Môn lịch sử được dạy và học tại các nước trên thế giới như thế nào?

11:34 - 04/06/2022

Việc lịch sử nên là môn học lựa chọn hay bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Vậy trên thế giới, việc dạy và học lịch sử ở các nước diễn ra như thế nào?

Môn lịch sử được dạy và học tại các nước trên thế giới như thế nào?

Việc dạy môn lịch sử ở mỗi nước đều khác nhau.

Tại Nga

Ở Nga, hoạt động giáo dục phổ thông kéo dài 11 năm, bắt đầu từ lớp 1 tới lớp 11, theo công thức 4+5+2, tương đương với ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông như ở Việt Nam.

Trong quan điểm của ngành giáo dục Nga, lịch sử là môn học có vai trò quan trọng, giúp cung cấp trí thức khoa học và giáo dục lòng yêu nước. Vì vậy, lịch sử là môn học bắt buộc và học sinh Nga được học sử từ lớp 5 tới lớp 11.

Tuy nhiên từ lớp 4, học sinh Nga đã được tiếp xúc sơ lược với các bài học về lịch sử nước Nga và thế giới. Từ lớp 5 tới lớp 9, học sinh sẽ được học chi tiết hơn về hai mảng lịch sử nêu trên, trong đó, phần lịch sử thế giới cổ đại được giảng dạy ở lớp 5, lịch sử thế giới thời trung đại ở lớp 6, lịch sử thế giới cận đại ở lớp 7, lớp 8 và lịch sử thế giới hiện đại ở lớp 9. Sang lớp 10, lớp 11, học sinh sẽ được học lại lịch sử thế giới và lịch sử nước Nga nhưng nội dung được nâng cao và tập trung vào các chuyên đề trọng tâm nhất định.

Tháng 4/2022, Bộ Giáo dục Nga đã thông báo có kế hoạch cho học sinh Nga từ 7 tuổi trở lên tiếp cận sớm với lịch sử, nhằm đẩy mạnh việc giáo dục lòng yêu nước. "Giáo dục lịch sử sẽ bắt đầu tại các trường học ngay từ lớp 1" - Bộ trưởng Giáo dục Sergei Kravtsov tuyên bố khi dự một cuộc triển lãm.

Kế hoạch của Bộ Giáo dục là hạ độ tuổi trẻ em bắt buộc phải học các bài học lịch sử. Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục lịch sử vào các chương trình giảng dạy đang có ở Nga.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc để trẻ em hiểu rõ về lịch sử đất nước. "Sự thấu hiểu sâu sắc về lịch sử của chúng ta cùng một thái độ tôn trọng, nhìn nhận thấu đáo về lòng yêu nước vĩ đại, di sản tinh thần và văn hóa của Tổ quốc, sẽ cho phép chúng ta thu được những bài học đúng đắn từ quá khứ," ông nói.

Tại Australia

Học sinh tiểu học không phải học sử. Thay vì thế, các em được học môn khoa học xã hội có tích hợp nội dung lịch sử.

Từ lớp 7, học sinh mới học sâu hơn về lịch sử, bắt đầu từ thời kỳ cổ đại, kéo sang lịch sử châu Âu, quá trình khám phá ra Australia. Từ lớp 9 học sinh bắt đầu học về lịch sử Australia và các sự kiện nổi bật trên thế giới.

Từ năm lớp 10, lịch sử không phải là môn học bắt buộc. Nếu chọn học sử, học sinh sẽ được tìm hiểu về vai trò của Australia trong Thế chiến 1 và Thế chiến 2. Năm lớp 11, học sinh được học về lịch sử hệ thống chính trị Australia.

Tại Đức

Do cấu tạo là chính quyền liên bang nên việc các trường ở từng bang giảng dạy môn gì cho học sinh sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính quyền mỗi bang. Ví dụ bang Nordrhein-Westfalen, nơi bao gồm các siêu đô thị Düsseldorf, Cologne và Ruhr, học sinh từ lớp 1 tới 4 không có môn lịch sử trong chương trình học tập.

Từ lớp 5 tới lớp 9, học sinh được giảng dạy gần như toàn bộ các khía cạnh của lịch sử nước Đức và thế giới. Phương pháp dạy tập trung vào các ý tưởng, nguyên nhân, hậu quả, tác động của các sự kiện lịch sử. Từ lớp 10 tới lớp 13, học sinh sẽ được học chuyên sâu hơn vào một số giai đoạn lịch sử cụ thể của nhân loại.

Tại Ấn Độ

Chương trình dạy học công bắt đầu dạy sử từ lớp 5. Học sinh được dạy về lịch sử Ấn Độ, chia thành 3 phần: Thời cổ đại (dạy chi tiết hơn từ lớp 6), thời Trung cổ (dạy chi tiết từ lớp 7), thời hiện đại (dạy chi tiết từ lớp 8). Lịch sử hiện đại nói về sự trỗi dậy của nước Anh trong vai trò một cường quốc thực dân, cuộc cách mạng Ấn Độ 1857, Công ty Đông Ấn, tác động của dệt may, giáo dục và sự độc lập của Ấn Độ...

Từ lớp 9, học sinh được dạy về lịch sử thế giới, về Cách mạng Pháp, sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và trùm phát xít Aldolf Hitler, Cách mạng tháng 10 ở Nga...

Từ lớp 10, học sinh được dạy về quá trình công nghiệp hóa trên thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và Ấn Độ. Hai năm lớp 11 và 12, học sinh được dạy kỹ hơn về lịch sử Ấn Độ và thế giới.

Tại Mỹ

Cường quốc hàng đầu thế giới này không có một chương trình giáo dục chung. Thay vì thế, chính quyền mỗi bang gần như nắm quyền tự quyết về hoạt động giáo dục công tại bang mình. Đây là lý do khiến việc dạy lịch sử ở mỗi bang tại Mỹ là hoàn toàn không giống nhau.

Ví dụ tại Ohio, học sinh theo học tại trường công sẽ được học sử từ năm lớp 7, với nội dung chia đôi, một nửa nói về lịch sử bang và một nửa nói về lịch sử thế giới. Từ lớp 8, học sinh được dạy về lịch sử nước Mỹ. Lớp 9 các em học về lịch sử thế giới và địa lý thế giới. Sang lớp 10, học sinh được dạy về lịch sử thế giới hiện đại và lịch sử quân sự thế giới, cơ bản là từ năm 1800 tới thời kỳ hiện tại. Sang lớp 11, học sinh được dạy sâu hơn về lịch sử nước Mỹ và các chính quyền của Mỹ. Năm lớp 12, học sinh được dạy về các vấn đề của thế giới đương đại và kinh tế.

Trong khi đó ở tiểu bang Arizona, việc dạy sử trong hệ thống trường công được giới thiệu từ cấp mẫu giáo và dần mở rộng nội dung, bao gồm lịch sử hình thành bang, lịch sử của nước Mỹ, lịch sử châu Mỹ và thế giới.

Ở cấp trung học phổ thông, học sinh được yêu cầu học thêm ít nhất 1 năm về lịch sử Mỹ và 1 năm về lịch sử thế giới. Ngoài ra học sinh cũng phải nghiên cứu thêm về chính quyền và nền kinh tế Mỹ.

Tại Nhật Bản

Hệ thống giáo dục Nhật Bản được chia làm 3 cấp, với tiểu học gồm từ lớp 1 tới 6, trung học cơ sở gồm lớp 7 tới 9 và trung học phổ thông từ lớp 10 tới 12. Trẻ em Nhật bắt buộc phải tham gia hoạt động giáo dục từ năm lớp 1 tới lớp 9.

Lịch sử được tích hợp vào môn khoa học xã hội và trẻ em phải học môn này từ lớp 3. Tuy nhiên tới cấp trung học phổ thông, lịch sử và địa lý được giảng dạy như môn độc lập. Đổi lại, học sinh được quyền lựa chọn có học lịch sử hay không.

Tại Nigeria

Giống nhiều nước ở châu Phi, lịch sử không phải là môn học bắt buộc ở Nigeria, nhiều trường thậm chí còn không dạy sử. Một người dùng mạng xã hội Quora chia sẻ trường học của anh nằm trong số ít các ngôi trường có dạy sử, tại đó lịch sử là môn mà học sinh được quyền lựa chọn.

Việc dạy sử chỉ bắt đầu từ cấp học tương đương với lớp 10 ở Việt Nam. Từ học kỳ 1 của lớp 10 cho tới hết lớp 12, giáo viên sẽ dạy lần lượt về lịch sử môi trường châu Phi, quá trình tiến hoá của con người ở châu Phi, lịch sử Tây Phi từ thế kỷ 8 tới thời hiện đại, tổng quan lịch sử Đông Phi, tổng quan lịch sử Nam Phi, tổng quan lịch sử Bắc Phi, lịch sử Nigeria từ thời kỳ đầu tiên tới thế kỷ 21, lịch sử sự liên quan của châu Phi với thế giới, từ Thế chiến 1 cho tới thời hiện đại.

Tại Ukraine

Từ lớp 3 học sinh bắt đầu được học văn hóa và các câu chuyện lịch sử dân gian nói về nguồn gốc của người Ukraine. Từ lớp 5, học sinh chính thức được học môn lịch sử. Việc dạy về lịch sử của Ukraine và thế giới kéo dài cho tới lớp 11, cũng là cấp học phổ thông cuối cùng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tim-hieu-viec-day-mon-lich-su-tai-cac-nuoc-tren-the-gioi-179220604111520054.htm