Băn khoăn về môn học "giáo dục địa phương"

06:00 - 01/11/2022

"Giáo dục địa phương" là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thực tế đang phát sinh rất nhiều bất cập trong quá trình thực hiện và lâu dài chưa có phương án khắc phục.

Năm học 2021-2022, Nội dung giáo dục địa phương bắt đầu thực hiện ở khối lớp 6, năm học 2022-2023 này thực hiện ở lớp 7 và lớp 10 nhưng nhiều địa phương chưa có sách giáo khoa, hoặc chỉ có file PDF gửi về trường nên giáo viên gặp khó khăn và học sinh chịu thiệt thòi trong học tập. 

Chậm trễ trong biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, một số đại biểu cho biết, hầu hết các địa phương đang lúng túng khi triển khai Nội dung giáo dục địa phương bởi một số tỉnh, thành chưa biên soạn xong tài liệu môn học, có địa phương thì chưa thể in tài liệu bởi vướng ở khâu thẩm định.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nêu thực tế: "Qua giám sát, hiện nay các địa phương rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện trong việc tổ chức biên soạn và in tài liệu sách giáo khoa địa phương. Qua giám sát thì chúng tôi thấy rằng ở một số nơi có chậm tiến độ và có thể nói là trong học kỳ 1 không thực hiện được chương trình giáo dục địa phương. Tôi thấy là việc này không đồng bộ với các địa phương trên cả nước, nơi thì dạy, nơi không dạy, mà rõ ràng chương trình này chúng ta biết trước".

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "Tài liệu giáo dục địa phương làm chậm là do giao cho địa phương biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trong khi các địa phương cũng phải thuê chuyên gia tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, khi biên soạn xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn tổ chức in ấn như thế nào, kinh phí ra sao, học sinh phải mua, hay được cấp phát… 

Chuyên gia viết thì liên quan đến nhuận bút. Nếu in mà bán cho phụ huynh thì liên quan đến nhuận bút, nếu như không in thì học sinh phải xem trên các thiết bị dạy học. Nếu mà trường đảm bảo có đầy đủ là ti vi, có màn hình máy chiếu thì học sinh được nội dung đó đa dạng, hấp dẫn, còn nếu không thì thầy cô cũng giảng chay. Trường nào có điều kiện thì đưa ra ngoài, thực tế có trường thì không. Có những trường cô giáo hướng dẫn luôn với phụ huynh, cho phụ huynh file về đi in cho các con..."

Nhìn chung, Nội dung giáo dục địa phương còn vướng ở nhiều khâu khác nhau. Các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành) chịu trách nhiệm biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định nội dung. Nhưng, việc biên soạn và thẩm định hiện nay còn chậm. Sau đó, các nhà xuất bản mới tiến tới tính giá thành, in ấn, phát hành đến các nhà trường.

Vai trò, vị thế của Nội dung giáo dục địa phương đang rất được đề cao ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nếu được đầu tư, chú trọng đúng mức thì môn học này sẽ giúp cho học sinh hiểu biết được những điều bổ ích, thú vị ở địa phương mình.

Chính vì vậy, phần nhiều các địa phương phải dạy xong học kỳ I mới có sách giáo khoa. Lúc này, bán sách cho học sinh cũng lỡ cỡ vì học sinh đã học xong học kỳ I. Học sinh phải mua cả cuốn sách trong khi giá sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương đắt hơn rất nhiều các loại sách giáo khoa chính khóa.

Một giáo viên đang công tác tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ cho biết rằng sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương nơi cô đang công tác chỉ có 76 trang nhưng giá bán lên đến 46.000 đồng. Nếu so số trang và số tiết học/năm với các loại sách giáo khác đắt gấp nhiều lần. Vì phần nhiều sách giáo khoa hiện nay có số trang từ 120-140 trang đang có giá niêm yết là 18-22 ngàn đồng. Môn Ngữ văn mỗi năm có 140 tiết, bao gồm 2 cuốn sách giáo khoa cho 2 học kỳ với khoảng 250-280 trang (tùy vào từng bộ sách) đang có giá dao động khoảng trên dưới 40.000 đồng.

Vì thế, khi nhà trường thông báo cho học sinh mua sách, thường học sinh và phụ huynh không hưởng ứng vì thực tế học sinh và ngay cả giáo viên cũng không xem trọng môn học này. Hơn nữa, học sinh học được một học kỳ nhà trường mới thông báo bán sách dẫn đến những lãng phí nhất định vì sách giáo khoa chỉ có giá trị trong quá trình học mà thôi.

Rõ ràng, dù là môn học bắt buộc ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng Nội dung giáo dục địa phương chưa thực sự được các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng. 

Xem lại quá trình xây dựng môn học này, thấy ngày 5/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến góp ý. Ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. Ngày 27/12/2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học và các nhà xuất bản chính thức bước vào biên soạn, viết các bộ sách giáo khoa của chương trình mới.

Như vậy, khi ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có kế hoạch để các địa phương bắt tay vào xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương nên dẫn đến sự chậm trễ như hiện nay.

Năm học 2021-2022, chương trình mới bắt đầu lớp 6, năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 7 và lớp 10 nhưng gần như các địa phương không có sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương để giảng dạy. Trong khi, Nội dung giáo dục địa phương chỉ có 35 tiết/năm học và bao gồm tới 6 phân môn. Mỗi phân môn chỉ có 1-2 bài học (chủ đề) mà thôi.

Nhiều bất cập cần được khắc phục trong thời gian tới

Song hành cùng các môn học khác của chương trình giáo dục phổ thông mới, Nội dung giáo dục địa phương các lớp cũng được thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 là hoàn tất. Thế nhưng, như đã chia sẻ, cả năm học trước và năm học này gần như đa phần các địa phương không có sách giáo khoa môn học này ngay từ đầu năm học.

Mặc dù, Nội dung giáo dục địa phương không sắp xếp dạy tuần tự từng tiết theo tuần học mà dạy theo chủ đề, thường phải học chính khóa một số tuần, thậm chí nửa học kỳ nhà trường mới bố trí dạy môn học này nhưng sách giáo khoa vẫn không có.

Giáo viên phải chuyển từ file PDF sang file Word vì Sở giáo dục gửi cả tệp nhiều phân môn nên giáo viên các phân môn phải chuyển, cắt, rồi mới gửi cho học sinh in hoặc photo lại. Nhiều khi, giáo viên dạy chay, học sinh học chay hoặc giáo viên soạn giáo án rồi trình chiếu trên máy chiếu, học sinh học theo nhưng không có sách giáo khoa để đọc, chuẩn bị và tìm hiểu kĩ bài học.

Việc ban hành nội dung giáo dục địa phương sẽ tiếp tục còn chậm trễ trong những năm học tới đây. Các địa phương biên soạn chậm, Bộ thẩm định chậm, các nhà xuất bản phát hành muộn, lứa học sinh đầu tiên cơ bản là không có sách giáo khoa hoặc học kỳ II mới có, hoặc phải học trên file PDF thì quả là bất cập lớn.

Một môn học bắt buộc nhưng sách giáo khoa phát hành quá chậm trễ, cả năm học có 35 tiết học nhưng có tới 6 phân môn - cũng đồng nghĩa 6 giáo viên dạy. Vì thế, việc thực hiện giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương ở phần lớn các nhà trường đang phát sinh rất nhiều những bất cập không có phương án giảng dạy hiệu quả vì không có chương trình, không có sách giáo khoa. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ban-khoan-ve-mon-hoc-giao-duc-dia-phuong-179221031161342467.htm