Đã đến lúc cần hợp lực để cứu các di sản văn hóa
Di sản văn hóa là sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, góp phần phát huy giá trị văn hóa và bản sắc riêng của mỗi đất nước, khu vực. Tuy nhiên, nhiều di sản ở châu Âu hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của thời gian, của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên.
Di sản văn hóa là sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, góp phần phát huy giá trị văn hóa và bản sắc riêng của mỗi đất nước, khu vực. Tuy nhiên, nhiều di sản ở châu Âu hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên.
Thành viên của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Nghị viện Châu Âu, ông Alexis Georgoulis, cho rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn và tài trợ cho các di sản văn hóa trong khu vực.
Trong nhiều thập kỷ qua, lũ lụt, xói mòn và ô nhiễm đã gây ra những thiệt hại lớn cho các di sản thuộc khu vực Địa Trung Hải. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo khu vực Địa Trung Hải đang đứng trước nguy cơ trở thành "điểm nóng" về biến đổi khí hậu, theo đó sẽ phải hứng chịu các đợt cháy rừng, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt hơn do nhiệt độ gia tăng.
Nghiên cứu của Đại học Kiel cũng chỉ ra rằng, hơn 40 di sản thế giới được UNESCO công nhận ở khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ bị xói mòn dưới tác động của triều cường và mực nước biển dâng. Điển hình trong số đó là thành cổ Acropolis (Hy Lạp), đầm phá Venice (Italy), điểm khảo cổ Delos (Hy Lạp), quần thể hang động Gorham, Gibraltar, thành phố Dubrovnik (Croatia).
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các khu di sản. Đây luôn là một trong những nơi đầu tiên phải đóng cửa và cũng là nơi cuối cùng được mở cửa trở lại mỗi khi thực hiện giãn cách xã hội.
Nhìn từ góc độ kinh tế, các di sản văn hóa mang đến nhiều lợi ích cho châu Âu mà không phải ai cũng biết. Lĩnh vực này tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 300.000 người, và gián tiếp cho 7,8 triệu người. Thực tế, 40% dịch vụ ngành du lịch châu Âu từ việc tập trung khai thác các giá trị văn hoá do kết nối khách du lịch đến các điểm tham quan di sản này, từ đó đóng góp 10,3% GDP của EU.
Ông Alexis Georgoulis nhận định, cách tốt nhất để giải quyết thực trạng này là nâng cao nhận thức và gia tăng áp lực của cộng đồng, từ đó thúc đẩy các quyết sách chính trị.
Hồi tháng 9 năm 2020, Nghị viện Châu Âu đã đề cao "giá trị gia tăng quan trọng của di lịch lịch sử và văn hóa", đồng thời yêu cầu Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên EU "thiết lập một chính sách tích hợp để hỗ trợ "hồi sinh" lĩnh vực này ". Cụ thể, Nghị viện đã yêu cầu khởi động "một chương trình sáng tạo giá trị di sản và văn hóa châu Âu hàng năm phản ánh sự đa dạng văn hóa châu Âu" và xây dựng "quỹ cơ cấu trong đó chú trọng bảo tồn di sản văn hóa nhiều nhất có thể".
Alexis Georgoulis cũng cho rằng, Ủy ban và tất cả các quốc gia thành viên EU cần coi trọng hơn nữa trách nhiệm của mình cũng như tầm quan trọng của các di sản văn hóa trong khuôn khổ quỹ Cơ sở phục hồi và chống đỡ (RRF). Nếu nhìn rộng hơn về các sáng kiến của EU, cần chú ý đến tiềm năng của các di sản văn hóa ở New European Bauhaus (NEB) trong việc liên kết với các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, cũng như đẩy mạnh các phương án "chuyển đổi xanh" và phục hồi di sản văn hoá.
Ủy ban nên thành lập một quỹ đặc biệt để tài trợ cho các công trình bảo vệ các di sản trên bờ biển Địa Trung Hải khỏi những thiệt hại của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, kịp thời, với sự vào cuộc của chính phủ, chuyên gia và người dân. Các quốc gia thành viên cũng cần tăng ngân sách cho các hoạt động phục vụ mục tiêu này.
Alexis Georgoulis nhấn mạnh, châu Âu không nên chần chừ thêm nữa mà phải nỗ lực và nhanh chóng triển khai công cuộc bảo tồn các di sản văn hoá.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/da-den-luc-can-hop-luc-de-cuu-cac-di-san-van-hoa-179220807232959572.htm