Bao giờ chúng ta có nền giáo dục kiến tạo tương lai của người học?

16:15 - 07/12/2022

Tuy giáo dục kiến tạo đang là một xu hướng phát triển trong các loại hình trường của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, những phương pháp giáo dục kiến tạo vẫn còn xa lạ.

Dựa trên lý thuyết kiến tạo (Constructivism theory), giáo dục kiến tạo chủ trương để người học tích cực chiếm lĩnh tri thức chứ không tiếp thu tri thức một cách thụ động.

"Thuyết kiến tạo (Constructivism) là cách tiếp cận giảng dạy và học tập cho rằng con người chủ động tự xây dựng hiểu biết về thông tin cho bản thân - người học kết nối thông tin mới với thông tin hiện tại để kiến thức mới có ý nghĩa với cá nhân đó. Con người xây dựng kiến thức của riêng họ và thể hiện kiến thức từ trải nghiệm của mình. Việc học tập không phải diễn ra nhờ quá trình chuyển thông tin từ giáo viên hay giáo trình đến bộ não của học sinh, thay vào đó, mỗi người học tự xây dựng hiểu biết hợp lý mang tính cá nhân của riêng họ".

Trong quá trình tiếp thu tri thức mới bằng kinh nghiệm, bằng những kiến thức đã có từ trước, thông qua quá trình đồng hóa và điều ứng, người học tự xây dựng cho mình một hệ thống tri thức có sắc thái riêng và có khả năng vận dụng những tri thức mới vào các vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Giáo dục kiến tạo là gì?

Giáo dục kiến tạo là cách đào tạo người học được trải nghiệm và tự xây dựng mình thành chính mình từ bên trong. Nói cách khác, người học qua giáo dục kiến tạo sẽ là một cái Tôi riêng biệt, không theo khuôn mẫu nhân cách của người khác – họ là họ, không phải là cái bóng của ai đó.

Giáo dục kiến tạo chỉ có tác dụng khi người học có nhu cầu thực sự về tri thức và kỹ năng mới. Một khi người học cảm nhận được khoảng cách giữa vốn học vấn của mình với những hiểu biết cần thiết trong lao động nghề nghiệp hoặc trong hoạt động xã hội thì họ sẽ tự kiến tạo tri thức mới cho mình dưới sự hướng dẫn của người dạy.

Bao giờ chúng ta có nền giáo dục kiến tạo tương lai của người học?  - Ảnh 2.

Quan điểm của Jean Piaget - nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ về sự học.

Nhà Tâm lý học nổi tiếng trên thế giới – ông Jean Piaget – giải thích rằng, sự đồng hóa trong chiếm lĩnh tri thức là quá trình vận dụng tri thức cũ để giải quyết tình huống mới, xếp sắp kiến thức mới vừa hình thành vào cấu trúc kiến thức mới vừa mới thiết lập.

Người học phải vận dụng các hoạt động tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa những kiến thức cũ và đánh giá lại những kiến thức đó, rồi kết hợp với những tri thức mới để cấu trúc lại hệ thống tri thức mới cho hoàn chỉnh. Còn sự điều ứng là thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, vận dụng để giải quyết những vấn đề lý thuyết và thực hành.

Theo Jeaan Piaget, dạy học kiến tạo có 2 loại: kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội. Kiến tạo cơ bản là phương pháp đề cao vai trò của cá nhân trong quá trình nhận thức và tự xây dựng tri thức cho bản thân. Còn kiến tạo xã hội là cách thức xây dựng tri thức mới phải tính đến yếu tố văn hóa xã hội, sự tác động của những yếu tố đó đến sự hình thành tri thức mới.

Một số phương pháp dạy học kiến tạo trong nhà trường hiện nay

Phương pháp dạy học theo dự án

Dạy học theo dự án là mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm. Người dạy giao cho người học những nhiệm vụ mở, yêu cầu người học phải tìm tòi, vận dụng những tri thức của mình để làm ra những sản phẩm mới.

Dưới sự giúp đỡ và điều khiển của người dạy, người học phải giải quyết công việc không chỉ về mặt lý thuyết, mà đặc biệt quan trọng lại là thông qua thực hành làm ra những sản phẩm có thể giới thiệu và công bố được.

Phương pháp dạy học theo tình huống

Phương pháp này còn được gọi là dạy học thông qua nghiên cứu những trường hợp điển hình. Người học được giao nhiệm vụ nghiên cứu những hoàn cảnh, những thực tế dựa vào những lý thuyết phù hợp.

Điều này có nghĩa là, người học được đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống cụ thể. Họ phải phân tích, mổ xẻ, từ đó đi đến kết luận về cách giải quyết.

Bản chất của phương pháp này là đứng trước một tình huống, người học phải đi tới kết luận: Tại sao tình huống này đòi hỏi phải được giải quyết, giải quyết như thế nào và sẽ đạt kết quả gì.

Phương pháp lớp học đảo ngược

Lớp học đảo ngược (hay lật ngược) là lớp học thực hiện việc đảo ngược môi trường truyền thống bằng cách cung cấp nội dung học tập cho học viên nghiên cứu, tìm hiểu ngoài giờ lên lớp thay vì trước đây trong thời gian này học viên phải làm bài tập. Đến giờ học trên lớp, học viên tham gia các hoạt động thực hành, vận dụng các kiến thức đã học ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Tài liệu học tập thường đưa vào buổi học trực tuyến, học viên xem trước, tự học trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp không còn là thời gian nghe giảng, mà là làm bài tập để từ đó nâng cao thêm kiến thức đã tự học.

Ngoài ra, trong giáo dục kiến tạo, người ta còn dùng nhiều phương pháp học tập khác như phương pháp sử dụng bản đồ tư duy, phương pháp tập kích não (công não), phương pháp sử dụng sơ đồ (bản đồ) tư duy...

Tất cả những phương pháp nói trên đều có mục đích là, qua học tập, người học phải tự kiến tạo tri thức cho mình.

Giáo dục kiến tạo vẫn còn xa lạ với Việt Nam

Ở Việt Nam, hiện nay Đại học Nguyễn Tất Thành đang quan tâm dùng phương pháp nghiên cứu tình huống để đào tạo doanh nghiệp trẻ, thông qua những tình huống của doanh nghiệp trong và ngoài nước để học viên đi tìm các giải pháp phù hợp. Đại học FPT thì dùng phương pháp lớp học đảo ngược để học sinh trước khi lên lớp làm các bài thực hành. Một số trường tiểu học và trung học cơ sở lại rất chú ý đến phương pháp dạy học theo sơ đồ tư duy bởi rất nhiều học sinh nhỏ rất thích phương pháp này.

Tuy giáo dục kiến tạo đang là một xu hướng phát triển trong các loại hình trường của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, những phương pháp giáo dục kiến tạo vẫn còn xa lạ. Có nhiều lý do của sự việc này.

Bao giờ chúng ta có nền giáo dục kiến tạo tương lai của người học?  - Ảnh 3.

Học để kiến tạo ra tương lai người học - điều mà giáo dục khuôn mẫu chưa đạt tới. Ảnh: Image

Trước hết, nhà trường truyền thống ở nước ta đáng ra đã phải nhường bước cho nhà trường kỹ thuật số. Song, sức ỳ tư duy của không ít nhà quản lý giáo dục các cấp còn khá mạnh. Nhà trường của ta vẫn chạy theo thi cử với lối học nhồi nhét kiến thức khiến cho học sinh giỏi trong các kỳ thi chưa chắc đã giỏi trong khởi nghiệp và lập nghiệp. Chạy theo học những kiến thức không gắn với sản xuất và xã hội, lấy khoa cử làm mục tiêu cao nhất thì điểm thi có cao thế nào chăng nữa cũng chưa chắc có thể tự kiến tạo tương lai cho mình.

Hai là, trái ngược với giáo dục kiến tạo, nhiều nhà trường của chúng ta vẫn khá trung thành với giáo dục theo khuôn mẫu. Nếu giáo dục kiến tạo đòi hỏi học sinh phải tạo ra cái "tôi" khác biệt thì giáo dục theo khuôn mẫu tạo ra hàng loạt những cá nhân mờ nhạt về cá tính. Giáo dục theo khuôn mẫu giống như sản xuất hàng loạt các sản phẩm càng giống nhau càng đạt chuẩn, nói khác đi là càng xóa cái khác biệt thì càng cho rằng, đó là sự thành công. Trong Tâm lý học, người ta coi giáo dục theo khuôn mẫu là cách "mài mòn cá tính".

Ba là, nhà trường truyền thống tách rời sinh hoạt nhà trường với lao động sản xuất. Học không gắn với xã hội hiện đang là điều "kiêng kỵ" trong nền giáo dục hiện đại. Rất nhiều học sinh loại giỏi của lớp nhưng ra trường lại không trở thành những thanh niên khởi nghiệp thành công, không thể tự lập nghiệp mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình.

Trong khi đó, có học sinh bị coi là kém về thành tích học tập học đường nhưng lại trở thành một chủ doanh nghiệp, một người thợ lành nghề, một kỹ sư cơ khí hay một lập trình viên máy tính với nhiều thành tích lao động, một nhạc công hoặc một đầu bếp thực thụ. Họ kiến tạo ra tương lai của họ. Rõ ràng, ở đây, chữ nghĩa trong sách vở không "mài" ra của cải.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng, nhà trường truyền thống luôn yêu cầu học sinh ghi chép lại kiến thức mà thầy huấn thị. Mà sự huấn thị này không vượt qua khuôn khổ của sách giáo khoa rất chật hẹp về tri thức khoa học và tri thức cuộc sống. Trong khi đó, giáo dục kiến tạo luôn thúc giục người học phải tìm kiếm những nguồn tri thức ở bất cứ chỗ nào mà nó hiện hữu: trên sách báo, trong kho tàng tài nguyên giáo dục mở, trên mạng Internet và trong đời sống của cộng đồng. Cứ quanh quẩn với mấy quyển sách giáo khoa không thôi thì cả thầy lẫn trò không bao giờ với tới giáo dục kiến tạo.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-gio-chung-ta-co-nen-giao-duc-kien-tao-tuong-lai-cua-nguoi-hoc-179221207143534842.htm