Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 5: Đường đi đúng trong "mê cung” kỹ năng mềm

06:00 - 22/09/2023

Với quan niệm ngoại ngữ là cửa ngõ tiến ra thế giới, phụ huynh học sinh giờ đây sa vào mê cung tìm thầy, tìm khóa học ngoại ngữ cho con. Chưa kể, bày ra trước mắt phụ huynh là các lời mời gọi tiếp cận với việc hình thành kỹ năng mềm từ khi trẻ còn nhỏ để có thể trở thành công dân toàn cầu.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 5: Đường đi đúng trong "mê cung: kỹ năng mềm - Ảnh 1.

Khả năng làm việc nhóm được đề cao trong tiêu chuẩn công dân toàn cầu. Ảnh: Free/image

Phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho hành trình trở thành công dân toàn cầu của con

Kỹ năng mềm (soft skills) là tập hợp kỹ năng liên quan đến hoạt động trong cuộc sống cần thiết như: Khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi, ứng xử, thái độ giữa người với người, tư duy, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết xung đột… Kỹ năng mềm sử dụng để đánh giá khả năng tương tác, làm việc trong tập thể, tính thích ứng với môi trường làm việc của mỗi cá nhân.

Có con đang trong độ tuổi tiểu học, chị Vũ Thị Lan (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian nghỉ hè vừa qua, chị tranh thủ, sắp xếp thời gian cho con học thêm các lớp tiếng Anh, múa và bơi lội.

Trong đó, chị Lan đặc biệt ưu tiên việc học tiếng Anh của con, bởi chị cho rằng con được sinh ra trong xã hội toàn cầu hóa, việc đọc thông viết thạo tiếng Anh gần như là điều bắt buộc, là trụ đỡ để các con có thể học tập, vui chơi và làm việc trong tương lai. Nếu không biết tiếng Anh, con có thể trở nên lạc lõng với bạn bè cùng trang lứa, thậm chí là lạc hậu so với xã hội. Vì vậy, với chị Lan, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng thứ hai của trẻ, chỉ sau tiếng mẹ đẻ.

“Tôi cố gắng cho con theo học tiếng Anh một cách bài bản, nghiêm ngắn ngay từ “gốc” như cách đánh vần, phát âm chữ cái, từ đơn, từ ghép, câu... với hy vọng sau này con có vốn tiếng Anh tốt, là cơ sở để con thi vào các trường có chất lượng cao ở các cấp học trên, xa hơn là đạt điểm cao kỳ thi IELTS hoặc học tập và làm việc ở nước ngoài nếu con muốn.

Do vậy, không những cho con học lớp tiếng Anh với giáo viên mà tôi còn cho con học thêm tiếng Anh trên ứng dụng của điện thoại hay máy tính bảng”, phụ huynh này cho hay.

công dân toàn cầu 1

Con gái của phụ huynh Vũ Thị Lan trở nên mạnh dạn, tự tin hơn sau khi tham gia các lớp kỹ năng mềm. Ảnh: NVCC

Với lớp học múa, ban đầu chị Lan cho con tham gia với hy vọng con hòa nhập với các bạn xung quanh, con bớt nhút nhát và trở nên tự tin hơn. Ngoài ra, học múa cũng giúp con rèn luyện cơ thể, sự dẻo dai và tính kiên nhẫn, vượt qua giới hạn của bản thân khi phải thực hiện các động tác khó. Từ đó, con sẽ biết yêu vẻ đẹp hình thể và chăm sóc bản thân tốt hơn.

Với lớp học bơi, con được thầy dạy bơi đúng kỹ thuật để có thể phòng tránh tai nạn đuối nước cho bản thân hoặc những người xung quanh. Môn bơi lội cũng sẽ giúp con có sức khỏe tốt, một cơ thể cân đối và giúp phát triển chiều cao.

Chị Lan cho biết, khi chọn lớp cho con tham gia học, yếu tố chị quan tâm đầu tiên là trình độ của giáo viên, tiếp đến là chất lượng giảng dạy, địa điểm học gần nhà hoặc học trực tuyến và cuối cùng là chi phí của khóa học.

Khó khăn lớn nhất của chị khi cho con tham gia các lớp học kỹ năng là việc sắp xếp thời gian của bố mẹ và con sao cho hợp lý, hài hòa. “Công việc của vợ chồng tôi tương đối bận, thường xuyên phải trực tối và cuối tuần nên chúng tôi thường trao đổi để thống nhất trong việc đưa đón con tham gia các lớp học.

Việc cho con tham gia lớp kỹ năng cũng cần dựa trên sở thích và mong muốn của con. Tuy nhiên con còn nhỏ tuổi nên sở thích dễ thay đổi. Trong quá trình tham gia các lớp học, khi gặp khó khăn như động tác múa khó, bài học tiếng Anh khó, phát âm của con bị ngọng… con dễ khóc và muốn bỏ cuộc nên gia đình phải động viên để con hiểu và tiếp tục theo học”.

Kết quả từ việc tham gia lớp múa – lớp kỹ năng đầu tiên mà con chị Lan tham gia đã giúp con tự tin hơn rất nhiều, dám đứng trước đám đông để biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Cơ thể con dẻo dai, sức khỏe tốt hơn mặc dù trước con được bác sĩ chẩn đoán thừa cân, tiền béo phì.

Còn sau khi học lớp tiếng Anh, con hạn chế việc đọc ngọng, đã theo kịp các bạn học sang các phần nâng cao hơn của chương trình học. Phụ huynh này chia sẻ thêm, "nếu sau này con muốn học thêm lớp kỹ năng hay nghệ thuật nào đó, tôi cũng sẽ trao đổi, trò chuyện cùng con để xem sở thích của con, điều kiện gia đình để từ đó tìm lớp học phù hợp cho con”.

Không chỉ riêng chị Lan mà đa số phụ huynh hiện nay quan tâm và cố gắng tạo điều kiện để giáo dục phát triển toàn diện cho con ngay từ nhỏ. Từ đó giúp thế hệ trẻ có nền tảng, kiến thức, kỹ năng tốt, tự tin bước ra thế giới.

Nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng gia tăng, lựa chọn thế nào khi đứng trước "mê cung" các trung tâm?

Cũng chú trọng đến các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, Nguyễn Trung Đức - học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, việc học, biết và sử dụng được ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng giúp các bạn GenZ có thể nắm bắt được những cơ hội việc làm tốt. 

công dân toàn cầu 2

Nguyễn Trung Đức - học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội)

Nam sinh này chọn tiếng Anh là ngoại ngữ để theo học và đang theo đuổi một khóa học IELTS.

“Trước đây, tôi được bố mẹ cho học Tiếng Anh từ rất sớm. Ở cấp 1, cấp 2, Tiếng Anh của tôi đạt mức tốt. Nhưng đến đầu lớp 10, tôi không tập trung và bỏ lỡ tiếng Anh trong suốt hơn 1 năm. Kết quả là tôi đã hụt mất rất nhiều kiến thức.

Từ đó quyết định học lại tiếng Anh và thi chứng chỉ IELTS là cách tôi lựa chọn. Bởi tôi hiểu tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của tiếng Anh với mục tiêu đề ra. Trong tương lai tôi dự định sẽ học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Trung”, Đức chia sẻ.

Với xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay, việc sử dụng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh thành thạo là điều kiện cần. Nhận thức được điều này, nhu cầu học tiếng Anh ngày càng tăng, đặc biệt là đối với lứa tuổi từ 14-18 tuổi.

Giám đốc Trung tâm Tiếng Anh English Right Now Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong năm 2021, mỗi tháng toàn hệ thống sẽ đón trung bình 60 học viên mới (tại 3 cơ sở). Trong đó, học viên ở lứa tuổi 21-23 chiếm tới 70% và nhu cầu chủ yếu là luyện thi TOEIC – phục vụ cho công việc.

Trong năm 2022, mỗi tháng toàn hệ thống đón trung bình gần 120 học viên mới. Trong đó, học viên ở lứa tuổi 15-18 tuổi chiếm tới 60% (nhu cầu học để luyện thi IELTS). Học viên ở lứa tuổi 21-23 chỉ còn chiếm 30% (nhu cầu học để giao tiếp và phục vụ công việc tương lai).

Tính đến tháng 8/2023, toàn hệ thống đã đón trung bình 140 học sinh mới mỗi tháng. Trong đó, học viên ở lứa tuổi 15-18 vẫn chiếm đa số (khoảng 65%).

công dân toàn cầu 3

Giám đốc Trung tâm Tiếng Anh English Right Now Nguyễn Trung Nguyên. Ảnh: NVCC

Theo ông Nguyên, việc ngày càng nhiều học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông lựa chọn học tiếng Anh cho thấy, học sinh đã được định hướng học tập để có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong tương lai.

Mục đích của người học là có thể vận dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Từ đó tiếp cận với nhiều nền văn hóa và cập nhật kiến thức một cách nhanh chóng. Đồng thời, hiểu được ngoại ngữ là một trong những công cụ làm việc, người học ở nhiều lứa tuổi đang nỗ lực cải thiện vốn ngoại ngữ của bản thân.

Nhiều năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam luôn quan tâm đến việc giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Điều đó được thể hiện thông qua việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; đặt chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những yêu cầu chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo cử nhân trong nhiều trường đại học.

Ông Nguyễn Trung Nguyên khẳng định, tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là công cụ quan trọng mà một công dân toàn cầu cần có. Việc thông thạo tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào đó sẽ giúp mỗi người có thể tiếp xúc với những nền văn hoá mới, có thêm kiến thức, kỹ năng, làm quen với những người bạn đến từ các quốc gia khác nhau và nắm bắt, tiếp cận cơ hội làm việc quốc tế.

Tuy nhiên, để làm chủ ngoại ngữ, người trẻ vẫn gặp không ít thách thức. Lấy ví dụ về việc học tiếng Anh, ông Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, rào cản đầu tiên là thời gian.

Việc học tiếng Anh không phải là ưu tiên hàng đầu ở độ tuổi 14-23 bởi vì người học độ tuổi này còn phải hoàn thành nhiều chương trình học khác. Vì vậy, thời gian cho việc học tiếng Anh sẽ hạn hẹp. Nếu không phân bổ được thời gian hợp lý, chắc chắn học sinh không thể theo đuổi môn tiếng Anh.

Rào cản thứ hai đó là tìm kiếm một môi trường học tập tốt. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu học tiếng Anh ngày càng tăng, nhiều trung tâm xuất hiện như nấm mọc sau mưa với những lời quảng cáo, giới thiệu, cam kết đầu ra hấp dẫn. Song, chất lượng đào tạo lại ít được kiểm chứng.

Không ít trung tâm, giáo viên không đủ trình độ dạy học viên, chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp giảng dạy còn mơ hồ và thiếu khoa học. Vì vậy, muốn lựa chọn môi trường học tập tốt, người học cần phải tìm hiểu thật kỹ về lộ trình của khóa học, trình độ giáo viên, thậm chí là yêu cầu trung tâm cho học thử.
Giám đốc Trung tâm Tiếng Anh English Right Now Nguyễn Trung Nguyên

Rào cản thứ ba là tài chính. Theo quy luật cung - cầu, học phí khóa học tiếng Anh cũng tăng theo, thậm chí tăng một cách chóng mặt. Điều này gây ra khó khăn cho sinh viên, người mới đi làm khi họ chưa có thu nhập cao.

Theo ông Nguyễn Trung Nguyên, nếu không có đủ tiền để đi học ở các trung tâm chất lượng, học sinh, sinh viên có thể tự học thông qua các bài giảng miễn phí trên các nền tảng xã hội, hoặc đơn giản học qua phim ảnh.

Rào cản thứ tư là sự kiên trì của bản thân mỗi người. Để học tốt tiếng Anh, người học cần quyết tâm, kiên trì trong một thời gian tương đối dài, có thể tính bằng năm. Vì vậy, nếu không theo đuổi đến cùng, nản chí chỉ sau vài tháng, chắc chắn người học sẽ thất bại.

Do đó, trước hết phải xác định mục tiêu học tập. Hiện nay, nhiều người chạy đua theo các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà quên đi bản chất thực sự của tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung. Ngoại ngữ chỉ là một trong những công cụ giao tiếp. Vậy nên, thay vì áp lực đặt ra những mục tiêu bằng điểm số, người học cần tìm được cảm hứng, thường xuyên vận dụng, sử dụng ngoại ngữ trong đời sống thường ngày. 

Hãy thay đổi môi trường học, hoặc tài liệu học nếu cảm thấy chúng quá nhàm chán.

Cùng với sự nở rộ của các trung tâm ngoại ngữ, các lớp kỹ năng mềm ngày càng trở nên đa dạng

Là một trong những biên tập viên tại một đài truyền hình lớn, đồng thời là một giáo viên dạy kỹ năng sống và dẫn chương trình, người dẫn chương trình kiêm biên tập viên Cẩm Ly đánh giá, hiện nay, nhu cầu học các kỹ năng mềm là rất lớn ở tất cả các độ tuổi, từ trẻ mầm non cho đến học sinh cấp 3, sinh viên và cả người đi làm.

Chị được biết đến là người có thể truyền dạy kĩ năng mềm như thuyết trình, tự tin trước ống kính, trước đám đông cho người cần học. 

công dân toàn cầu 4

Người dẫn chương trình kiêm biên tập viên Cẩm Ly. Ảnh: NVCC

Cẩm Ly chia sẻ: “Trong dịp hè, một tuần tôi dạy đến 20 ca học với các lớp thuộc các độ tuổi khác nhau, từ lớp tiền tiểu học đến lớp học viên là người đi làm. Tôi nhận thấy, không chỉ học sinh, sinh viên mà còn có nhiều người đã tham gia vào thị trường lao động, thậm chí là làm việc lâu năm trong một lĩnh vực nào đó cũng quan tâm đến việc học các kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, thể hiện sự tự tin nói trước đám đông.

Vì vậy, số lượng các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm ngày một tăng lên, các khóa học đang thu hút sự quan tâm, đầu tư của mọi độ tuổi".

Cẩm Ly đánh giá nhu cầu học tập kỹ năng mềm của xã hội đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, với mỗi vùng miền, địa phương, mức độ quan tâm lại có sự khác biệt rõ rệt. Hà Nội là một đô thị lớn, đông đúc, và là thị trường lao động đa lĩnh vực, nhu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cao hơn tại các tỉnh, thành khác. Đó là chưa kể đến sự chênh lệch giữa khu vực thành phố và khu vực các huyện, thị.

Phụ huynh tại các thành phố lớn thường sẵn sàng chi trả cho các khóa học kỹ năng, ủng hộ, thúc đẩy con rèn luyện phát triển kỹ năng mềm thay vì chỉ chú trọng vào kiến thức mang tính chất học thuật.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 5: Đường đi đúng trong "mê cung: kỹ năng mềm - Ảnh 9.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 5: Đường đi đúng trong "mê cung: kỹ năng mềm - Ảnh 10.

Học sinh thích thú khi tham gia lớp học MC nhí. Ảnh: NVCC

Thậm chí, nhiều bạn học sinh còn chủ động tìm hiểu và đăng ký những lớp học phù hợp với sự yêu thích của bản thân. Vì vậy, những bạn này thường có hứng thú và sự theo đuổi lâu dài với các lớp học kỹ năng.

Cẩm Ly cho biết, một khóa học dẫn chương trình thường có chi phí khoảng 300.000-500.000 đồng/buổi và thường kéo dài trong 12 buổi. Đây không phải là mức học phí rẻ nhưng nhiều phụ huynh tại khu vực thành phố vẫn sẵn sàng “rút hầu bao”, đầu tư cho con với mong muốn con có bệ phóng vững chắc để hòa nhập với cộng đồng và rộng hơn là vươn ra thế giới.

“Tuy nhiên, trước khi lựa chọn một khóa học, phụ huynh và người học cần cẩn trọng tìm hiểu về lộ trình, phương pháp giảng dạy của các trung tâm, kinh nghiệm của giáo viên. Đối với các bạn trẻ, các bạn cũng cần xác định được những kiến thức, kỹ năng bản thân còn thiếu, chọn lọc những lớp học phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân”, chị Cẩm Ly nhấn mạnh.

Với bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đào tạo kỹ năng để người trẻ trở thành công dân toàn cầu là vô cùng cần thiết. Điểm khởi đầu là sự chủ động của mỗi gia đình, trách nhiệm đào tạo của mỗi nhà trường. Nhưng để đi từ điểm khởi đầu tới đích đến hội nhập còn cần trách nhiệm chung của toàn xã hội. 

Vì vậy, bên cạnh trang bị kiến thức tại trường lớp, các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị xã hội cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra các hoạt động đào tạo kỹ năng, kiểm soát tình hình hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, các khóa học đào tạo kỹ năng mềm, để từ đó xây dựng xã hội học tập, tạo ra thế hệ công dân toàn cầu.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-trinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-bai-5-duong-di-dung-trong-me-cung-ky-nang-mem-179230919140359351.htm