Vì sao nhiều trường phổ thông vẫn dạy bù các ngày nghỉ lễ, Tết?
Sau kì nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều trường phổ thông vẫn tổ chức dạy bù cho học sinh mặc dù các em đã kiểm tra xong học kì 2.
Theo kế hoạch của tổ chuyên môn, chương trình của năm học được phân phối từ ngày 5/9 đến khoảng ngày 25/5 (năm sau). Theo đó, một năm học có 35 tuần dành cho dạy học, các hoạt động bổ trợ và 2 tuần dự bị, sau khi đã trừ các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định.
Tuy vậy, nhiều trường phổ thông vẫn dạy bù vào các ngày nghỉ lễ. Giáo viên nghỉ bao nhiêu ngày thì phải dạy bù bấy nhiêu ngày.
Ví dụ, kì nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, học sinh, giáo viên được nghỉ 5 ngày thì thầy cô giáo cũng phải dạy bù 5 ngày.
Lí do được các nhà trường đưa ra là theo chỉ đạo của Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên chỉ biết làm theo, và cho dù thầy cô giáo có phản ứng thì cũng chẳng ai nghe. Lâu dần, việc dạy bù thành thói quen, như luật bất thành văn, giáo viên đành cam chịu nhưng lòng thì đầy ấm ức.
Vấn đề đặt ra là vì sao nhiều trường phổ thông vẫn dạy bù ngày nghỉ lễ mặc dù một năm học có 2 tuần dự bị?
Đó là, hầu hết các nhà trường phổ thông đều cho học sinh kiểm tra học kì 2 sớm hơn khoảng 2 tuần so với phân phối chương trình. Cụ thể, cuối tháng 4 hàng năm, nhiều trường đã tổ chức xong việc kiểm tra học kì 2.
Học sinh kiểm tra sớm 2 tuần nên hầu hết giáo viên đều dừng chương trình (không dạy bài mới) để ôn tập cho học sinh. Thầy cô giáo không dám dạy bài mới theo khung chương trình năm học vì lo sợ học sinh không được ôn tập thì chất lượng làm bài sẽ thấp.
Giáo viên nào dạy không đạt, nghĩa là học sinh làm bài điểm yếu kém thì họ sẽ bị lãnh đạo đánh giá về thi đua và xếp loại viên chức cuối năm. Ví dụ, lớp học có nhiều học sinh làm bài kiểm tra dưới trung bình thì giáo viên không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vì vậy, sau khi kiểm tra xong học kì 2 thì giáo viên vừa dạy theo tiến độ chương trình (khoảng 3 tuần lễ) vừa dạy bù – vì trước đó đã dành 2 tuần ôn tập. Việc dạy bù khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi, căng thẳng.
Thầy cô giáo phải dạy bù (không công), dạy cả 37 tuần mặc dù địa phương không có thiên tai, dịch bệnh. Theo ghi nhận, chưa thấy hiệu trưởng nào trả tiền dạy bù cho giáo viên vào các ngày nghỉ lễ, Tết cả mà xem đó là nhiệm vụ phải làm.
Học sinh đi học bù đều có cảm giác giác chán ngán vì các em đã kiểm tra xong học kì 2, đã biết điểm. Các em đi học bù vì sợ cha mẹ, thầy cô la rầy, sợ đánh giá hạnh kiểm chứ không phải học cho có kiến thức.
Có thể nhận thấy, 3 tuần của tháng 5, kỉ luật học đường không còn được thực hiện nghiêm túc ở cả 3 bậc học phổ thông. Ngoại trừ học sinh lớp 9, lớp 12 các em học hành nghiêm túc, duy trì kỉ luật vì còn kì thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để chấm dứt việc dạy bù, học bù trái luật, hiệu trưởng các nhà trường cần thực hiện đúng quy định về các ngày nghỉ lễ, Tết theo Bộ luật Lao động. Cùng với đó, các Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo cần quy định thời gian kiểm tra học kì 2 vào khoảng từ 10/5 là phù hợp.
Tình trạng dạy bù, học bù trái luật và sự lơ là trong học tập của học sinh từ đầu tháng 5 là thực trạng đã tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa được ngành giáo dục quan tâm, chấn chỉnh. Giáo viên các cấp mong sẽ sớm chấm dứt tình trạng này để đảm bảo quyền lợi chung của thầy cô giáo và các em học sinh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-nhieu-truong-pho-thong-van-day-bu-cac-ngay-nghi-le-tet-179240502152743107.htm