Từ Gia đình hiếu học đến Gia đình học tập

17:55 - 21/02/2023

Nếu tất cả người lớn trong gia đình đều trở thành những công dân học tập thì gia đình học tập sẽ mang chất lượng mới trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia.

Gia đình là nơi mọi người cùng học

Vào năm 1946, Chính phủ lâm thời giao cho cụ Lê Thước và ông Đặng Thai Mai thành lập Ban Văn hóa (có mời thêm nhiều trí thức danh vọng thời đó tham gia) để thúc đẩy việc vận động nhân dân học hành nhằm xóa bỏ nạn mù chữ. Lúc bấy giờ, cụ Lê Thước đang là Ủy viên Hội đồng cố vấn giáo dục của Chính phủ, còn ông Đặng Thai Mai là đại biểu Quốc hội khóa I, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau chuyến đi thăm Thanh Hóa (20/2/1947), Người yêu cầu Ban Văn hóa có trách nhiệm làm giảm 50% số người mù chữ thời bấy giờ vào tháng 6/1945: "Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, như "Gia đình học hiệu", "tiểu giáo viên", cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo".

Vào những năm đầu của Chính phủ lâm thời, cụ Lê Thước được cấp 100.000 đồng làm kinh phí. Với số tiền ấy, Ban Văn hóa phải tính toán chi li khi chi ra vài đồng bạc cho mỗi công việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn rằng, không có giấy thì viết lên cát, lấy gạch non viết lên sân, lấy than viết lên tấm phản..., cứ tìm đến những cách dạy, cách học ít tốn kém nhất, có hiệu quả nhất.

Gia đình học hiệu được hiểu là đưa việc dạy chữ về từng nhà. Mỗi nhà như một trường học nhỏ. Đây là cách dạy học có từ thời kỳ truyền bá quốc ngữ: "Chữ quốc ngữ phải đến với từng túp lều tranh". Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng sự học hành.

Tiểu giáo viên được hiểu là người biết chữ, có khi là người vừa thoát khỏi cảnh mù chữ. Tiểu giáo viên là người trong gia đình, biết chữ nhiều hơn người nào đó trong cùng gia đình mình. "Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ tá điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những người tá điền, những người làm của mình".

Phương thức "người biết dạy người chưa biết" tại nhà được sử dụng nhiều nhất trong thời kỳ bình dân học vụ. Sau đó, thời kỳ bổ túc văn hóa, dân ta vẫn coi gia đình là nơi mọi người trong cùng một nhà bảo ban nhau học hành. Nhiều người nghèo đói ăn nhưng lại thoát cảnh đói chữ do nhờ sự thúc đẩy, nhắc nhở, động viên lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Thực ra, việc lấy gia đình như một chỗ dựa để tổ chức việc học hành là có cơ sở. Trong lịch sử phát triển giáo dục ở nước nhà, gia đình được người xưa coi như cái nôi nuôi dưỡng ý chí học hành. Thời Nho học, đại đa số thiếu niên, thanh niên đi học trong đói nghèo. Nghèo là một trở ngại, nhưng tinh thần hiếu học của gia đình đã hóa giải những trở ngại đó để đất nước có hàng triệu người con học hành thành danh. Những ông Nghè, ông Cống ngày xưa "sống bởi ngọn khoai" để học thành tài, thì ngày nay, chúng ta vẫn thấy có hàng triệu người lao động nghèo khó luôn hết lòng giữ ngọn lửa hiếu học trong nhà để con cháu vượt khó vươn lên trên con đường tìm kiếm và làm giàu tri thức.

Từ Gia đình hiếu học đến gia đình học tập  - Ảnh 1.

Một gia đình hiếu học tiêu biểu tại Hà Giang. Ảnh: Hội KH Hà Giang

Đưa học tập vào từng nhà

Năm 2000, những người làm công tác khuyến học nhận thấy rằng, để cuốn hút mọi người vào cuộc vận động học tập suốt đời theo Chương trình xây dựng xã hội học tập, nhất thiết phải trở lại việc học hành ngay trong từng gia đình, thực hiện khẩu hiệu "người người học tập, nhà nhà học tập".

Đưa học tập vào từng nhà để đạt được hai yêu cầu sau:

Một là, mọi tác động động viên, khuyến khích của gia đình đối với việc học sẽ nâng đỡ từng thành viên giữ được nhiệt tình, vượt qua những khó khăn trong đời sống mưu sinh để có thể học tập thành tài.

Hai là, lấy truyền thống hiếu học, tinh thần ham học làm động lực tâm lý bên trong để duy trì bền vững tinh thần học tập và tự học của mỗi người.

Ngày 25/10/2000, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua "Vì sự nghiệp khuyến học". Tại Đại hội, một số đại biểu đề xuất phát động thi đua đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học". Đại hội đã chấp nhận ý kiến này, coi như một sáng kiến lớn trong phong trào khuyến học. Kết thúc Đại hội, toàn thể đại biểu đã biểu quyết về phát động trong toàn Hội Khuyến học đợt thi đua đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học".

Hội viên của tất cả các Hội khuyến học cơ sở (cấp xã) và các chi hội thuộc Hội Khuyến học cơ sở cùng nhân dân các thôn bản, tổ dân phố đã nhiệt liệt hưởng ứng đợt thi đua này.

Từ Gia đình hiếu học đến gia đình học tập  - Ảnh 2.

Tiêu chí đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học" đơn giản, thiết thực. Đồ họa: TTH

Tháng 12/2004, Đại hội biểu dương các gia đình hiếu học tiêu biểu được tổ chức tại Hà Nội. Vào thời điểm đó, trong cả nước đã có 1.234.345 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học".

Sau Đại hội này, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học được đẩy mạnh. Khắp các thôn làng, tổ dân phố, đâu đâu cũng thấy người dân nói đến gia đình hiếu học.

Trong gia đình hiếu học, thường thì ông bà hoặc cha mẹ chú ý nhiều đến việc học hành của con cháu. Nhiều địa phương đã có được sự liên kết giữa các gia đình để động viên nhau thi đua. Những gia đình thường quy định với nhau mấy điểm chung như sau:

Buổi tối, từ 20 giờ đến 22 giờ, học sinh đều tập trung vào việc học bài và làm bài tập. Trong xóm hoặc trong tổ dân phố có người gõ kẻng lúc 20 giờ để các em nhỏ dừng mọi việc như chơi đùa, xem tivi.., để ngồi vào bàn làm bài tập và học bài. Khi có kẻng báo dừng học tối lúc 22 giờ, các em mới rời chỗ ngồi học (Quy định này thường chỉ thấy ở gia đình nông thôn; ở thành phố, học sinh thường đi học thêm và sau đó, cha mẹ còn ép ngồi học đến quá 23 giờ).

Gia đình nào, dù nhà chật hẹp, cũng dành cho con em một chỗ ngồi học, gọi là góc học tập.

Để động viên con em học hành siêng năng, nhiều gia đình thành lập quỹ khuyến học để có tiền làm phần thưởng cho các em có thành tích học tập tốt.

Tại nhiều gia đình, người lớn có quy định không sai vặt khi con em đang học, tránh làm ồn để các em tập trung vào bài vở.

Học tập người lớn được chú trọng

Một trong những nhược điểm bộc lộ ở gia đình hiếu học là người lớn hướng đến gia đình có con học tập thành đạt, còn bản thân họ lại chưa chuyên tâm học tập và tự học. 

Phần đông những ông bố, bà mẹ ở gia đình này là những người thu nhập thấp, việc làm thiếu ổn định, hoặc có nghề nhưng chỉ là lĩnh vực lao động kỹ thuật đơn giản. Bài học đắt giá nhất với họ là không để con cái ít học như họ. Vì thế, khi nhắc nhở phải học thường xuyên, một số người trong bọn họ nói đùa nhưng rất thật rằng, "hi sinh đời bố, củng cố đời con". Những cán bộ phong trào khuyến học đã tìm nhiều biện pháp để giúp họ nhận thức được mỗi người lớn phải học để thay đổi chính họ, từ đó họ có thêm năng lực giúp con cái học tập tốt hơn.

Trong một lớp tập huấn về xây dựng "Gia đình hiếu học", Ban tổ chức đã lấy quan điểm "Siêng năng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đề nghiên cứu:

"Người siêng năng thì mau tiến bộ

Cả nhà siêng năng thì chắc no ấm

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh

Cả nước siêng năng thì nước giàu mạnh"

Siêng năng là hành vi thể hiện tinh thần hiếu học. Người siêng năng là hạt nhân của gia đình hiếu học. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu con người trong học tập để trở thành "người lao động tốt, người công dân tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt".

Ngày 09/10/2007, Đại hội biểu dương các mô hình hiếu học tiêu biểu lần thứ II đã có 321 người đại diện cho những gia đình hiếu học xuất sắc về dự Đại hội. Đây là những gia đình được các Hội Khuyến học địa phương xét chọn từ hơn 3.500.000 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học" trong toàn quốc.

Ngày 09/10/2013, tại Đại hội biểu dương các mô hình hiếu học lần thứ III đã có 175 gia đình xuất sắc, đại diện cho hơn 5.500.000 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học" trong cả nước về dự.

Gia đình hiếu học là đặc trưng cho tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Trong nhân dân còn lưu truyền và ngợi ca gia đình Nguyễn Trãi. Khoa thi Thái học sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh 2 (1374), Ông Nguyễn Phi Khanh đỗ Nhị giáp tiến sĩ, giữ chức Hàn Lâm học sĩ nhà Hồ. Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh đỗ Đệ nhị giáp, khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn (1400). Nguyễn Trãi là khai quốc công thần của Triều Lê, tác giả của "Bình Ngô đại cáo" mà người đời coi là một "Tuyên ngôn độc lập" bất hủ. Hai cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi đã để lại cho hậu thế tấm gương của một gia đình hiếu học.

Khoa thi năm 1592, Ngô Trí Tri đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ. Cùng thi khóa này có Ngô Trí Hòa, con trai Ngô Trí Tri, đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ. Dân gian ca tụng gia đình hiếu học này bởi hai cha con đều thành những nhà khoa bảng, nhưng con đỗ cao hơn cha, và như vậy "Con hơn cha là nhà có phúc". Sau đó, con trai Ngô Trí Hòa cũng đỗ Tiến sĩ.

Gia đình Ngô Trí Tri nghèo khó, ăn khoai trừ bữa đề đèn sách học hành. Khi gia đình này có 3 tiến sĩ, thiên hạ có câu ca ngợi:

"Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà".

Ngày nay, trong đời sống của cả triệu gia đình hiếu học, việc thiếu ăn thiếu mặc cũng khá phổ biến. Rất nhiều em nhỏ học tập trong cảnh túng thiếu, không ít đứa trẻ sống bằng vận động, hỗ trợ của các tổ chức từ thiện – nhân đạo.

Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020". Đến thời điểm này, phong trào thi đua xây dựng mô hình "Gia đình hiếu học" đã chuyển sang xây dựng mô hình "Gia đình học tập".

Khác với việc đánh giá tinh thần hiếu học của các gia đình trong phong trào thi đua trước đó, việc đánh giá công nhận "Gia đình học tập" tập trung vào các tiêu chí cụ thể về kết quả, chất lượng, hiệu quả và tác dụng học tập của các gia đình.

 Xây dựng mô hình "Gia đình học tập" ngày nay 

Trên cơ sở những kinh nghiệm xây dựng gia đình hiếu học, các địa phương triển khai xây dựng và phát triển mô hình "Gia đình học tập" khá thuận lợi. Quyết định 281/QĐ-TTg đã đề ra những tiêu chí và những chỉ số đo về nội dung học tập thường xuyên của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, nhân viên kỹ thuật, nông dân và công nhân viên trong phong trào học tập suốt đời, hầu hết người lớn trong các gia đình đều đã tích cực tham gia học tập dưới nhiều hình thức. Số gia đình học tập trong giai đoạn 2014 – 2020 đã vượt xa số gia đình hiếu học giai đoạn 2000 – 2013 cả về số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ phần trăm so với dân số. 

Năm 2020, số gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập" lên tới trên 16,5 triệu, gấp hơn 3 lần số gia đình hiếu học năm 2012.

Ngày 1/12/2020, Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Đại hội, một số người đại diện cho những gia đình học tập xuất sắc đã báo cáo thành tích của gia đình mình. Một trong những tấm gương xây dựng gia đình học tập cần kể đến là gia đình của bà Lê Ngọc Chi (Châu Đốc, An Giang). 

Năm 18 tuổi, bà Chi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc học tập tiếp tục ở bậc đại học của bà phải dừng lại vì cha mẹ già đau ốm, hoàn toàn mất sức lao động. Các anh, chị của bà đã lập gia đình riêng và đi làm ăn nơi xa. Bà Chi với chút ít vốn đã buôn bán lặt vặt để nuôi cha mẹ và 5 em đang học phổ thông. Công việc bán hàng của bà không đủ thu nhập để thuốc thang cho cha mẹ và lo cho các em ăn học nên bà Chi đã tranh thủ học máy tính theo các khóa học buổi tối. Sau một thời gian không dài, bà đã mở được các lớp dạy vi tính cho nhân dân và trẻ em trong xã. Bà tranh thủ học ngoại ngữ, và sau vài năm đã mở thêm các lớp tiếng Anh cho trẻ em. Bà Chi được tôn vinh là phụ nữ vượt khó học tập, lấy tự học làm phương thức hoàn thiện học vấn. Các em bà do một tay bà chăm lo đã tốt nghiệp đại học hoặc trung cấp kỹ thuật, hiện đã có việc làm ổn định.

Mỗi gia đình học tập là một câu chuyện hấp dẫn các đại biểu dự Đại hội. Tại một bản ở miền núi, nhờ học tập mà có tới 60% gia đình mua được ô tô hoặc xe máy. Có nông dân tự học đã chế tạo ra các máy công cụ và đã xây dựng được tổ hợp sản xuất. Một số gia đình nhờ các khóa học đã liên kết với nhau để tạo thành mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Năm 2019, Trung ương Hội Khuyến học đã tiến hành một đợt điều tra xã hội học. Có trên 90% người được hỏi đã cho biết, họ rất hài lòng với chủ trương xây dựng và phát triển gia đình học tập, trước hết là gia đình học đã thoát khỏi tình trạng nghèo đa chiều, địa phương của họ đã có thêm nhiều nghề mới. Nhiều thanh niên địa phương đã tạo được những mô hình chăn nuôi và trồng trọt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ngày 03/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 677/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030. Đông đảo các gia đình học tập đang tham gia thí điểm xây dựng mô hình này một cách tích cực. 

Dư luận chung cho thấy, nhân dân hiểu rằng, nếu tất cả người lớn trong gia đình đều trở thành những công dân học tập thì gia đình học tập sẽ mang chất lượng mới trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tu-gia-dinh-hieu-hoc-den-gia-dinh-hoc-tap-179230221115325023.htm