Trăn trở về điểm liệt Ngữ văn
Học sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn qua kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm với nhiều lí do không thể ngờ.
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vừa qua có 981.407 thí sinh dự thi làm bài môn Ngữ văn. Phổ điểm có điểm trung bình là 6,51 điểm; điểm trung vị 6,5 điểm; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm.
Nhưng bất ngờ hơn cả là số thí sinh có điểm dưới 1 (điểm liệt) là 194, trong đó có 38 điểm 0.0.
Nhìn lại kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có 172 thí sinh bị điểm liệt (26 thí sinh bị điểm 0.0). Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 có có 119 điểm liệt (19 thí sinh bị điểm 0.0).
Như vậy, 3 năm gần đây, số thí sinh bị điểm liệt không hề giảm đi mà tăng lên, nhiều thí sinh bị điểm 0.
Nhìn vào phổ điểm tốt nghiệp, nhiều người băn khoăn không hiểu vì sao nhiều thí sinh bị điểm liệt đến thế, vô lý nhất là nhiều điểm 0.0.
Nguyên nhân nào khiến thí sinh bị điểm liệt?
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học). Phần Đọc hiểu có 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết (2 câu), thông hiểu (1 câu), vận dụng thấp (1 câu). Riêng câu nhận biết rất dễ, thí sinh chỉ cần chép lại ngữ liệu có sẵn ở đề thi là được 1,5 điểm.
Vậy tại sao vẫn còn nhiều thí sinh bị điểm liệt, thậm chí cả điểm 0.0?
Thứ nhất, theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, cán bộ chấm thi sẽ cho 0.0 điểm đối với những bài được chép từ tài liệu mang trái phép vào phòng thi, có hai bài làm trở lên đối với một môn, bài thi có chữ viết của hai người trở lên, những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.
Thí sinh viết, vẽ vào tờ giấy thi nội dung không liên quan đến bài thi, để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi nộp bài, dùng bài của người khác để nộp, cũng sẽ bị hủy bỏ kết quả thi (0.0 điểm).
Thứ hai, thí sinh chỉ viết vài ba dòng trong bài thi nhưng viết lan man, câu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi cả, những phần còn lại thì bỏ giấy trắng. Báo chí đã đưa tin, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, có thí sinh nhận 0 điểm vì chỉ viết 5 từ. Hay, thí sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt 0,75 điểm vì chỉ chép lại đề bài.
Còn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, báo chí dẫn lời một giám khảo ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có thí sinh chép lại đề đến 3 lần rồi thôi. Trường hợp này thí sinh bị cho 0.0 điểm, giám khảo không thể nào tìm ra ý đúng để cho 0,25 điểm.
Có thể thấy rằng việc thí sinh chỉ viết 5 từ, chép lại đề bài hay bỏ giấy trắng để nhận 0.0 điểm là bất thường đối với một học sinh phổ thông trung học. Có thể có cả trường hợp học sinh thuộc diện hòa nhập, bị khiếm khuyết về trí tuệ, hành vi.
Gặp trường hợp thí sinh thuộc diện hoà nhập, nhà trường có thể bàn bạc với gia đình để các thí sinh này không cần tham dự kì thi. Vì có đi thi cũng không viết được bài. Những học sinh này sau khi học xong lớp 12 thường xin giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông theo quy định, sau đó đi học nghề phù hợp với khả năng của bản thân.
Hiện nay, các trường trung học phổ thông đều có học sinh thuộc diện hòa nhập. Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật, đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập không quá 2 người khuyết tật.
Thứ ba, một số thí sinh thi ban khoa học tự nhiên có tâm lý sẵn rằng chỉ cần môn Ngữ văn không bị điểm liệt là được. Các em chẳng thiết tha học môn Ngữ văn. Hơn nữa, học sinh có tư tưởng chủ quan, chỉ cần "chém gió" trong bài thi là không bị điểm liệt. Vậy nên, khi làm bài thí sinh chỉ làm phần "Đọc hiểu" nhưng trả lời sai nội dung, lạc đề nên bị điểm liệt là đương nhiên.
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, giám khảo cho biết, một số thí sinh phân tích đoạn thơ trong bài "Sóng" thì gọi tên tác giả là ông Xuân Quỳnh, rồi tưởng tượng ra câu chuyện nhà thơ đi du lịch với người yêu, sau đó tác giả sáng tác bài thơ này. Đến phần phân tích thơ, có thí sinh viết 2 trang giấy nhưng không liên quan gì đến nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ cũng bị điểm liệt.
Thứ tư, thí sinh bị điểm liệt có thể rơi vào những thí sinh tự do – thí sinh thi rớt tốt nghiệp từ những năm trước. Rớt tốt nghiệp, học sinh phải đi làm kiếm sống, học nghề… không có nhiều thời gian ôn thi, sao nhãng học tập rồi học tủ, học vẹt. Khi đề thi ra trật tủ, những thí sinh này chỉ viết vài ba đoạn, kể cả bỏ giấy trắng. Kiến thức dù dễ đến mấy nhưng thí sinh không chịu ôn tập cũng không dễ làm bài thi đạt trên 1.0 điểm.
Làm sao để hạn chế thí sinh bị điểm liệt cho các kỳ thi sau?
Để khắc phục tình trạng thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn, ngành Giáo dục cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ chương trình học cho đến người dạy và người học.
Hiện nay, chương trình môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông còn nặng về kiến thức hàn lâm, nhiều tác phẩm không còn phù hợp với tâm lí lứa tuổi, thiếu ứng dụng thực tiễn, khiến học sinh nhàm chán trong học tập.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều giáo viên chưa chú trọng thay đổi phương pháp giảng dạy làm cho giờ học văn trở nên khô khan, nặng nề, buồn ngủ. Nếu Ngữ văn không còn bắt buộc ở kì thi tốt nghiệp thì nhiều học sinh sẽ buông xuôi với bộ môn này.
Ngoài ra, học sinh không ý thức được rằng, Ngữ văn là môn mang tính công cụ và tính thẩm mỹ - nhân văn, có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.
Nhìn chung, phổ điểm môn Ngữ văn của kì thi năm nay có đến 194 thí sinh bị điểm liệt, phần nào cho thấy việc dạy và học đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Bởi sau 12 năm quen đến thuộc với môn Ngữ văn mà nhiều thí sinh làm bài thi Ngữ văn chỉ dưới 1.0 điểm (trừ học sinh diện hòa nhập) thì khó biện minh với bất cứ lí do nào.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tran-tro-ve-diem-liet-ngu-van-179220731223719714.htm