Điểm chuẩn trúng tuyển đại học gần “kịch trần”: Đề thi không ổn
Một vài năm trở lại đây, điểm chuẩn trúng tuyển đại học ở một số ngành gần “kịch trần” 30 điểm đã không còn quá xa lạ. Một trong những vấn đề đặt ra ở đây là mức độ phân loại của đề thi.
Trường "top", ngành "hot" có điểm chuẩn đều từ 27, 28 điểm
Từ ngày 15/9, hàng loạt trường đại học, học viện trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2022.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành Quan hệ công chúng, Đông Phương học và Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang dẫn đầu điểm chuẩn đầu vào với 29,95 điểm (trên thang 30 điểm, không nhân hệ số) ở khối C00 (Ngữ Văn – Lịch sử - Địa lý).
Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh đăng ký ngành Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học hoặc Đông Phương học với khối C00 tại trường này sẽ phải đạt 2 môn 10 điểm và 1 môn 9,95 điểm. Thực tế, nếu thí sinh không có điểm cộng vùng thì trường hợp điểm số gần "kịch trần" như trên là không thể xảy ra.
Lý giải về việc điểm chuẩn cao ở một số ngành năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ do chỉ tiêu các ngành chỉ vài chục nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký tới vài nghìn.
Một nguyên nhân nữa là phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông một số môn năm nay cao. Trong đó, đặc biệt là môn Lịch sử và môn Ngữ văn. Đây là 2 môn nằm trong tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý) nên đã đẩy điểm chuẩn các ngành có xét tuyển tổ hợp này lên cao.
"Phổ điểm môn Ngoại ngữ không cao, môn Toán giữ ổn định nên những tổ hợp có 2 môn thi này như A01, D01, D04, D06 giữ ổn định như năm trước, chỉ ở mức 24-27,75 điểm", Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Khảo sát một lượt điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm nay của các trường đã công bố cũng có thể thấy, những ngành "hot", trường "top" đều có điểm đầu vào rất cao. Chẳng hạn Trường Đại học Ngoại Thương, trụ sở Hà Nội, điểm chuẩn thấp nhất cũng 27,5 điểm; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn thấp nhất là 26,1 điểm, cao nhất là 28,2 điểm; Trường Đại học Thương Mại, điểm chuẩn giao động từ 25,8 – 27 điểm; ngành cao điểm nhất của Trường Đại học Bách Khoa lấy 28,29 điểm; còn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lấy 28,5 điểm.
Mức độ phân loại thí sinh trong đề thi còn thấp
Một vài năm trở lại đây, câu chuyện về sĩ tử đạt 9 điểm mỗi môn nhưng vẫn trượt nhiều nguyện vọng, hay thí sinh phải đạt mỗi môn gần 10 điểm mới đỗ nguyện vọng yêu thích đã không còn quá xa lạ.
Nói cách khác, điểm chuẩn vào các trường đại học, nhất là những trường "top", ngành "hot" đang quá cao. Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, đây là hiện tượng bất thường.
"Điểm chuẩn tại một số trường đại học cao trong những năm gần đây đang phản ánh một thực tế rằng hệ thống đề đánh giá, kiểm tra của chúng ta đang chưa ổn. Cụ thể, độ phân loại thí sinh trong đề thi còn thấp", Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh nói.
Một đề thi tốt là đề thi đo được dải năng lực của tất cả các thí sinh: từ những thí sinh có năng lực thấp nhất đến những thí sinh có năng lực cao nhất. Đồng thời, đo được độ khó của tất cả các câu hỏi: từ những câu hỏi dễ nhất đến các câu hỏi khó nhất (không có câu hỏi nào mà không ai trả lời đúng và ít có câu hỏi mà tất cả thí sinh đều trả lời đúng).
Ngoài ra, đề thi phải có độ phân biệt thích hợp. Độ phân biệt giúp lựa chọn một cách chính xác thí sinh nào giỏi hơn và giỏi hơn bao nhiêu.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ thêm: "Việc tổ chức kỳ thi vào đại học là để sàng lọc, người nào xứng đáng thì được vào, trường đại học thì tuyển được người giỏi. Mức độ đề thi và điểm vào cao như hiện nay khiến cho sự phân loại thí sinh bị nhập nhằng. Học sinh có năng lực tốt, thái độ tốt hơn hẳn dễ bị đánh đồng với nhóm có năng lực và thái độ không tốt bằng. Và như vậy, kỳ thi cũng không làm tốt được vai trò của mình".
Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh cho rằng, trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc 2 điều: thứ nhất, thay đổi cách thức ra đề để tăng mức độ phân loại thí sinh; Thứ hai, có thể xem xét tìm một cách thức tuyển sinh đại học khác phù hợp, chọn lọc thí sinh tốt hơn.
"Với kết quả điểm thi và điểm trúng tuyển của các trường thế này thì hầu như ai cũng đỗ đại học. Tổ chức một kỳ thi lớn để thu về kết quả như vậy thì rất đáng suy ngẫm", Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh nói.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/diem-chuan-trung-tuyen-dai-hoc-gan-kich-tran-de-thi-khong-on-17922092115515894.htm