Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giảm thuế xăng dầu để giảm giá nhưng vẫn còn buôn lậu thì không hiệu quả
Trả lời chất vấn xoay quanh vấn đề giá xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng này.
Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bắt đầu phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 79 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Trước thông tin báo chí đưa về xe biếu tặng không đi về địa chỉ được cấp phép trước đó mà lại "dạt" vào các showroom ô tô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe qua đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: "Xe biếu tặng không được miễn giảm một loại thuế nào".
Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề này.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành xác minh xử lý. Đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình vừa qua, Bộ Tài chính không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Bộ Tài chính cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Về công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở vị trí "nhạy cảm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: "Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành tài chính cơ bản thực hiện đúng chính sách, tiến độ theo quy định của pháp luật".
Các luân chuyển cụ thể đều được tiến hành như sau: Đầu năm Bộ sẽ đưa ra danh sách luân chuyển cán bộ của năm sau từ tỉnh này sang tỉnh khác hoặc từ tỉnh lên bộ, từ phòng này sang phòng khác. Khi thực hiện luận chuyển cũng không có đơn thư kiện cáo.
Về thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài chính trong công tác đấu giá tài sản quy định trong Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đối với đấu giá tài sản, điều quan trọng là chúng ta thực hiện vấn đề về giá khởi điểm.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện quá trình đấu giá tài sản theo đúng quy định. "Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Tài chính chưa thực hiện được nhiều về đấu giá tài sản", Bộ trưởng thừa nhận.
Về quản lý giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây không phải mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.
Về vấn đề giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng cho biết so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giải pháp giảm thuế cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác. Bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặc khác, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Về giải pháp ngăn chặn tình trạng bong bóng trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết để khắc phục, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường.
Về thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất.
Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cao nên các cơ quan chủ quản ngại phê duyệt phương án, các doanh nghiệp quyết tâm không cao nên tình hình "dậm chân tại chỗ".
Về trách nhiệm của các cơ quan trong vấn đề này, Bộ Tài chính được giao theo dõi cổ phần hóa và phối hợp các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp. Còn việc trực tiếp thực hiện là doanh nghiệp và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu.