Giấy phép hành nghề dạy học chỉ có thời hạn 10 năm?

09:20 - 15/08/2024

Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 có nội dung quy định Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định.

Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học (Điều 18)

1. Nguyên tắc cấp giấy phép hành nghề dạy học:

a) Giấy phép hành nghề dạy học được cấp theo cấp học, trình độ đào tạo hoặc phương thức giáo dục;

b) Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định;

c) Một người có thể được cấp nhiều giấy phép hành nghề dạy học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

2. Giấy phép hành nghề dạy học gồm các thông tin cơ bản sau:

a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với nhà giáo là người Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với nhà giáo là người nước ngoài;

b) Trình độ, ngành hoặc chuyên ngành được đào tạo;

c) Cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, thực hành nghề dạy học;

d) Cấp học, môn học, trình độ đào tạo hoặc lĩnh vực được phép hành nghề dạy học;

đ) Thời hạn.

3. Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học:

a) Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo;

b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao quy định mẫu giấy phép hành nghề dạy học, chương trình và cơ sở giáo dục tổ chức việc bồi dưỡng, thực hành nghề.

Giấy phép hành nghề dạy học chỉ có thời hạn 10 năm?- Ảnh 2.

Vì sao Giấy phép hành nghề dạy học chỉ có thời hạn 10 năm?

Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn có thực sự cần thiết?

Bàn về giấy phép hành nghề giáo viên, trên một diễn đàn, một số thầy cô giáo cho rằng việc đặt ra thời hạn với giấy phép hành nghề dạy học sẽ thôi thúc giáo viên luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng.

Tuy vậy, một giáo viên bậc trung học phổ thông nêu quan điểm, sự thôi thúc giáo viên luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng gần như không phụ thuộc nhiều vào giấy phép hành nghề.

Thứ nhất, đa số giáo viên đều phấn đấu, nỗ lực không ngừng là do danh dự, lòng tự trọng nghề nghiệp của nhà giáo. Giáo viên yếu chuyên môn, nghiệp vụ chắc chắn sẽ không được sự tín nhiệm của lãnh đạo, học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.

Thứ hai, nếu giáo viên không chịu phấn đấu, nỗ lực không ngừng thì họ sẽ bị đào thải, hoàn toàn không có chuyện yên vị cho đến lúc nghỉ hưu. Theo quy định, giáo viên sẽ bị tinh giảm biên chế nếu có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

Thứ ba, nếu được trả lương tương xứng với công sức, hầu hết nhà giáo sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng cho sự nghiệp giáo dục. Hiện nay, vẫn còn không ít giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với việc dạy học là do đồng lương thấp, họ phải làm nghề "tay trái" nên không còn nhiều thời gian lo cho việc chuyên môn.

Thứ tư, nhà giáo sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng khi lãnh đạo trường quản lí có tâm, có tầm. Mỗi khi nhà giáo được tôn trọng, được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc và được đối xử công bằng thì cho dù đồng lương có thấp thì họ cũng sẽ hết lòng vì học sinh thân yêu.

Thứ năm, Điều 21 dự thảo quy định Giấy phép hành nghề dạy học bị thu hồi trong các trường hợp (trích):

a) Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;

b) Nhà giáo không đạt điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề dạy học;

c) Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;

d) Người hành nghề dạy học tự do lợi dụng hoạt động giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục ; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, quy định Giấy phép hành nghề dạy học chỉ có thời hạn 10 năm liệu có mâu thuẫn với Điều 21?

Hơn nữa, vì sao Giấy phép hành nghề dạy học chỉ có thời hạn 10 năm mà không phải ít hơn hoặc nhiều hơn, ví dụ 5 năm hoặc 15 năm, kể cả không có thời hạn? 

Chưa kể, giáo viên đã về hưu thì việc cấp Giấy phép hành nghề dạy học để làm gì?

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giay-phep-hanh-nghe-day-hoc-chi-co-thoi-han-10-nam-179240815092029129.htm