Trung Quốc cấp phép cho thuốc viên Azvudine để điều trị bệnh nhân COVID-19
Trung Quốc mới đây đã cấp phép sử dụng có điều kiện cho thuốc Azvudine - vốn dùng để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus HIV-1, dùng để chữa bệnh COVID-19 cho người trưởng thành.
Thuốc Azvudine "có hiệu quả rất tốt" đối với bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch
Ngày 25/7, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện cho thuốc Azvudine dùng để chữa bệnh COVID-19 cho người trưởng thành.
Theo thông báo của Cục Quản lý Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, thuốc Azvudine do Công ty dược phẩm Genuine Biotech Hà Nam, Trung Quốc sản xuất. Loại thuốc này được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép sử dụng trong điều trị các bệnh nhân nhiễm virus HIV-1 hồi tháng 7/2021 và nay có thể được sử dụng để điều trị COVID-19 cho bệnh nhân trưởng thành.
Được biết, kể từ tháng 4/2020, thuốc Azvudine đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trong điều trị COVID-19 ở Trung Quốc và một số nước trên thế giới như Brazil và Nga.
Theo VOV, Giáo sư Chang Junbiao, người phát minh ra thuốc Azvudine cho biết, loại thuốc này "có hiệu quả rất tốt" đối với bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đồng thời thuốc "có đặc điểm là liều lượng rất nhỏ nhưng hiệu quả điều trị tốt, giúp giảm lượng virus rất nhanh" trước nhiều loại biến thể của COVID-19 như Alpha, Beta, Delta và Omicron.
Trong thông báo đưa ra đầu tuần này, Công ty dược phẩm Genuine Biotech Hà Nam, Trung Quốc cho biết thuốc viên Azudines có hiệu quả cải thiện các triệu chứng ở 40,4% bệnh nhân sau 7 ngày dùng thuốc so với mức 10,9% ở nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, công ty này không công bố các dữ liệu chi tiết.
Trong thông báo mới, Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc nêu rõ thuốc được cấp phép sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể thường. Đây là những người nhiễm virus SARS-CoV-2, có dấu hiệu viêm phổi nhưng chưa đến giai đoạn bệnh nặng.
Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng thuốc viên Paxlovid dạng uống của hãng Pfizer trong điều trị COVID-19 ở những bệnh nhân trưởng thành, có triệu chứng vừa đến nhẹ và có nguy cơ cao chuyển nặng. Đây là loại thuốc COVID-19 đường uống đầu tiên mà nước này phê duyệt.
Ngoài Công ty dược phẩm Genuine Biotech Hà Nam thì các công ty khác của Trung Quốc cũng đang phát triển thuốc điều trị COVID-19 là Shanghai Junshi Biosciences và Kintor Pharmaceutical.
Trước đó, năm 2020, Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng viên nang Lianhuaqingwen, một loại thuốc cổ truyền, để điều trị các triệu chứng mắc bệnh COVID-19 như sốt và ho.
Sáng 24/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo nước này đã ghi nhận 87 ca COVID-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 26 ca ở tỉnh Cam Túc và 23 ca ở tỉnh Quảng Tây.
Theo Ủy ban trên, có tổng cộng 782 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng, được xác định tại 13 khu vực cấp tỉnh trong ngày 23/7. Tuy nhiên không có thêm trường hợp nào tử vong và tổng số ca tử vong tại nước này vẫn là 5.226 người.
Trong khi đó, tổng số bệnh nhân COVID-19 xuất viện sau khi hồi phục tại Trung Quốc đại lục tính đến thời điểm trên là 221.665 người.
Trên thế giới hiện có hơn 575,3 triệu ca mắc COVID-19
Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là hơn 575,3 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận 4.816 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 23/7, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 4.648.931 ca.
Trong số ca mắc mới này có 2 ca nhập cảnh và 4.814 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong mới do COVID-19 tại đây là 9 người, nâng tổng số người tử vong lên 35.911 người.
Tại New Zealand, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua đã xác định 5.535 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông báo cho biết hiện tại nước này có 720 trường hợp mắc COVID-19 phải nhập viện, trong đó có 21 trường hợp được chăm sóc đặc biệt hoặc rất đặc biệt. Đã có 14 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 1.990 người. Ngoài ra còn có 318 ca mắc mới đã từng đi du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây.
Kể từ đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, cho đến nay tại New Zealand đã có 1.551.939 trường hợp được xác nhận mắc bệnh.
Tại Australia, số liệu chính thức cho thấy số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tăng kỷ lục với khoảng 5.450 ca được ghi nhận trong ngày 25/7, trong bối cảnh làn sóng dịch mới do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế cả nước.
Giới chức trách nước này đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong không gian kín, tiêm mũi vaccine tăng cường và khuyến khích làm việc tại nhà.
Ngày 25/7, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước thành viên EU nên lập tức triển khai các công tác chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch COVID-19 trong mùa Đông và mùa Thu.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu và có những dấu hiệu đáng lo ngại và "ngày càng gia tăng" về các đợt bùng phát mới của dịch bệnh tại một số quốc gia. Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh các chiến dịch tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19 - hiện đang thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trung-quoc-cap-phep-cho-thuoc-vien-azvudine-de-dieu-tri-cho-benh-nhan-covid-19-179220726123228223.htm