Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” vào đề kiểm tra Ngữ văn 10
Ngữ liệu đọc hiểu và làm văn môn Ngữ văn 10 của một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh lấy ngữ liệu là bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” (Nguyễn Đăng Tấn) nhận được nhiều sự yêu thích của học sinh.
Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” (Nguyễn Đăng Tấn) vào đề kiểm tra Ngữ văn 10
Theo đó, đề kiểm tra Ngữ văn 10 có nội dung như sau:
Đọc hiểu
Không có gì tự đến đâu con
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương
Không có gì tự đến dẫu bình thường
Phải bằng cả bàn tay và nghị lực
Như con chim suốt ngày chọn hạt,
Năm tháng bao dung, khắc nghiệt lạ kỳ.
Dẫu bây giờ cha mẹ đôi khi,
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi.
Có roi vọt khi con hư và có lỗi
Thương yêu con, đâu đồng nghĩa với nuông chiều!
Đường con đi dài rộng biết bao nhiêu.
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng,
Trời xanh đó nhưng chẳng bao giờ lặng,
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình
Chẳng có gì tự đến - Hãy đinh ninh.
Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai? Vì sao anh/chị xác định như vậy?
Câu 2. Chỉ ra những dòng thơ cho thấy “không có gì tự đến” trong đoạn thơ sau:
Không có gì tự đến đâu con.
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương
Không có gì tự đến dẫu bình thường.
Phải bằng cả bàn tay và nghị lực
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong dòng thơ “Năm tháng bao dung, khắc nghiệt lạ kỳ”.
Câu 4. Trời xanh đó nhưng chẳng bao giờ lặng,
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình
Anh/chị hiểu thế nào về hai dòng thơ trên?
Câu 5. Từ nội dung bài thơ, hãy viết một đoạn văn (khoảng 4 - 6 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của tính tự lập đối với tuổi trẻ hiện nay.
Làm văn
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá bài thơ Không có gì tự đến đâu con.
Giáo viên, học sinh nói gì về đề kiểm tra Ngữ văn 10?
Thầy giáo Phan Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề kiểm tra Ngữ văn 10 (của một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) được chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự yêu thích của các em học sinh.
Theo thầy giáo Phan Anh, hơn 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không ra đề kiểm tra định kỳ chung cho các nhà trường trường trung học phổ thông. Các nhà trường được tự chủ ra đề kiểm tra, trong đó có môn Ngữ văn. Vì vậy, nhiều đề kiểm tra Ngữ văn ở địa phương này có nội dung đa dạng, phong phú, mang bản sắc của từng trường, đồng thời thể hiện được tài năng, bản lĩnh của giáo viên ra đề.
Đề kiểm tra Ngữ văn 10 như đã đề cập nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh, giáo viên vì đây là một trong những trường tốp đầu của thành phố. Cùng với đó, đề kiểm tra không ra theo khuôn mẫu như một số tình thành. Đề có cấu trúc phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn.
Phần đọc hiểu và làm văn cho ngữ liệu là bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” của nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn. Bài thơ ngắn gọn, dễ hiểu, giàu giá trị thẩm mỹ, có tính giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi 16.
Phần đọc hiểu và làm văn cho ngữ liệu là bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” của nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn. Bài thơ ngắn gọn, dễ hiểu, giàu giá trị thẩm mỹ, có tính giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi 16.
Nội dung các câu hỏi của phần đọc hiểu và làm văn tương đối dễ nhưng có tính phân hoá, giúp kiểm tra được năng lực đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản của học sinh. Các nhà trường phổ thông cần ra đề theo hình thức như thế này, tránh chạy theo trend (trào lưu) hoặc ra những nội dung xa lạ với học sinh – khiến các em chán học môn Ngữ văn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-khong-co-gi-tu-den-dau-con-vao-de-kiem-tra-ngu-van-10-179240426122552051.htm