Du lịch Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2024 bùng nổ phá kỷ lục
Nhật Bản đang chứng kiến sự bùng nổ du lịch hơn bao giờ hết, với mục tiêu đón 35 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2024. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng phải ứng phó với tình trạng quá tải du khách thông qua một số biện pháp, bao gồm cả thu hút du khách tới những khu vực còn ít được biết tới.
Du lịch Nhật Bản tăng trưởng đột biến
Sự tăng trưởng du lịch đột biến này của Nhật Bản, theo tác giả Peden Doma Bhutia phân tích trên wesite tin tức về du lịch Skift của Mỹ ngày 22/7, phần nhiều do sức cuốn hút của đồng Yen (JPY) "yếu" (giảm giá).
Skift cũng dẫn số liệu mới nhất vừa được Nhật Bản công bố ngày 20/7 cho thấy: Số du khách quốc tế ghé thăm Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt kỷ lục mới với 17,8 triệu lượt người - tăng 66% so với cùng kỳ năm trước và phá kỷ lục trước đó là 16,63 triệu lượt khách đến cùng kỳ năm 2019.
Đà bùng nổ du lịch này càng củng cố mục tiêu của Nhật Bản đón khoảng 35 triệu lượt du khách quốc tế trong cả năm 2024 (vượt kỷ lục 31,88 triệu lượt du khách quốc tế tới Nhật Bản năm 2019), với chi tiêu du lịch ước tính đạt mức chưa từng có là 8 nghìn tỉ JPY (51 tỉ USD).
Hướng về tương lai, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch kỳ vọng thu hút 60 triệu du khách quốc tế vào năm 2030, với mức chi tiêu du lịch dự kiến tăng vọt lên 15 nghìn tỉ JPY (96 tỉ USD). Đồng Yen (JPY) "yếu" đã thúc đẩy đáng kể chi tiêu của du khách quốc tế - đạt 2,1 nghìn tỉ JPY (13,4 tỉ USD) từ tháng 4 đến tháng 6/2024.
So với năm 2019 khi mua sắm chiếm 37% chi tiêu của du khách quốc tế, nguyên nhân được cho là có thể do số du khách Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. So với mức trung bình toàn cầu, mua sắm chiếm gần 49% chi tiêu du lịch của du khách Trung Quốc. Trong khi du khách đến từ Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) cũng chi khoảng 40% cho mua sắm.
Nhật Bản đang đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa du khách quốc tế ghé thăm, thông qua sáng kiến mới rút ngắn thời gian làm thủ tục khi đến sân bay. Theo đó, hệ thống "làm thủ tục trước" ("pre-clearance") sẽ cho phép du khách trải qua hầu hết quy trình sàng lọc nhập cảnh tại các sân bay khởi hành. Sau đó du khách chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh đơn giản tại các sân bay Nhật Bản khi đến.
Chương trình dự kiến được triển khai với du khách Đài Loan kể từ tháng 1/2025, sau khi kiểm tra tính hiệu quả chương trình có thể được Nhật Bản mở rộng.
Du lịch Nhật Bản thu hút du khách tới những nơi còn ít được biết tới
Tuy nhiên sự bùng nổ du lịch cũng khiến một số điểm tham quan nổi tiếng của Nhật Bản phải ứng phó với tình trạng quá tải du khách, cùng cách cư xử chưa đúng mực của một số du khách ảnh hưởng đến đời sống của cư dân địa phương (nguyên nhân chính được cho là do du khách chưa quen với các quy tắc ứng xử của Nhật Bản).
Một trong các biện pháp của Nhật Bản nhằm giảm tải cho các điểm nóng du lịch nổi tiếng như các thành phố lớn Tokyo, Kyodo, Osaka… là thu hút du khách tới những khu vực còn ít được biết tới hơn được ví như những "viên ngọc ẩn".
Đang nổi lên trong đó là thành phố Minamiashigara thuộc tỉnh Kanagawa, nơi mùa xuân 2024 đã đón số du khách đến tăng gấp 32 lần nhờ hoa anh đào nở sớm. Tiếp theo là số du khách tăng gấp 24 lần tới thành phố Katsuyama thuộc tỉnh Fukui - nơi có Bảo tàng khủng long với số lượng hóa thạch khủng long được khai quật nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở Nhật Bản. Chiếm vị trí thứ 3 là thành phố Suzuka thuộc tỉnh Mie, với nhiều du khách quốc tế đến xem giải đua xe Công thức 1 Nhật Bản (Formula 1 Japanese Grand Prix).
Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại các điểm đến ít nổi tiếng hơn của Nhật Bản, theo ông Mike Harris - giám đốc điều hành hãng cung cấp trải nghiệm ngoài trời Canyons có trụ sở tại tỉnh Gunma, Nhật Bản, là "sự quan tâm ngày càng tăng của du khách quốc tế đối với lựa chọn du lịch rời khỏi các 'lối mòn' và trải nghiệm vùng nông thôn Nhật Bản".
Đồng thời theo đài NHK, giới chức Nhật Bản có kế hoạch biên soạn các hướng dẫn (các quy tắc ứng xử của Nhật Bản) vào cuối năm nay. Họ cũng dự kiến thảo luận về việc có nên cho phép thu phí vào cửa các điểm du lịch và nếu có sẽ như thế nào, cũng như có nên áp dụng các khoản phí và giá "đặc biệt" (dual pricing - giá kép) với du khách hay không.
Về vấn đề này, hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 23/7 đăng bài viết có tiêu đề "Số du khách inbound (nhập cảnh) tăng vọt thúc đẩy Nhật Bản khám phá chính sách giá kép" (Surge in inbound tourists pushes Japan to explore dual pricing), với phân tích nhấn mạnh:
"Hệ thống 2 tầng (giá kép) trong đó du khách quốc tế phải trả cao hơn người dân địa phương, hầu hết được thấy tại các điểm du lịch ở những quốc gia đang phát triển, lại dẫn đến lo ngại rằng Nhật Bản có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nước này như một điểm đến du lịch cao cấp".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-lich-nhat-ban-6-thang-dau-nam-2024-bung-no-pha-ky-luc-179240724005209989.htm