Đua nhau 'tủ' sâu 'hai con vợ' đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Coi chừng bị 'tủ đè'
Những ngày qua, trên mạng xã hội facebook đang lan truyền một số tác phẩm có thể vào đề thi Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. Thí sinh cần tỉnh táo kẻo bị cuốn vào mạng xã hội mà hãy dành thời gian ít ỏi còn lại để ôn tập cho tốt.
Đến hẹn lại lên, cứ đến gần ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông là thí sinh (kể cả thầy cô) lại đua nhau đoán đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. Nếu việc đoán đề chỉ dừng lại ở mục đích giải trí, giúp tinh thần thoải mái thì không sao, nhưng vẫn có nhiều thí sinh bị cuốn sâu trong một số đề bài "tủ" làm mất sự tập trung, dẫn tới hoang mang lo lắng.
Nhất định phải "tủ" sâu "hai con vợ"
Từ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đến năm 2022, thí sinh cả nước nói đùa với nhau là phải tủ sâu "hai con vợ" – "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài) và "Vợ nhặt" (Kim Lân). Lí do khiến các em tủ sâu hai tác phẩm này vì từ nhiều năm nay đề thi chưa đề cập đến hai nhân vật chính là Mị và thị.
Thế nhưng, thực tế không hề có chuyện đó. Kì thi tốt nghiệp năm 2021 nhiều thí sinh bị "tủ đè" và nhiều bài thi có kết quả thấp. Minh chứng là, đề Ngữ văn không ra "hai con vợ" như nhiều thí sinh dự đoán mà yêu cầu cảm nhận một đoạn thơ (3 khổ) trong bài "Sóng" (Xuân Quỳnh). Sau kì thi, giám khảo kể những chuyện cười ra nước mắt như có thí sinh viết ông Xuân Quỳnh, trong khi đây là nữ thi sĩ rất nổi tiếng.
Năm nay thí sinh tiếp tục đoán "Vợ chồng A Phủ" và một số tác phẩm khác như "Người lái đò Sông Đà" (Nguyễn Tuân), "Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Lưu Quang Vũ)… Cùng với đó, thí sinh vẫn suy đoán không có căn cứ như, đề sẽ không ra tác phẩm ở học kì 1 vì thời gian đó học sinh học online.
Bên cạnh đó, cũng có một số giáo viên cho rằng, tác phẩm đã ra trong phạm vi 3 năm thì không ra lại. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, không hề có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định điều này cả. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, một số tác phẩm vẫn thường được ra đi ra lại trong đề thi như "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm); "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu), "Tây Tiến" (Quang Dũng), "Việt Bắc" (Tố Hữu)…
Ngoài ra, thí sinh cũng có tình trạng đoán câu nghị luận xã hội sẽ ra các vấn đề thời sự nóng hổi, được dư luận xã hội quan tâm. Ví dụ, năm 2018, 2019 các em đoán đề có khả năng ra hạn hán, ngập mặn vì biến đổi khí hậu, năm 2020, 2021 lại đoán dịch bệnh Covid-19 nhưng đề không ra như thế. Chẳng hạn, đề thi năm 2021 yêu cầu nghị luận về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Giai đoạn "nước rút", thí sinh cần lưu ý những gì?
Giai đoạn này thí sinh không nên nghe theo bạn bè hay thông tin trên mạng xã hội facebook để rồi đoán đề, học "tủ" chỉ tốn thời gian, công sức. Nếu có lướt mạng xã hội, các em chỉ nên xem tin tức giải trí, đừng truy cập vào những trang dự đoán đề thi để rồi hoang mang.
Có thể khẳng định, đề thi Ngữ văn những năm qua đều ra những nội dung rất thiết thực, gần gũi, thí sinh dễ dàng lấy 6,7 điểm mà không phải ôn tập quá nhiều. Theo đó, cấu trúc đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu, thí sinh không khó để lấy từ 2,5 trên 3 điểm, vì các câu hỏi được thiết lập theo ma trận nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.
Câu nghị luận xã hội, thí sinh cần đáp ứng được yêu cầu về hình thức và nội dung của một đoạn văn 200 chữ. Về hình thức, đoạn văn có độ dài khoảng 2 phần 3 tờ giấy thi hoặc tối đa là 1 mặt giấy, tránh gây mất thời gian. Nên triển khai theo hình thức tổng-phân-hợp để đoạn văn chặt chẽ, súc tích.
Về nội dung, sử dụng thao tác nghị luận hợp lí, cần đưa dẫn chứng minh họa, thể hiện quan điểm chân thành, rõ ràng, tránh vi phạm các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mĩ tục, không được vi phạm pháp luật. Tránh viết câu dài gây lủng củng hay cách viết dài dòng, lan man.
Câu nghị luận văn học, thí sinh không nên học thuộc lòng hết tác phẩm này đến tác phẩm khác vì đề thi rất đa dạng, chỉ mất thời gian mà thôi. Ví dụ, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" đề có thể ra phân tích một đoạn văn chứ không phải phân tích toàn bộ nhân vật trong tác phẩm, và có hàng chục đoạn đoạn văn có thể ra đề thi.
Thời gian này, thí sinh cần xem lại phương pháp làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, và nghị luận về một trích văn xuôi. Ví dụ để ôn tập tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" hiệu quả, thí sinh cần soạn sẵn phần mở bài; nghệ thuật miêu tả nhân vật; bài học nhân sinh mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm; phần kết bài – tương tự tác phẩm khác cũng như vậy.
Với thí sinh khá giỏi, cần chuẩn bị sẵn một số kiến thức lí luận văn học có liên quan như nhà văn, tác phẩm, bạn đọc… Cũng có thể sử dụng thao tác so sánh để bài viết phong phú hơn, hay hơn. Ví dụ, có thể so sánh nhân vật người đàn bà hàng chài với nhân vật thị (Vợ nhặt) hay Mị (Vợ chồng A Phủ).
Thí sinh cũng cần lưu ý rằng, không ôn tập tràn lan mà xoáy sâu vào những nội dung trọng tâm đã được thầy cô hướng dẫn trên lớp. Một lời khuyên chân thành là không nên học tủ nhưng có thể chuẩn bị sẵn một số đề mà bản thân tâm đắc. Nếu đề thi rơi vào những đề đã được học kĩ thì rất tuyệt vời, còn không, thí sinh vẫn làm bài tốt.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dua-nhau-tu-sau-hai-con-vo-de-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-coi-chung-bi-tu-de-179220701171233565.htm