Giá sách giáo khoa tăng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói lãi sẽ giảm

PV
11:50 - 06/07/2022

Trước những ý kiến cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp đà lãi lớn trong thời gian tới nhờ việc tăng giá sách giáo khoa, đại diện Nhà xuất bản cho rằng, lãi từ mảng sách giáo khoa sẽ đi xuống thay vì tăng như năm qua.

Lợi nhuận Nhà xuất bản tăng cùng chiều với giá sách giáo khoa

Trong "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021", năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch là 117 triệu bản. 

Doanh thu năm 2021 đạt hơn 1.828 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động phát hành sách chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Cụ thể, doanh thu từ sách giáo khoa năm qua là 1.583 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ sách giáo khoa hiện hành là 674 tỉ đồng (37%), sách giáo khoa mới là 675 tỉ đồng (chiếm 37%), sách bổ trợ 234 tỉ đồng (chiếm 13%).

Lợi nhuận sau thuế của Nhà xuất bản là 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt xa con số dao động bình quân từ 120 - 150 tỉ đồng những năm trước.

Về khả năng sinh lời, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 39,9%, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt 17,9%.

Ngoài ra, theo "Báo cáo đánh giá tình hình đầu tư tại các công ty con năm 2021", hoạt động kinh doanh của 7 công ty con trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục đều ghi nhận mức lợi nhuận tăng. Trong năm, Nhà xuất bản Giáo dục đã nhận được hơn 10 tỉ đồng cổ tức từ các công ty con trên tổng số 101,7 tỉ vốn đầu tư.

Chia sẻ về mức lợi nhuận tăng vọt, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết: “Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục mua được vật tư ở thời điểm có giá thấp nên sách giáo khoa có lãi”.

Thêm vào đó, năm 2020, 2021 là các năm đầu áp dụng sách giáo khoa mới, đặc biệt ở các lớp 1, 2, nên số lượng phát hành sách tăng vọt. 

Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục đã tăng cao cùng xu hướng tăng giá sách giáo khoa. Cụ thể, trong năm học 2020 - 2021, nhiều đầu sách giáo khoa tiểu học đã tăng giá gấp 3 - 4 lần. Đến năm học 2022 - 2023, giá sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 tiếp tục tăng cao hơn 2 - 3 lần so với bộ sách cũ.

Nhìn lại, năm ngoái, chỉ mới phát hành sách của vài khối lớp, mà lợi nhuận của nhà xuất bản đã tăng vọt. Vậy nếu Nhà xuất bản phát hành đủ sách giáo khoa cho 12 lớp với giá cao gấp 2-4 lần giá sách cũ thì lợi nhuận từ sách giáo khoa sẽ biến động mạnh như thế nào?

Giá sách giáo khoa tăng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn nói lãi sẽ giảm - Ảnh 4.

Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục đã tăng cao cùng xu hướng tăng giá sách giáo khoa. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục

Lãi từ sách giáo khoa sẽ giảm

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, không thể dùng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 để tính toán cho các năm tiếp theo. 

Trong các năm tiếp theo, chắc chắn lợi nhuận của Nhà xuất bản sẽ có sự biến động. Thứ nhất là do theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa và sử dụng sách trong thư viện sẽ tăng lên. Vì vậy, trong năm tiếp theo, số sách phát hành sẽ giảm. 

Thứ hai là năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục giảm giá sách giáo khoa nên kết quả kinh doanh các năm tiếp theo dự kiến sẽ giảm. Theo Nhà xuất bản Giáo dục, sách giáo khoa là mặt hàng không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay lập tức như một số mặt hàng khác nên Nhà xuất bản Giáo dục đã tính toán giá sách giáo khoa trên cơ sở giữ ổn định giá trong cả quá trình.

Thêm vào đó, với những biến động tăng giá vật tư đầu vào (giấy, mực, keo...), xăng dầu, lương tối thiểu..., lãi từ mảng sách giáo khoa sẽ giảm. 

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gia-sach-giao-khoa-tang-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-noi-lai-se-giam-179220705164144521.htm