Australia có thể ngừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào giữa thập kỷ này

10:43 - 14/07/2022

Australia là một trong các quốc gia có tốc độ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo thuộc top đầu của thế giới. Dự kiến, trong 3 năm tới, một nửa sản lượng điện năng trên toàn quốc sẽ được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Australia có thể ngừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào giữa thập kỷ này - Ảnh 1.

Bang Victoria, Australia đang đặt nhiều kỳ vọng vào năng lượng gió ngoài khơi trong quá trình thay thế nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Oyvind Gravas/ABC News

Năng lượng tái tạo tăng một phần lớn do các hộ gia đình lắp đặt những tấm năng lượng mặt trời

Ngành công nghiệp khí đốt tại Australia đang có nhiều biến động do ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng lạm phát và thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió hay mặt trời lại ngày càng có giá cả phải chăng hơn. Điều này khiến tỷ trọng năng lượng sạch tại Australia tăng lên nhanh chóng.

Theo một Báo cáo của Học viện Khoa học công nghệ và kỹ thuật Australia (AATSE), năng lượng tái tạo đang tăng dần và sẽ chiếm tới 50% sản lượng điện của Australia vào năm 2025, dự kiến tăng lên 69% vào năm 2030. Báo cáo cũng cho biết, nhiều khả năng toàn bộ hệ thống điện của Australia sẽ hoạt động bằng năng lượng tái tạo vào khoảng giữa thập kỷ này. 

Một điểm đáng chú ý là, đối tượng đi đầu trong quá trình chuyển đổi này lại chính là các hộ gia đình tại Australia. Theo bà Renate Egan, Giáo sư tại Đại học New South Wales, người đứng đầu Trung tâm Quang điện cao cấp của Australia, năng lượng tái tạo hiện đang chiếm gần một phần ba sản lượng điện của Australia, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm qua. Điều này đạt được phần lớn là do các hộ gia đình đã bắt đầu lắp đặt những tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà, từ đó tạo ra khoảng 50%  sản lượng điện từ năng lượng tái tạo tại Australia. 

Thách thức trong việc đồng bộ hóa hệ thống năng lượng tái tạo

Theo ông George Maltabarow, cựu Giám đốc điều hành Công ty quản lý hệ thống dây và cột điện Ausgrid tại New South Wales, Australia, hiện quốc gia này, về nguyên tắc, đã có trong tay các loại công nghệ cần thiết để có thể đồng bộ hóa hệ thống năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt đến mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo không đơn giản. 

Australia có thể ngừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào giữa thập kỷ này - Ảnh 3.

Trang trại năng lượng mặt trời góp phần quan trọng giảm lượng khí phát thải. Ảnh: ABC News

Điều cốt yếu là cần phải xác định các công nghệ hiện hành sẽ hoạt động trong một hệ thống tổng thể đồng bộ như thế nào để vừa giảm được lượng phát thải carbon, lại vừa đáp ứng được một cách liên tục nhu cầu của các ngành công nghiệp và của cả người dân.

Báo cáo của AATSE nhấn mạnh, các khoản đầu tư không nên chỉ tập trung vào xây mới các trang trại năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, mà cần hướng đến chuẩn bị các dịch vụ dự phòng để quá trình chuyển đổi có thể diễn ra liên tục. 

AATSE cũng thừa nhận rằng, ở thời điểm hiện tại, Australia vẫn cần một lượng khí đốt dự phòng để mạng lưới điện hoạt động ổn định vào những thời điểm có nhu cầu sử dụng năng lượng cao hoặc khi không có đủ gió và ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, ông George Maltabarow khẳng định, Chính phủ Australia và cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định rõ ràng để hướng dẫn đầu tư. Theo ông, các khoản đầu tư nên tập trung vào hệ thống năng lượng phân tán như năng lượng mặt trời trên mái nhà, pin cộng đồng (hệ thống pin năng lượng nhỏ phục vụ một nhóm hộ gia đình). Ông Maltabarow cũng cho rằng, Australia cần triển khai các cảm biến thông minh ở khắp mọi nơi nhằm đảm bảo các tấm năng lượng trên cả nước hoạt động ổn định, liên tục và hiệu quả. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/australia-co-the-ngung-su-dung-nhien-lieu-hoa-thach-vao-giua-thap-ky-nay-17922071410290212.htm