8 câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ

12:39 - 13/09/2023

Hiện nay, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang xuất hiện dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) với rất nhiều người bị nhiễm. Đây là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt có thể lây lan thành dịch, thường do Adenovirus gây ra.

8 câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Đau mắt đỏ là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng một đến hai tuần. Ảnh: Getty Images

Đau mắt đỏ có phải là một bệnh lành tính?

Đau mắt đỏ là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng một đến hai tuần, những trường hợp có kèm theo viêm giác mạc bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Nếu người bệnh tự điều trị không đúng cách có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền như thế nào?

Đau mắt đỏ lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành. Khi người bệnh đưa tay dụi mắt, tiết tố chứa yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung (điều khiển từ xa, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt…).

Virus gây bệnh đau mắt đỏ có trong dịch tiết đường hô hấp và khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác. Đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.

Tại sao khi bị đau mắt đỏ, mắt lại có màu đỏ hoặc hồng?

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng màng trong suốt (kết mạc) lót mí mắt và che phủ phần trắng của nhãn cầu. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm, chúng sẽ hiện rõ hơn. Đây là nguyên nhân khiến lòng trắng của mắt bạn có màu đỏ hoặc hồng.

Các nguyên nhân của mắt đỏ gồm: Virus; Vi khuẩn; Dị ứng; Hóa chất bắn vào mắt; Một vật lạ trong mắt; Ở trẻ sơ sinh, ống dẫn nước mắt bị tắc.

8 câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Người bệnh đau mắt đỏ sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy. Ảnh: INT

Đau mắt đỏ có thể khiến mắt khó mở vào buổi sáng?

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày. Người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy.

Ngoài ra, những triệu chứng phổ biến khác của đau mắt đỏ gồm: Đỏ ở một hoặc cả hai mắt; Ngứa ở một hoặc cả hai mắt; Cảm giác có sạn ở một hoặc cả hai mắt; Xốn, chảy nước mắt.

Sử dụng kính áp tròng có nguy cơ gây đau mắt đỏ không?

Sử dụng kính áp tròng mà không bảo đảm vệ sinh đúng cách có nguy cơ gây đau mắt đỏ.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây đau mắt đỏ khác bao gồm: Tiếp xúc với tác nhân mà bạn bị dị ứng (viêm kết mạc dị ứng); Tiếp xúc với người bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn dạng viêm kết mạc.

Bệnh đau mắt đỏ nếu trở nặng sẽ nguy hiểm như thế nào?

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng.

Theo Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, biến chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp do virus) gồm có: giả mạc, trợt biểu mô giác mạc, viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm.

Giả mạc: là tình trạng xuất hiện một lớp trắng ngà ở mặt trong của mi mắt (kết mạc sụn mi), có thể kèm theo chảy dịch màu hồng (nước rửa thịt). Đây là biểu hiện của tình trạng viêm quá mức dẫn đến xuất tiết fibrin. Lớp giả mạc này sẽ bám lên mặt trong sụn mi, hạn chế thuốc ngấm vào kết mạc mi dẫn đến sưng nề mi nhiều, tím mi.

Trong trường hợp sau một vài ngày bị đau mắt đỏ, nếu thấy mi tím, nề nhiều, khó mở mắt kèm theo chảy dịch hồng cần đến khám để phát hiện giả mạc. Khi đó bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật bóc giả mạc và bổ sung thuốc chống viêm phù hợp.

Trợt biểu mô giác mạc: đây cũng là một biến chứng thường gặp khi có giả mạc. Bệnh nhân có biểu hiện đau, chảy nước mắt nhiều, khó mở mắt, nhìn mờ. Khi đó, bác sĩ cũng tiến hành lấy giả mạc, thêm thuốc chống viêm và thuốc liền biểu mô.

Viêm giác mạc đốm: thường diễn ra ở giai đoạn muộn của bệnh, kéo dài kể cả sau khi mắt hết đỏ hoàn toàn. Biểu hiện là bệnh nhân thấy nhìn lóa, đặc biệt là khi ra sáng, trên giác mạc (lòng đen) thấy có các chấm trắng nhỏ rải rác. Thời gian để các chấm nhỏ đó biến mất có thể kéo dài đến 6 tháng.

Viêm giác mạc chấm nông: thường xuất hiện khi viêm kết mạc gần hết và kéo dài, nguyên nhân là do tình trạng khô mắt sau viêm kết mạc cấp. Biểu hiện bằng cảm giác cộm vướng, nặng mắt, chảy nước mắt. Nước mắt nhân tạo sẽ được sử dụng để liền biểu mô, giác mạc sẽ được tái tạo lại hoàn toàn.

8 câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ - Ảnh 4.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng. Ảnh: Hồng Ngọc

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ nặng?

Đau mắt đỏ nặng (viêm kết mạc cấp nặng) làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.

Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh vật bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ em lại không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt và thậm chí khi nhỏ thuốc vào mắt rồi thì trẻ lại khóc làm cho nước mắt rửa trôi hết thuốc.

Có những biện pháp gì để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ?

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/8-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-dau-mat-do-17923091311574371.htm