Vì sao học ở lớp 10 điểm nhưng thi chỉ đạt 6 điểm?

11:45 - 05/07/2022

Nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh "không tin vào mắt mình" khi xem điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 của con, bởi điểm kiểm tra trên lớp và điểm thi quá chênh nhau.

Thành phố Hồ Chí Minh: Vì sao học trên lớp điểm 10 nhưng thi chỉ đạt 6 điểm? - Ảnh 1.

Sau thời gian COVID-19, thầy và trò đều thiếu phương pháp đáp ứng cách học mới. Ảnh: Ly Hương

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm tuyển sinh vào lớp 10, nhiều phụ huynh chia sẻ, họ như "không tin vào mắt mình", bởi các em học trên lớp toàn điểm 9, 10 nhưng điểm thi chỉ đạt 6, 7.

Hạn chế do học online

Còn theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, có tổng cộng hơn 92.000 bài thi Toán, Văn, Tiếng Anh dưới điểm trung bình. Trong đó, môn Toán có hơn 41.700 bài (chiếm 45% tổng số thí sinh); Tiếng Anh có 41.600 bài (chiếm 44,8%).

Là giáo viên có nhiều năm giảng dạy cả hai hệ công lập và tư thục bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, tôi nhận thấy, có nhiều nguyên nhân khiến thí sinh có điểm kiểm tra trên lớp (môn Toán, Tiếng Anh) và điểm thi tuyển sinh chênh nhau khá lớn.

Thứ nhất, học sinh lớp 9 bị gián đoạn việc học do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài từ năm lớp 8 đến hết học kì 1 năm lớp 9. Mặc dù tạm dừng đến trường, không dừng việc học – học sinh được học trực tuyến, nhưng hiệu quả của phương án học trực tuyến không thể nào bằng dạy học trực tiếp như ở trên lớp.

Học sinh khá, giỏi thường có ý thức tự giác, biết cách tự học nên các em hầu như không gặp khó khăn gì trong việc học. Riêng học sinh trung bình, yếu thì việc tiếp thu bài còn gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, nhiều phụ huynh thiếu đồng hành với con em nên việc học của các em gần như giao khoán cho thầy cô, được chăng hay chớ.

Thứ hai, số lượng học sinh trung bình, yếu thường chiếm một tỉ lệ nhất định trong lớp học, đây là điều hiển nhiên vì năng lực học tập của các em không giống nhau. Ở các quận trung tâm, số lượng học sinh trung bình, yếu thường ít hơn các huyện ngoại thành vì các em có điều kiện học tập và sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ cũng tốt hơn.

Một số quận, huyện có số lượng dân nhập cư đông như quận Bình Tân, Quận 12, phụ huynh đa phần là dân lao động nghèo, phải mưu sinh nên việc học của con em chưa được quan tâm đến nơi đến chốn, cũng phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Thứ ba, thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức đã học. Thầy Nguyễn Văn B., giáo viên Toán bậc trung học phổ thông ở quận Tân Phú chia sẻ, sở dĩ điểm thi môn Toán những năm qua thấp chứ không riêng gì năm nay vì học sinh thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống, vấn đề thực tiễn – thường gọi là bài toán thực tế.

Em Phan C. N., học sinh ở quận Tân Phú vừa tham gia kì thi tuyển sinh 10 cho biết, khoảng giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, thầy cô mới dạy các dạng bài toán thực tế nên nhiều bạn không theo kịp. "Em làm được tất cả các bài toán thực tế trong đề thi nhờ đi học thêm ở trung tâm cả học kì 2", em N. nói thêm. 

Thứ tư, một số đồng nghiệp của tôi là giám khảo môn Toán chia sẻ, nhiều học sinh làm bài rất cẩu thả dẫn đến mất điểm kể cả với những câu dễ. Nhiều em gặp thiếu sót như không tìm hoặc ghi lại điều kiện xác định, thiếu bước kết hợp, thiếu kết luận bài hay còn nhầm lẫn khi xác định vị trí của góc (ở câu hình học).

Năng lực tự học của học sinh chưa cao

Anh Quốc, phụ huynh ở quận Tân Bình kể, con anh sau khi thi xong môn Toán, dò đáp án trên báo thì dự đoán được khoảng 9 điểm, nhưng sau khi công bố điểm chỉ được 6,75. "Thầy dạy Toán của cháu nói rằng, cháu làm đúng kết quả nhưng trong quá trình làm bài có thể sai sót nên bị trừ điểm tùy theo mức độ", anh Quốc cho biết.

Thứ nhất, học sinh phải có ý thức tự học mới tiến bộ. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Q., giáo viên môn Tiếng Anh bậc trung học cơ sở ở huyện Bình Chánh trải lòng, năm học này giáo viên gặp rất nhiều khó khăn vì dạy học online thì không đảm bảo độ sâu và thời lượng cho bài học.

Cũng theo thầy Q., có những kiến thức cơ bản ở các lớp dưới các em quên sạch, giáo viên rất vất vả vừa dạy kiến thức mới vừa ôn bài cũ, kể cả mở rộng luyện tập theo cấu trúc đề tuyển sinh nên học sinh thi điểm thấp cũng không quá bất ngờ.

Thầy Q. nói thêm, trường nào dạy học 2 buổi thì học sinh có lợi thế hơn vì các em được học tăng tiết. Còn trường nào học 1 buổi thì thầy cô chỉ dạy những phạm vi kiến thức cơ bản nhất, đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học mới tiến bộ.

Thứ hai, các trường đánh giá học sinh không đồng đều. Theo ghi nhận của tôi, giáo viên giữa các trường đánh giá học sinh không đều tay hoặc quá dễ hoặc quá khó vì không làm theo ma trận. Có trường đánh giá học sinh khắt khe giúp các em biết… sợ mà cố gắng vươn lên nhưng cũng có trường đánh giá rất dễ dãi, nhất là trường tư thục.

Trong một lần trò chuyện với tôi trước kì thi tuyển sinh 10, chị Thúy, phụ huynh ở huyện Bình Chánh kể, con chị học Toán đứng nhất lớp, điểm kiểm tra luôn ở mức 9, 10 điểm, điểm tổng kết năm lớp 9 là 9,5 nhưng điểm thi tuyển sinh của con trai chỉ được 6,75 khiến chị "không thể tin vào mắt mình".

Năng lực giảng dạy của giáo viên chưa đồng đều

Thứ nhất, năng lực giảng dạy của giáo viên chưa đồng đều cũng ảnh hưởng rất lớn đến điểm số học sinh. Em Phan C. N., học sinh ở quận Tân Phú tiết lộ, cô giáo môn Tiếng Anh dạy khó hiểu, lại phát âm sai (nhiều em đã học với giáo viên bản ngữ nên dễ dàng phát hiện) nên các bạn chán học.

Bên cạnh đó, vì "bệnh thành tích" nhiều giáo viên cho điểm học sinh vô tội vạ khiến các em (kể cả phụ huynh) ảo tưởng về bản thân. Cá biệt, vẫn còn đó giáo viên thiên vị học sinh tham gia học thêm do chính thầy cô giảng dạy nên việc đánh giá không thực chất.

Để nâng cao chất lượng của kì thi tuyển sinh 10 thì các trường học phải đổi mới phương pháp giảng dạy một cách đồng bộ. Bởi, nếu thầy và trò dạy, học theo cách cũ thì sẽ không theo kịp sự đổi mới của đề thi. Ngoài ra, cần sàng lọc giáo viên, dứt khoát không để thầy cô yếu chuyên môn giảng dạy lớp 9.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-hoc-o-lop-10-diem-nhung-thi-chi-dat-6-diem-179220705105805167.htm