Ý nghĩa của Hội Đền Đồng Cổ vang lời thề trung hiếu
Ngôi đền Đồng Cổ nằm trong không gian di sản bên bờ Hồ Tây, Hà Nội độc đáo vì gìn giữ được Hội thề trung hiếu từ thời nhà Lý đến nay. Đây là di sản không chỉ có giá trị văn hoá mà còn có lợi ích bồi đắp lòng kiên trung, hiếu học theo khát vọng của người xưa.
Đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý, thờ thần Trống đồng rất hiển linh, gắn liền với "Hội thề Trung hiếu" cùng đạo lý sâu sắc. Theo các sử sách, bia ký để lại, Hội thề đền Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028-1054) khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.
Thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần Trống Đồng, vốn là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là "Đồng Cổ Đại vương".
Trong ngày lễ hội, một đàn cao được đắp trước đền, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thờ vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề.
Bách quan văn võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quì trước thần vị và đọc lời thề: "Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần minh tru diệt". Đến thời Trần và Lê, Hội thề vẫn được duy trì.
Ngày nay, Lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch, với điểm nhấn của lễ hội là mô phỏng lại Hội thề lịch sử năm xưa...
Lễ hội Đồng Cổ gắn với tục thờ trống đồng - biểu hiện sức mạnh vật chất tinh thần cổ truyền của dân tộc, thể hiện tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.
Tục thờ trống đồng là một nét tín ngưỡng của người dân Việt cổ còn lưu lại ở đền Đồng Cổ. Quan niệm của người xưa, trống đồng không chỉ là một loại nhạc khí bình thường mà còn là một loại tế khí linh thiêng, đại diện cho mô hình vũ trụ của người Việt cổ và là biểu tượng quyền lực của triều đại Hùng Vương.
Trống đồng cũng chính là trục nối trời và đất, nối các vị thần với con người. Vì thế, ai nắm được trống đồng là nắm được quyền thông linh. Nhà Lý đã đặt yếu tố linh thiêng này vào việc thờ thần Đồng Cổ - vị thần bảo vệ trống đồng cùng với lời thề trung hiếu để ổn định xã hội, phát triển đất nước. Trải qua các triều đại trong lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần Lê và thời đại Hồ Chí Minh đến nay, lời thề này vẫn còn nguyên giá trị.
Điều đáng nói là Di tích đền Đồng Cổ là một di tích rất hiếm, hiện chỉ có ở Thanh Hóa và Hà Nội. Di tích này gắn với những nhân vật lịch sử, sự kiện và con người có thật. Đặc biệt, giá trị tâm linh và tinh thần nhân văn của lễ hội được duy trì, tiếp nối đến ngày nay và được sử sách ghi chép lại một cách đầy đủ.
Chính vì vậy, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long.
Ngày 21/5/2023, kỷ niệm 995 năm Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ, "Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ" cũng chính thức được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/y-nghia-cua-hoi-den-dong-co-vang-loi-the-trung-hieu-179240511101715895.htm