Cơ quan cũ

19:25 - 11/10/2024

Tôi tự đặt ra nguyên tắc: Chuyển cơ quan hay về hưu thì đừng bao giờ chủ động đến cơ quan cũ trừ khi được mời một cách trân trọng; và khi được mời trân trọng cũng rất cần phải cân nhắc...

 Khi bạn về hưu, mọi mối quan hệ đã khác...

Vừa rồi mấy anh chị em ở một trong những cơ quan cũ trách: "Từ ngày anh rời cơ quan, nhiều sự kiện cơ quan mời mà không thấy anh đến. Chúng em rất muốn gặp anh mà không có điều kiện...". Ý thức rằng không nên giải thích lý do, tôi chỉ đành trả lời  lịch sự: "Anh kẹt việc nhà quá. Thông cảm nhé".

Tôi đã từng chuyển gần chục cơ quan trước khi về hưu. Tôi tự đặt ra nguyên tắc: Chuyển cơ quan hay về hưu thì đừng bao giờ chủ động đến cơ quan cũ trừ khi được mời một cách trân trọng; và khi được mời trân trọng cũng rất cần phải cân nhắc. 

 Đặc biệt, đến cơ quan cũ khi mình từng là thủ trưởng thì vấn đề lại trở nên rất nhạy cảm. Nhạy cảm vì đó là văn hóa ứng xử của người đã trưởng thành, đã chứng kiến và cảm nhận đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố.


Cơ quan cũ- Ảnh 1.

Bức tranh tái hiện hình ảnh của một ông cán bộ về hưu, từng là Giám đốc, đứng trước tòa nhà trụ sở công ty cũ. Có thê thây sự lưỡng lự của ông khi nhìn vào nơi mình từng làm việc... (Ảnh: AI)

Những cơ quan đã làm việc là nơi mà ta từng cống hiến và trưởng thành, là một phần của cuộc đời, thì khi chia tay cơ quan cũ đương nhiên sẽ không ít cảm xúc. Đó không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm buồn vui, nơi có những thành công cũng như có cả những thất bại. Khi đã bình tâm nhìn lại, nếu như đến cơ quan cũ gặp lại những mối quan hệ từng có, những ràng buộc không văn bản, và gặp những cái bắt tay chỉ còn mang tính chất xã giao, ta phải hiểu: có những việc nên dừng lại, nên chào tạm biệt hẳn.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, tiếp viên hàng không thường thông báo: "Máy bay sẽ hạ cánh trong giây lát. Đề nghị quý khách gấp bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế, thắt chặt dây an toàn". Ngày chính thức nghỉ hưu, một tờ giấy A4 sẽ được trao, những lời tri ân, chúc mừng và ghi nhận những năm tháng cống hiến suốt hành trình dài với lời đánh giá "luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ", sẽ được diễn ra đồng bộ và thật chính xác. Đó là kịch bản chuẩn và gần như đóng khung mà ở đâu cũng áp dụng, dù ở cấp xã/phường hay cấp trung ương.

Đó là lúc ta xác định cuộc đời đã bước sang một giai đoạn mới. Ta tự do hơn, thoải mái hơn, không còn những cuộc họp triền miên, không còn nỗi lo lương thưởng và nhuận bút cho anh chị em đồng nghiệp. Ta không còn phải lo sợ bị người quen hay mới quen, thân hoặc không thân nhờ vả việc này việc kia.

Tuy vậy, tình cảm lưu luyến với cơ quan cũ không phải không có, nhất là với công việc đã quen, đã thành nếp nhiều năm, và nhất là với những anh chị em đã gắn bó, đồng cam cộng khổ, nương tựa vào nhau trong công việc chung khi có sóng gió.

Điều khó khăn nhất khi về hưu không phải là từ bỏ công việc, mà là học cách từ bỏ thói quen chỉ đạo, điều hành - nếu ta từng là người đứng đầu cơ quan nhiều năm. Khi đã từng gắn bó với nhau trong thời gian dài, trong chúng ta ai cũng muốn gặp gỡ những đồng nghiệp cũ, những người đã từng cộng tác làm nên thành công; ai cũng muốn tham dự các sự kiện quan trọng của cơ quan cũ khi được trân trọng mời, để được hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm đẹp. Nhưng...,ta cũng cần ý thức được rằng sự xuất hiện của mình có thể gây khó xử cho người khác.

Ứng xử thế nào với "cơ quan cũ"...?

Có người thắc mắc, mình đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển cơ quan, làm sao có thể làm người khác khó xử. Xin thưa, đối với những người mà ta đã từng giúp đỡ trong công việc, từng tạo điều kiện để họ tiến bộ, nếu giờ đây ta xuất hiện thường xuyên, họ sẽ cảm thấy như bị "đòi nợ."

Sự giúp đỡ trước đây vốn dĩ xuất phát từ trách nhiệm và lòng chân thành, nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại, hoặc xuất hiện quá thường xuyên trước mặt họ, nó sẽ trở thành áp lực và biến thành món nợ phải trả. Những người từng được ta giúp đỡ sẽ không còn thấy thoải mái, thậm chí còn có thể nảy sinh cảm giác ngại ngần, e dè khi gặp lại. Họ không biết nên ứng xử như thế nào giữa thủ trưởng cũ và thủ trưởng mới, bởi vì quyền lợi và trách nhiệm của họ giờ đây phụ thuộc vào người lãnh đạo hiện tại. Vậy nên, dù đã giúp đỡ họ nhiều như thế nào thì ta cũng đừng tạo áp lực cho họ. Giờ đây không tạo áp lực cũng có nghĩa là ta tiếp tục giúp đỡ họ.

Khi còn là thủ trưởng của cơ quan, ta có quyền ra quyết định. Trong mối quan hệ công việc đó, có người tôn trọng ta, có người không thích ta, có người phải chịu trách nhiệm trước những sai lầm của họ mà họ không muốn.... Dù sao thì trong mối quan hệ trên dưới, người có quyền quyền quyết định chỉ có một, còn người chịu trách nhiệm thi hành thì có nhiều. Sự vận hành của cơ quan buộc phải theo nguyên tắc, và đương nhiên tình cảm cũng theo lẽ tự nhiên là tình cảm đồng nghiệp chung một con thuyền. Nhưng giờ đây, mối quan hệ đã khác, tình cảm cũng đã khác xưa. Khi đã nghỉ hưu, việc nhiều lần lui tới cơ quan cũ có thể vô tình tạo nên cảm giác không dễ chịu cho cả đôi bên. Họ không cần người đã rời xa chức vụ mà hiện tại không có quyền quyết định. Đó là thực tế không thể khác, và đó là lẽ đương nhiên phải thế, nhưng không dễ nói ra.

Vì truyền thống (hoặc thói quen) tri ân, những lãnh đạo mới thường mời lãnh đạo cũ về dự những sự kiện họp mặt, kỷ niệm hay hội nghị của cơ quan. Dĩ nhiên, ta luôn trân trọng những lời mời ấy, nhưng đồng thời cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định có đến hay không. Vì thực ra, sự xuất hiện hay không xuất hiện của một thủ trưởng cũ ở cơ quan cũ, dù với bất cứ lý do nào, đều có những sắc thái và biểu hiện của văn hóa ứng xử. Đôi khi, sự không xuất hiện lại là cách ứng xử tốt nhất để tránh đi những cảm giác không thoải mái cho người khác.

Ta cần hiểu rằng, bước sang một cuộc sống mới, thoải mái hơn, không còn phải bận tâm lo lắng về công việc hàng ngày, và đó lại là cơ hội để nhìn nhận lại chính mình và mối quan hệ với cơ quan cũ. Có những người, sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo, vẫn cố gắng bám víu vào cơ quan cũ, hy vọng vẫn được nhận sự tôn trọng và ghi nhận từ những người đã từng hợp tác như trước đây. Nhưng người đó không nhận ra rằng, khi còn tại vị, nhiều người tỏ ra thân thiết, vui vẻ với mình do chủ yếu là vì lợi ích, còn lại là vì phép lịch sự và nguyên tắc của quan hệ cấp trên cấp dưới trong cơ quan làm việc. Những cái bắt tay, những nụ cười, hay những lời khen ngợi lúc đó có ý nghĩa và phù hợp. Nhưng khi ta đã không còn giữ chức vụ, họ không cần phải giữ lễ nữa mà chỉ là phép lịch sự xã giao. Những cái bắt tay trở nên nhẹ tênh, tay đưa ra nhưng ánh mắt lại nhìn đi nơi khác, và những lời nói tốt đẹp giờ đây chỉ còn là phép lịch sự thông thường. 

Nhìn lại hành trình đã qua, có thể nhận ra rằng những cái bắt tay hờ hững, những lời nói lịch sự ít chứa đựng tình cảm, thực ra cũng không có gì phải ngạc nhiên. Cơ quan, suy cho cùng, vẫn là nơi làm việc, nơi lợi ích cá nhân và công việc luôn đan xen. Khi ta đã không còn chức vụ, cũng đồng nghĩa với việc những mối quan hệ dựa trên lợi ích của các cộng sự hay cấp dưới trước đây cũng dần phai nhạt. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Sự gắn kết thật sự và lòng biết ơn chân thành sẽ chỉ tồn tại với những ai có mối quan hệ xuất phát từ trái tim, từ sự trân quý và đồng cảm với nhau trong khó khăn, thử thách. Người đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác cần hiểu và ghi nhớ thực tế đó.

Người lãnh đạo mới cũng có thể cảm thấy không thoải mái khi thấy sự hiện diện thường xuyên của thủ trưởng cũ cơ quan mà mình đang điều hành. Sự thay đổi trong cơ chế điều hành, áp dụng các phương pháp mới, hoặc đơn giản là muốn tạo dựng một phong cách làm việc riêng..., đều có thể trở nên khó khăn hơn khi có sự thường xuyên "theo dõi" không chính thức của người tiền nhiệm. Dù không có ý định can thiệp, nhưng sự xuất hiện của người tiền nhiệm vẫn mang lại cảm giác bị giám sát, theo dõi, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của người lãnh đạo mới, nhất là những người lãnh đạo mới từng là cấp dưới trực tiếp của thủ trưởng cũ.

Những gì còn lại sau khi rời xa cơ quan cũ chính là những giá trị mà mình đã để lại cho những người ở lại. Ta không cần những cái bắt tay xã giao hay những lời nói hoa mỹ, mà cần mọi người luôn giữ cách ứng xử đúng mực, có tinh thần làm việc nghiêm túc và lòng chân thành mà ta đã trao gửi, để mọi người tiếp tục cống hiến dưới sự điều hành của thủ trưởng mới. Những điều đó mới thực sự có ý nghĩa.

Về hưu không phải là kết thúc, mà chỉ là một hành trình mới bắt đầu. Khi ta đã cống hiến sức mình ở mức cao nhất cho công việc, đã đi qua những năm tháng dằn vặt với những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền lợi của hàng trăm người lao động, giờ đây là lúc tận hưởng cuộc sống mới. Không phải là buông bỏ hoàn toàn, mà là biết cách buông bỏ đúng lúc, để không còn phải bận tâm với những gì đã qua, và để đón nhận những điều mới mẻ đang ở phía trước.

Giã từ cơ quan cũ, giã từ những thói quen đã gắn bó, không có nghĩa là quay lưng với quá khứ, mà là học cách đối diện với thực tại mới. Đôi khi, sự giã từ ấy lại là cách ứng xử có hàm lượng văn hóa cao để giữ lại những kỷ niệm đẹp và bảo vệ lòng tự trọng của chính mình.

Bây giờ, cuộc sống chỉ còn lại một "thủ trưởng" ở nhà, một người luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ta. 

Hãy để lại những năm tháng cống hiến cho quá khứ, để bước vào một hành trình mới, một cuộc sống "bình thường mới," nhẹ nhàng và thanh thản hơn. 

Xin hãy để cơ quan cũ nằm trong ngăn ký ức đẹp đẽ và không bị làm phiền bởi những níu kéo, ràng buộc không đáng có.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/co-quan-cu-179241011182349959.htm