Chương trình giáo dục phổ thông mới cần những định hướng phù hợp

15:42 - 03/08/2022

Bước sang thời gian tựu trường tháng 8, khai giảng năm học 2022 - 2023 đã cận kề nên lãnh đạo ngành Giáo dục, nhà trường cần xác định ngay những công việc trọng tâm, trọng điểm cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần này rất quan trọng bởi Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang triển khai trong những năm học vừa qua. Đầu tiên là thông qua chương trình tổng thể, chương trình môn học và tập huấn về chương trình, sách giáo khoa cho giáo viên cơ sở trực tiếp giảng dạy. 

Đã tốn không ít kinh phí và công sức cho lần đổi mới chương trình này và tất nhiên nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn ngành Giáo dục, đến hàng chục triệu con người qua nhiều thế hệ học trò.

Vì thế, muốn thành công, trước tiên phải có sự chung sức, chung lòng và có một quyết tâm lớn. Lãnh đạo ngành phải có những định hướng, chỉ đạo phù hợp với thực tế. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường, giáo viên đứng lớp cùng dốc lòng cho mục tiêu đổi mới. 

Chúng tôi cho rằng việc thực hiện chương trình mới có những khó khăn nhất định, nhưng khó không có nghĩa là không vượt qua được nếu lãnh đạo ngành có những chỉ đạo căn cơ, định hướng phù hợp.

Tập trung triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ nhất, việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới cần đi vào chiều sâu hơn. Lấy tính hiệu quả của việc bồi dưỡng chuyên môn làm nền tảng, không thể làm một cách dàn trải, qua loa, hình thức. 

Đặc biệt là đối với những hoạt động, những môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nội dung giáo dục địa phương, các chủ đề học tập...phải được tập huấn, bồi dưỡng kĩ lưỡng hơn. Bởi lẽ những môn học, nội dung này gần như hoàn toàn mới mới so với chương trình hiện hành.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cần những định hướng phù hợp - Ảnh 2.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần này rất quan trọng.
Ảnh: VGP

Thứ hai, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa nên việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm học tới đây. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng cho các nhà xuất bản bồi dưỡng những kiến thức, nội dung, phương pháp trọng tâm, trọng điểm. Tránh trình trạng dài dòng, vô bổ và làm mất thời gian của giáo viên. Theo kế hoạch, giáo viên còn phải bồi dưỡng nội dung, phương pháp sách giáo khoa lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 nên tới đây, Bộ cần có những chỉ đạo sát thực và sâu sát với các nhà xuất bản.

3 năm qua, việc tập huấn sách giáo khoa cho các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 được Bộ giao cho các nhà xuất bản và chủ yếu là tập huấn theo hình thức trực tuyến nên tính hiệu quả không cao, ít có sự tương tác giữa người báo cáo và người tham gia tập huấn. 

Việc giao nhà xuất bản tập huấn và nhiều trường tập trung ở một điểm cầu tập huấn trực tuyến đang bộc lộ nhiều hạn chế rất lớn trong việc tập huấn sách giáo khoa mới.
https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-tra-k...

Thứ ba, các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT ngày 18/12/2020 mà nhất là kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên không nên máy móc mà cần định hướng cho giáo viên một không gian mở. Giáo viên có thể sáng tạo và chỉ cần trình bày ngắn gọn những ý cơ bản, miễn sao đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ là được. 

Nếu bắt giáo viên phải máy móc thực hiện theo mẫu, hoạt động nào, mục nào cũng yêu cầu phải liệt kê ra, cũng phải nêu cụ thể thì chỉ tốn giấy, tốn thời gian mà hiệu quả không cao, gây khó khăn cho giáo viên mà thôi.

Chính vì Bộ đưa ra những khuôn mẫu về các kế hoạch giáo dục nên hiện nay đang phát sinh ra các dịch vụ bán kế hoạch bài dạy (giáo án) trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên theo môn học. Lâu nay, chúng ta nghe nhiều đến chuyện văn mẫu, nhưng mấy năm nay xuất hiện tình trạng giáo án mẫu khá phổ biến, nhất là từ khi Bộ ban hành Công văn 5512/BGDĐT và các mẫu kế hoạch này đã được yêu cầu thực hiện bắt buộc ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10 trong năm học vừa qua và năm học tới đây.

Thứ tư, các kế hoạch chỉ đạo về chuyên môn của Bộ, sở cần mang tính dài hạn, dài hơi, không khiên cưỡng, cứng nhắc. Khi ban hành văn bản thì Bộ cần chỉ đạo cấp sở, cấp phòng triển khai một cách kỹ càng, thấu đáo. Tránh tình trạng Bộ ban hành văn bản, Sở sao chép nội dung văn bản của Bộ rồi chuyển cho phòng. Phòng nhận được email lại sao chép nội dung văn bản của sở rồi thảy xuống cho nhà trường, trường chuyển email cho giáo viên và yêu cầu thực hiện.

Giảm những áp lực không cần thiết cho giáo viên

Bên cạnh việc triển khai chương trình mới, các kế hoạch chuyên môn hàng năm thì Bộ cũng cần bỏ đi những áp lực vô hình để giáo viên chuyên tâm vào đầu tư chuyên môn và lo cho học sinh của mình. 

Thứ nhất, các nhà trường cần tinh gọn các loại hồ sơ sổ sách, giảm những giấy tờ không cần thiết cho giáo viên và các tổ chuyên môn. Tất cả hồ sơ sổ sách của giáo viên và tổ chuyên môn cần thực hiện theo đúng Điều lệ trường học đã được hướng dẫn trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, ban hành ngày 15/9/2020. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sổ sách ở các nhà trường. Những cái gì đã có, đã liệt kê trong sổ này, kế hoạch này thì không cần phải lặp lại trong các sổ khác, kế hoạch khác nữa.

Thứ hai, hạn chế tổ chức các hội thi, cuộc thi không thực sự cần thiết, cùng một nội dung mà nhiều cấp, nhiều ngành cùng phát động, cùng tổ chức. Đối với những cuộc thi của học sinh thì để học sinh làm, tránh tình trạng giáo viên thực hiện thay để có thành tích. Những hội thi, cuộc thi cần hướng tới chất lượng thật, tổ chức phải vì mục tiêu phát triển của ngành nên tránh tình trạng nhìn mặt lựa giám khảo, nhìn mặt trao giải, dẫn đến những bức xúc trong đội ngũ giáo viên và ý nghĩa các cuộc thi, hội thi cũng giảm sút theo.

Thứ ba, các trường học nên hạn chế hội họp khi không cần thiết, khi mà triệu tập cuộc họp thì cần có nội dung họp cụ thể. Cần thiết thì triệu tập, nếu không cần thiết thì người đứng đầu nhà trường, đoàn thể, tổ chuyên môn chỉ cần lên kế hoạch triển khai rồi gửi nội dung qua emai của giáo viên là được.

Thời điểm này đã bước sang tháng 8 - thời gian tựu trường, khai giảng năm học 2022 - 2023 đã cận kề nên lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường cần xác định những công việc trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện cho hiệu quả nhất.

Phía trước - chặng đường triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm 2025 mới cuốn chiếu xong nhưng để hoàn thiện chương trình này có lẽ sẽ còn phải nhiều năm nữa bởi ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm. Vì thế, lãnh đạo ngành cần tập trung, có những định hướng phù hợp và giảm những áp lực không thực sự cần thiết cho giáo viên. 

Một khi giáo viên được định hướng tốt, mỗi thầy cô giáo cùng chung sức, chung lòng thì việc đổi mới giáo dục lần này sẽ thành công như mục tiêu ban đầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-can-nhung-dinh-huong-phu-hop-179220803110906721.htm