Vụ án Trịnh Văn Quyết: Động thái thay đổi nhân sự "gây sốc" của FLC

15:05 - 15/11/2024

Kể từ tháng 3/2022, sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC bị bắt, tập đoàn này đã có nhiều thay đổi về nhân sự; đặc biệt là động thái miễn nhiệm 4/5 thành viên hội đồng quản trị trong thời gian gần đây.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Động thái thay đổi nhân sự "gây sốc" của FLC - Ảnh 1.

Dàn lãnh đạo mới của Tập đoàn FLC.

FLC tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024

Ngày 12/11, với sự tham dự của 208 cổ đông, Tập đoàn FLC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về vấn đề bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, tài chính liên quan đến các dự án trọng điểm đã và đang được triển khai.

4/5 thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã có đơn xin từ nhiệm. Theo công bố từ Đại hội đồng cổ đông, quyết định miễn nhiệm 4 thành viên hội đồng quản trị, cụ thể, bà Vũ Đặng Hải Yến, bà Trần Thị Hương, ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh cùng 2 thành viên ban kiểm soát gồm bà Nguyễn Thị Vân Anh và bà Nguyễn Thu Hiền. 

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/11/2024.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Động thái thay đổi nhân sự "gây sốc" của FLC - Ảnh 2.
Vụ án Trịnh Văn Quyết: Động thái thay đổi nhân sự "gây sốc" của FLC - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 diễn ra ngày 12/11.

Theo đó, cả bốn thành viên Hội đồng quản trị mới của FLC đều là những nhân sự cấp cao tại những đơn vị công tác trước đây và được đánh giá là phù hợp với định hướng kinh doanh, tái cấu trúc của FLC trong thời gian tới. Bao gồm ông Lê Bá Nguyên – Chủ tịch HĐQT và các thành viên là ông Vũ Anh Tuân, ông Nguyễn Thanh Tùng, ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Nguyễn Chí Công. 

Trước khi được bổ nhiệm, ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Nguyễn Chí Công đều là phó tổng giám đốc của FLC trước khi ngồi ghế hội đồng quản trị. Còn ông Vũ Anh Tuân vốn là trưởng phòng quản lý và khai thác tài sản, riêng ông Đỗ Mạnh Hùng không giữ chức vụ gì tại FLC trước đó.

2 vị trí ban kiểm soát mới do ông Bùi Phạm Minh Điệp - trước đó là trưởng ban thanh tra và bà Trần Thị Mỹ Dung - trợ lý tổng giám đốc - đảm nhiệm.

Người duy nhất ở lại sang nhiệm kỳ mới là ông Lê Bá Nguyên - chủ tịch hội đồng quản trị. Ông Nguyên là anh vợ ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch FLC.

FLC là pháp nhân không liên quan trực tiếp đến vụ án Trịnh Văn Quyết

Tại đại hội, đại diện FLC cho biết, vụ án ông Trịnh Văn Quyết, Cựu Chủ tịch FLC chỉ liên quan đến một vài cá nhân là lãnh đạo cũ, FLC là pháp nhân không liên quan trực tiếp đến vụ án. Các hoạt động hiện tại của công ty vẫn đúng theo quy định của pháp luật. 

Được biết, ông Trịnh Văn Quyết hiện sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương 30,343% cổ phần tại FLC. 

Trong các ngày 22-5/8/2024, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Trịnh Văn Quyết chịu mức án18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 21 năm tù, khắc phục hơn 1.866 tỷ đồng.

Trước đợt biến động nhân sự lớn này, đại diện Tập đoàn FLC khẳng định việc thay đổi này không ảnh hưởng tới định hướng cũng như kế hoạch quản trị, kinh doanh của tập đoàn.

Bên cạnh đó, FLC cho hay đội ngũ nhân sự thuộc ban điều hành của công ty cơ bản đang ổn định.

Lên kế hoạch sáp nhập để trả nợ, thu hút quỹ đầu tư Mỹ

Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC từng chia sẻ: Giai đoạn 2022-2023 là một giai đoạn vô cùng gian nan, thách thức đối với tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn. Năm 2024, FLC tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính gồm kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Mới đây, FLC đã tiếp đón một phái đoàn công tác, đại diện nhiều quỹ đầu tư của Mỹ, dự kiến đầu tư ở một số tỉnh thành trong nước. Sau khi tìm hiểu, có đơn vị mong muốn được đầu tư 20% cổ phần ở FLC.

"Tuy nhiên do tình hình hiện tại, phải đợi cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại thì lúc đó tập đoàn mới có phương án để mời gọi các quỹ đầu tư này tham gia bởi ở giai đoạn hiện tại bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài rất khó khăn về thủ tục" , đại diện FLC chia sẻ. 

Mục tiêu mảng kinh doanh bất động sản đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng, mảng kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng; lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan. 

Tính đến ngày 31/12/2022 công ty ghi nhận số công nợ phải thu bao gồm các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư là 10.602 tỷ đồng. Trong đó, các khoản xác định chưa thể thu lại là 7.936 tỷ đồng đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoài. Các khoản tiếp tục, đàm phán thu nợ là 2.666 tỷ đồng, đã trích lập 100%.

Đối với khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), giá gốc khoản đầu tư của FLC vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng đã trích lập 100% giá trị đầu tư.

Khoản đầu tư vào CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) giá trị khoản đầu tư gần 568 tỷ đồng, đã trích lập 100%. Khoản đầu tư vào Công ty TNHH Một thành viên FLC Land giá trị khoản đầu tư là 300 tỷ đồng, đã được trích lập 100%.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Động thái thay đổi nhân sự "gây sốc" của FLC - Ảnh 4.

Dự án FLC Tropical Hạ Long hoàn thành đạt tiến độ 80%.

FLC khởi động hàng loạt dự án trọng điểm 

Hiện FLC đang quản lý danh mục 54 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước. Tập đoàn đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm đối tác có tiềm lực để hợp tác đầu tư, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.

FLC cho biết, công ty đã có những tiến triển đáng kể và cũng khởi động lại hàng loạt dự án trọng điểm.

Cụ thể, dự án FLC Tropical City Ha Long sau 18 tháng kể từ khi tái khởi động hiện đã hoàn thành khoảng 80% hạ tầng và đạt tiến độ thi công cao. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện 1.150 căn shophouse và nhà liền kề trong giai đoạn 1, đồng thời giai đoạn 2 cũng đã được triển khai với 763 căn hộ đang trong quá trình xây dựng. Dự kiến, các căn hộ giai đoạn 1 sẽ được bàn giao từ tháng 12/2024 và sẵn sàng đưa vào hoạt động từ đầu năm 2025.

Dự án có quy mô 88 ha với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, bao gồm 2.342 căn liền kề/shophouse, 4 tòa chung cư với 826 căn hộ, cùng hơn 50 tiện ích đô thị đa dạng.

Các dự án trọng điểm khác như FLC Quảng Bình, quy mô hơn 2.000 ha cũng đã tái khởi động từ tháng 4/2024, hướng tới phát triển thành khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp giải trí đẳng cấp quốc tế.

Dự án FLC La Vista Sadec 15 ha tại Sa Đéc, Đồng Tháp đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao cơ bản cho khách hàng trong năm 2024.

Dự án FLC Premier Parc diện tích 6,4 ha hiện đã hoàn thiện phần cơ sở hạ tầng và phần thô của các sản phẩm thấp tầng, dự kiến cung cấp thêm nhiều sản phẩm cao cấp cho thị trường bất động sản thủ đô.

Homeliday Eo Gió – Khu du lịch sinh thái FLC Quy Nhơn đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2024, mang đến một điểm nhấn nghỉ dưỡng mới mẻ và độc đáo tại Quy Nhơn.

Hiện tại, FLC đang có nhiều chính sách thu hút nhân sự có năng lực, chuyên môn để có thể có các phương án, kế hoạch kinh doanh hiệu quả thời gian tới.

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-an-trinh-van-quyet-dong-thai-thay-doi-nhan-su-gay-soc-cua-flc-179241115105136709.htm