Trải qua tháng 7 khô hạn nhất trong lịch sử, Anh, Pháp thiếu nước nghiêm trọng
Tháng 7 vừa qua là tháng khô hạn nhất trong lịch sử của Anh và Pháp khi nắng nóng kéo dài và lượng mưa giảm kỷ lục. Điều này đã làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước tại các quốc gia này.
Tháng 7 khô hạn nhất lịch sử Anh, Pháp
Theo cơ quan khí tượng Meteo Pháp, lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7 mm, giảm 84% so với mức trung bình của tháng 7 trong giai đoạn từ năm 1991-2022 và là tháng khô hạn thứ hai kể từ tháng 3/1961.
Trong chuyến thị sát khu vực Isere ở miền Đông Nam Pháp, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu cho biết lượng mưa trong tháng 7 vừa qua tại khu vực này chỉ chiếm 12% lượng mưa cần thiết.
Tại Anh, cơ quan dự báo thời tiết nước này thông báo nhiều khu vực ở phía Đông và Nam vùng England đã ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 thấp kỷ lục.
Lượng mưa trung bình của toàn bộ vùng England chỉ đạt 23,1 mm – mức thấp nhất trong tháng 7 kể từ năm 1935 và là tháng 7 có tổng lượng mưa thấp kỷ lục thứ bảy theo số liệu thống kê từ năm 1836.
Nhiệt độ mùa hè cao chưa từng thấy
Anh ghi nhận nhiệt độ đạt kỷ lục 40,2 độ C
Lượng mưa thấp ở cả Anh và Pháp kèm theo nhiệt độ mùa hè cao chưa từng thấy tại các quốc gia này.
Cụ thể, hôm 19/7/2022, nước Anh đã ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử nước này khi lần đầu tiên nhiệt độ đạt kỷ lục 40,2 độ C, được ghi nhận ở Coningsby, miền Trung nước Anh.
Trên toàn nước Anh đã có 34 địa điểm đạt mức nhiệt vượt quá kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019. Nắng nóng khủng khiếp cũng đã gây báo động đỏ ở nhiều vùng tại nước Anh. Nhiều tuyến đường sắt đã phải ngừng hoạt động, trường học một số nơi buộc phải đóng cửa. Tại sân bay Gatwick ở thủ đô London, đã có hành khách ngất xỉu vì nóng trong khi không có điều hòa nhiệt độ.
Theo công bố ngày 29/7 của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho thấy biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra khiến đợt nắng nóng kỷ lục gần đây ở Anh có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 10 lần.
Pháp bước vào đợt nắng nóng mới
Theo Cơ quan Khí tượng Pháp, các tỉnh miền Nam nước Pháp đang bước vào một đợt nắng nóng mới - đợt nắng nóng thứ 3 tại nước này kể từ đầu tháng 6/2022.
Đợt nắng nóng này bắt nguồn từ sa mạc Sahara, châu Phi và được dự báo sẽ khiến nhiệt độ trung bình ở khu vực phía Nam tăng mạnh, dao động từ 35 - 39 độ C, trước khi lan rộng ra toàn quốc trong những ngày tiếp theo.
Ông Patrick Marlìere - Giám đốc Trung tâm Thời tiết Agate cho biết, thông thường nhiệt độ trung bình trong tháng 7 và tháng 8 trong năm ở phía Bắc của Pháp chỉ vào khoảng 23 độ C, ở phía Nam là khoảng 26 độ C hoặc cao nhất là 28 độ C. Tuy nhiên, thực tế thì nhiệt độ đo được hiện nay đôi khi cao hơn từ 10 - 15 độ C so với thông thường, đây là điều bất thường và tình trạng này ngày càng phổ biến hơn.
Theo các nhà khoa học khí hậu, lượng khí thải carbon do con người đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm hành tinh nóng lên, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của hạn hán, nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Họ cũng đưa ra cảnh báo, nếu nhân loại không làm gì để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, nắng nóng có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2060 so với giai đoạn 1981-2010.
Thiếu nước nghiêm trọng
Theo trang tin điện tử cảnh báo về hạn hán Propluvia thuộc Chính phủ Pháp, sau hai đợt nắng nóng kéo dài từ đầu hè, tình trạng hạn hán tại Pháp ngày càng nghiêm trọng. Các công ty cấp nước tại nước này đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng khô hạn.
Kể từ tháng 8/2021, lượng mưa đo được tại Pháp đã ít hơn so với thông thường, khiến độ ẩm trong không khí suy giảm. Đặc biệt, tại vùng Bretagne ở phía Tây đã thấp hơn so với thường lệ từ 70 - 90%. Con số này thậm chí lên 100% tại đảo Corse.
Trong khi đó, Cơ quan khí tượng Pháp cũng dự báo, tình trạng thiếu mưa sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu của tháng 8/2022. Điều này buộc gần như toàn bộ các tỉnh thành đã ban hành sắc lệnh hạn chế sử dụng nước.
Hiện đã có 93/96 tỉnh thành của Pháp ban hành sắc lệnh hạn chế sử dụng nước. Tại vùng Pays de la Loire ở phía Tây, một nửa số địa phương được đặt trong tình trạng khủng hoảng do thiếu nước.
Những người nông dân nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho gia súc khi nắng nóng kéo dài làm đồng cỏ khô cằn mà không thể thiếu nước do tình trạng thiếu nước ngọt. Dự báo, sản lượng ngô và hướng dương đang vào mùa vụ năm nay cũng sẽ suy giảm.
Trước đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Pháp, đợt nắng nóng năm 2019 tại nước này đã khiến sản lượng ngô trong nước giảm 9% và sản lượng lúa mỳ giảm 10%. Các đợt nắng nóng cũng làm giảm sản lượng bò sữa và nguồn cung cấp sữa.
Ngoài ra, để thích ứng với những đợt nắng nóng kéo dài, một số vùng rừng ở miền Bắc nước Pháp đã ghi nhận tình trạng cây rụng lá sớm để hạn chế sự mất nước khi mùa thu còn chưa tới.
Ở Anh, công ty Southern Water, cung cấp nước cho vùng Trung Nam nước Anh cho biết cũng sẽ áp đặt việc hạn chế sử dụng nước đối với gần 1 triệu khách hàng từ cuối tuần này. Các cơ quan chức năng của Anh cũng khuyến cáo người dân cần sử dụng tiết kiệm nước trong bối cảnh tình trạng khô hạn xảy ra nghiêm trọng.
Trong thông báo đưa ra hồi tuần trước, Cơ quan Môi trường Anh cho biết hầu hết vùng England đã chuyển sang trạng thái "thời tiết khô hạn kéo dài".
Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện, nhiệt độ từ 24-25°C đã là quá nóng để làm việc với nhịp độ bình thường, nhưng đợt nắng nóng vừa qua, nhiệt độ nhiều nơi tại châu Âu đã tăng lên đến mức kỷ lục 44-45°C.
Nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30°C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 đến 40%. Ở 33-34°C, một công nhân trung bình "mất 50% khả năng lao động".
Tổ chức này ước tính rằng đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới - tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trai-qua-thang-7-kho-han-nhat-trong-lich-su-anh-phap-thieu-nuoc-nghiem-trong-179220802125303005.htm