Tuyển sinh dân tộc nội trú sai đối tượng tại Mường Lát: Có hay không việc tham nhũng chính sách?
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra đối tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc tuyển sinh sai đối tượng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát. Từ vụ việc này, nghĩ gì về tham nhũng chính sách?
Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là một trong 11 huyện miền núi của xứ Thanh, thuộc địa bàn xa nhất cũng là huyện khó khăn và kém phát triển vào loại "đầu bảng" của địa phương này.
Nhiều năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách, dự án thúc đẩy kinh tế, xã hội các huyện miền núi nói chung, huyện Mường Lát nói riêng để thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài chính là chính sách giáo dục đối với con em người dân tộc thiểu số. Hệ thống các trường dân tộc nội trú ra đời để đáp ứng chủ trương này. Dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành phần đáng kể để trang trải, hỗ trợ quá trình học tập của con em người dân tộc ở vùng cao còn nhiều khó khăn.
Nhưng chính sách có hiệu quả hay không lại phải phụ thuộc vào việc những "đồng tiền, bát gạo", thiết bị dạy và học dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số phải đến đúng đối tượng. Điều đó cũng để bà con các dân tộc thiểu số tin tưởng hơn nữa vào chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác "trồng người".
Sâu xa hơn, con em của người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách để học tập, rèn luyện sẽ trở thành nguồn nhân lực sau này phục vụ quê hương.
Mới đây, huyện Mường Lát gây ồn ào dư luận với việc tuyển sai đối tượng học sinh vào học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát.
Theo phụ huynh học sinh ở địa phương này tố hội đồng tuyển sinh huyện xét tuyển không đúng đối tượng học sinh vào học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát. Trong đó có nhiều em là con, cháu lãnh đạo phòng, trường học, giáo viên.
Dư luận ồn ào bình luận, đó là việc "ngồi nhầm chỗ", "đi lạc", hay "cướp chỗ ngồi" của học sinh dân tộc thiểu số. Thực chất, đó là những học sinh không đúng đối tượng được tuyển vào học lớp 6 tại trường nhằm để thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
Điều đáng nói là những học sinh "ngồi nhầm chỗ" không có tội tình gì, chính cha mẹ, cô dì, chú bác, ông bà các em mới là người tạo ra sự bất công bằng, nói đúng hơn là tham nhũng tiền của, chính sách của Nhà nước!
Viết đến đây, tôi nhớ lại, trước đây không lâu có Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Quan Hóa (Thanh Hoá). Khi nói về những khó khăn của các huyện miền núi, vị lãnh đạo cao nhất của huyện này nói: Đài tiếng nói Việt Nam có chương trình phát thanh "dành cho đồng bào xa Tổ quốc", tôi đề nghị đài nên có chương trình phát thanh "dành cho đồng bào xa đường cái".
Và cũng trước đây, năm 1997, tôi có viết bài báo "Bố mẹ Kinh sinh con Mường" phản ánh việc người lãnh đạo cao nhất của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa khai lý lịch cho con mình sinh ra ở vùng cao Thúy Sơn (Ngọc Lặc) để được cử tuyển vào đại học.
Không chỉ con của ông lãnh đạo cao nhất được cử tuyển mà còn 2 em là cháu ông chủ tịch và phó chủ tịch huyện Ngọc Lặc cũng được cử tuyển vào Đại học Sư phạm Vinh, nay là Đại học Vinh và Đại học Nông Lâm Huế.
Cả huyện có 3 em được cử tuyển thì cả 3 là con, cháu các vị lãnh đạo, tuyệt nhiên không có em nào là con, em đồng bào vùng cao.
Vụ việc này thực chất là "trục lợi chính sách" nói trắng ra là tham nhũng chính sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Chính tình trạng này đã ra đời công thức 5C (con, cháu, các, cụ, cả) tai tiếng dư luận.
Miền núi còn gặp nhiều khó khăn, miền núi còn là địa bàn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Và, chỉ có các huyện miền núi mới có trường dân tộc nội trú trung học cơ sở.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có chủ trương, chính sách trong giáo dục đào tạo dành riêng cho con, em đồng bào dân tộc nhằm tạo điều kiện góp phần để miền núi phát triển ngày một nhanh hơn.
Từ câu chuyện về tuyển sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Lát có nhiều dị nghị. Mới đây Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra đối tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc tuyển sinh sai đối tượng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát.
Dư luận hy vọng rằng, Thanh Hoá sẽ từ việc này, triệt tiêu những mầm mống tham nhũng chính sách, càng là vùng sâu vùng xa, "xa đường cái" càng cần phải làm nghiêm.
Những cán bộ, đảng viên có vi phạm trong vụ việc này sẽ được xử lý thích đáng để giữ công bằng xã hội.
Nhân đây đề nghị tỉnh Thanh Hóa rà soát, kiểm tra tất cả các trường dân tộc nội trú ở 11 huyện miền núi để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng "trục lợi chính sách" thực chất là tham nhũng tiền bạc của Nhà nước như đã từng xảy ra ở một vài huyện miền núi xứ Thanh.