Tôn trọng giáo viên trong đánh giá xếp loại học trò
Sự việc nhiều phụ huynh trường Tiểu học Cù Chính Lan (thành phố Pleiku, Gia Lai) gửi đơn kiến nghị vì con bị đánh giá "chưa hoàn thành" môn Âm nhạc, phải học lại vào dịp hè đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trong đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, các phụ huynh cho rằng giáo viên dạy môn Âm nhạc của trường thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học cũng như phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu.
Việc kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan nên không tạo được sự đồng thuận, gây ức chế cho học sinh. Họ đề nghị các cấp xem xét lại việc giảng dạy của cô giáo trên.
Có thể thấy phụ huynh học sinh thường vẫn lên án bệnh thành tích trong giáo dục nhưng nếu con mình bị đánh giá không tốt, không có giấy khen thì lập tức lỗi đó thuộc về thầy cô giáo.
Khi giáo viên làm đúng phận sự, chuyên môn của mình thì cũng bị lên án, đánh giá về chuyên môn kém, thiếu tích cực trong giảng dạy.
Phụ huynh không nên nặng nề việc học lại trong hè
Theo cách đánh giá, xếp loại các lớp học chương trình mới hiện nay, những học sinh dưới 5,0 điểm (những môn cho điểm) và những môn đánh giá xếp loại Chưa hoàn thành (Tiểu học); Chưa đạt (cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) phải thực hiện kiểm tra lại trong hè. Tất nhiên, trước khi kiểm tra thì giáo viên phải ôn tập một vài buổi cho học sinh hệ thống lại kiến thức.
Việc học lại trong hè, hay nói đúng hơn là ôn tập và kiểm tra lại trong hè nghe qua thấy nặng nề nhưng thực tế cũng chỉ vài buổi học để giáo viên bổ sung kiến thức còn hổng cho học trò. Nếu cho học sinh "Hoàn thành" hay "Hoàn thành tốt" môn học thì không có gì khó khăn. Nếu cho học sinh qua hết, giáo viên cũng không phải vào trường ôn tập và tổ chức kiểm tra, chấm bài cho học trò.
Thế nhưng, một số giáo viên họ chọn phương án tốt hơn cho học sinh Chưa hoàn thành môn học, hoặc thiếu điểm có thể bồi dưỡng thêm kiến thức trong hè, cũng đồng nghĩa là họ đã chọn lấy thêm sự vất vả về phần mình. Vì học sinh học hè thì giáo viên cũng phải dạy hè.
Cô giáo trường Tiểu học Cù Chính Lan phải là người dũng cảm lắm mới dám quyết định cho các học sinh học hè môn học của mình. Bởi lẽ, khi họ đánh giá học trò như thế sẽ ảnh hưởng đến thành tích, hiệu quả giảng dạy của toàn trường. Đặc biệt là mối quan hệ với nhiều giáo viên chủ nhiệm những lớp có học sinh ôn, kiểm tra lại trong hè có thể bị sứt mẻ.
Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm sẽ không thích điều này vì nó sẽ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị trong cả năm học và ngay cả phụ huynh cũng không thích như vậy vì với việc đánh giá môn Âm nhạc "Chưa hoàn thành" cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều em bị khống chế danh hiệu học tập cuối năm. Vì theo quy định những em được xếp danh hiệu Học sinh xuất sắc thì các môn đánh giá bằng điểm số phải từ 9,0 điểm trở lên; những môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức "Hoàn thành Tốt".
Thế nhưng, thật công tâm đánh giá, có thể thấy số lượng học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại trong hè không phải là con số lớn. Toàn trường Tiểu học Cù Chính Lan có 800 học sinh (cùng 1 giáo viên dạy Âm nhạc) và có 10 em "Chưa hoàn thành" chương trình học môn học này cũng chỉ tương ứng với 0,08% học sinh - số lượng này cực nhỏ nếu so sánh với tỉ lệ yếu kém ở cấp Trung học cơ sở, hoặc Trung học phổ thông.
Việc giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh ở mức "Chưa hoàn thành" đã căn cứ vào hướng dẫn của ngành và quá trình học tập, kiểm tra của học trò để đưa ra quyết định cuối cùng. Làm giáo viên, ai cũng muốn học trò mình đều học tốt, học giỏi nhưng không phải em nào cũng đạt được kết quả như vậy.
Nhiều bất cập đang tồn tại trong việc đánh giá, xếp loại học trò
Lâu nay, nhiều người vẫn luôn xem môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục… là những môn học phụ nên ngay cả giáo viên chủ nhiệm trong trường khi phối hợp với giáo viên các môn học này cũng thường tỏ ra khó chịu khi một số học trò của mình bị xếp ở mức Hoàn thành. Vì mức này đã không được xét danh hiệu Xuất sắc nên một số giáo viên chủ nhiệm sẽ chủ động "xin" giáo viên các môn đánh giá bằng nhận xét.
Thông thường, giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục… sẽ "phối hợp" chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để xếp loại học tập của học trò và thực tế các môn học này hiếm khi bị xếp loại Chưa hoàn thành như giáo viên ở trường Tiểu học Cù Chính Lan đã làm. Những em có năng khiếu, hoặc một số em được giáo viên chủ nhiệm "thỏa hiệp" sẽ được xếp ở mức Hoàn thành Tốt; những em còn lại sẽ được xếp ở mức Hoàn thành.
Vấn đề đặt ra là tại sao giáo viên ở trường Tiểu học Cù Chính Lan lại xếp đến 10 em Chưa hoàn thành môn học và một số năm học trước cũng có tình trạng này. Đặt trường hợp, giáo viên này cương nghị, đánh giá đúng năng lực của học trò và không chịu chi phối bởi các yếu tố khác. Thậm chí, cũng không cần thành tích cá nhân và chấp nhận sự vất vả ôn tập, kiểm tra lại cho học trò. Song, cũng từ sự việc này đã đặt ra một số vấn đề.
Thứ nhất: chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra những yêu cầu quá cao cho môn học Âm nhạc ở cấp Tiểu học. Cụ thể: "Bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát; đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ; biết chơi nhạc cụ một mình và cùng người khác, thể hiện đúng tiết tấu và giai điệu.
Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc, phân biệt được sự khác nhau trong từng thuộc tính âm nhạc; biết vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu; nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng, nhận biết được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc; bước đầu biết đánh giá kĩ năng thể hiện âm nhạc của bản thân và người khác.
Bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc trong cuộc sống; biết lặp lại có thay đổi mẫu tiết tấu và giai điệu đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết làm dụng cụ học tập đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời; biết chia sẻ hiểu biết về âm nhạc với người khác; biết biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp.
Thứ hai: việc đánh giá, xếp loại môn Âm nhạc giữa các cấp học phổ thông không có sự thống nhất. Ở cấp Tiểu học được xếp thành 3 mức: Hoàn thành tốt; hoàn thành; chưa hoàn thành. Học sinh muốn được khen thưởng danh hiệu Xuất sắc trong học tập phải đạt ở mức Hoàn thành Tốt.
Cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông lại xếp 2 mức: Đạt; chưa đạt. Học sinh muốn đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến; Học sinh Giỏi (chương trình giáo dục phổ thông 2006 - Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) và danh hiệu Học sinh Xuất sắc; Học sinh Giỏi (chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Thông tư 21/2021/TT-BGDĐT) thì môn Âm nhạc ở mức Đạt là được.
Vì thế, thay vì ở Tiểu học đang phải xếp ở 3 mức thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh 2 mức như 2 cấp học còn lại sẽ thuận lợi cho giáo viên dạy các môn học này.
Bên cạnh đó, cần có sự tôn trọng giáo viên trong việc đánh giá, xếp loại học lực của học trò. Nếu việc đánh giá xếp loại học lực của học trò mà ban giám hiệu, đồng nghiệp, phụ huynh can thiệp thì bệnh thành tích trong giáo dục không biết bao giờ mới chấm dứt được!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ton-trong-giao-vien-trong-danh-gia-xep-loai-hoc-tro-179230602085713257.htm