động chọn sách giáo khoa chương trình mới cho con em mình?
Theo chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình là "pháp lệnh", sách giáo khoa chỉ là "tư liệu" cho việc dạy và học. Nhưng thực tế, các nhà trường và ngay cả nhà xuất bản vẫn xem trọng sách giáo khoa.
Vì vậy, trường chọn sách nào để dạy là học sinh phải học sách đó. Tuy nhiên, cũng chính vì "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" dẫn đến trong một lớp học có thể nhà trường sẽ chọn bộ sách này vài đầu sách, bộ sách khác vài đầu sách.
Đặc biệt, với môn Tiếng Anh và Mĩ thuật, số lượng đầu sách quá nhiều, trong khi môn Tiếng Anh chỉ có thể chọn 1/9 sách, môn Mĩ thuật cũng chỉ có thể chọn 4/11 cuốn sách.
Chính vì thế, để thuận lợi trong việc mua sách giáo khoa, học sinh, hoặc phụ huynh sẽ đăng ký sách giáo khoa tại các nhà trường. Nhưng phụ huynh ra các nhà sách cũng hoa mắt vì không biết mua quyển nào cho đúng và cũng rất khó để mua đầy đủ bộ sách vì các nhà sách rất hiếm khi bán sách giáo khoa chương trình mới.
Nhà trường sẽ đứng ra phân phối cho học sinh.
Tại các cửa hàng sách có bán sách giáo khoa chương trình mới, giá thành cũng không thay đổi so với việc phụ huynh mua sách giáo khoa tại các nhà trường, vì từ lâu, sách giáo khoa được bán theo giá bìa đã in sẵn.
Thế nhưng một vấn đề khiến phụ huynh học sinh hoa mắt thêm một lần nữa là việc bán, mua sách chương trình mới tại các nhà trường rất dễ dẫn đến tình trạng bán sách "tù mù", chọn lựa không chính xác, bán sách kèm quá nhiều sách tham khảo.
Phụ huynh, học sinh sẽ nhận được sự tư vấn của nhà trường. Khi nhà trường tư vấn mua sách nào, ắt phụ huynh sẽ đồng ý đăng ký, tin tưởng vào nhà trường, vào thầy cô của con mình.
Như vậy, việc bán sách giáo khoa trong nhà trường khiến chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" không còn giữ được tính ưu việt. Việc đa dạng sách giáo khoa để người dạy và người học đều được chọn lựa, nhưng thực tế thì phụ thuộc nhiều vào đơn vị bán sách.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoa-mat-chon-lua-sach-giao-khoa-cho-nam-hoc-moi-179220718200629667.htm