"Thế hệ giữa chiến tranh" và sự trỗi dậy của những cá nhân kiệt xuất

16:55 - 07/07/2024

Thế hệ giữa chiến tranh là khái niệm chỉ những người sinh ra trong giai đoạn giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ 2. Họ sống trong giai đoạn lịch sử đặc biệt và cũng trở thành những nhân vật làm nên lịch sử.

Thế hệ giữa chiến tranh của các quốc gia trước 2 cuộc đại chiến thế giới

Thế hệ giữa chiến tranh (The Interbellum Generation) hay còn gọi là thế hệ hậu thế chiến thứ nhất, là những người chứng kiến những biến động lớn của thế giới trong thế kỷ XX, bao gồm Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Đại suy thoái và Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Nhiều người thuộc thế hệ giữa chiến tranh là con em của những người thuộc thế hệ những người đã mất, trong đó nhiều người đã chết trong thế chiến I, hoặc bị thương tích, tàn tật hay thất nghiệp. Do đó, rất nhiều lớp người của thế hệ giữa chiến tranh ngay khi còn nhỏ đã phải sống cuộc đời cơ cực.

"Thế hệ giữa chiến tranh" và sự trỗi dậy của những cá nhân kiệt xuất- Ảnh 2.

Đại suy thoái - một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng bắt đầu vào năm 1929 và kéo dài hơn một thập kỷ - đã khiến tình trạng bất ổn của người lao động tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Ảnh: Tư liệu

Ra khỏi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ I không lâu, khi đa số người của thế hệ giữa chiến tranh đã trưởng thành, họ lại chứng kiến cuộc Đại suy thoái kinh tế, hay còn gọi là Đại khủng hoảng (The Great Depression) toàn cầu, khởi đầu từ nước Mỹ vào đầu năm 1929, và rồi hầu hết các quốc gia đều không thoát khỏi sự cố này.

Cuộc Đại khủng hoảng đã có những tác động tàn khốc ở các nước giàu và nghèo. Thu nhập cá nhân, doanh thu thuế, lợi nhuận và giá cả đều giảm, trong khi thương mại quốc tế giảm hơn 50%. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên 23%, còn ở nhiều nước tăng tới 33%.

Rất nhiều thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là thành phố phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng. Việc xây dựng hầu như bị dừng lại ở nhiều quốc gia. Ở nông thôn, đời sống nông dân giảm sút đáng kể vì giá cây trồng giảm khoảng 60%. Trước nhu cầu giảm mạnh với ít nguồn việc làm thay thế, các khu vực phụ thuộc vào các ngành công nghiệp chính như khai thác gỗ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Nước Mỹ là nơi khởi đầu của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Thu nhập quốc gia của Mỹ năm 1929 khoảng 88 tỉ USD, đến năm 1932 chỉ còn 40 tỉ USD. Nếu năm 1929, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,2% thì đến năm 1933, con số tăng tới 23%, đồng nghĩa với 12 triệu người mất việc làm. Sản lượng công nghiệp của quốc gia này từ 110 tỉ USD năm 1929 thì chỉ còn 60 tỉ USD vào năm 1933.

Ở các nước tư bản, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Hàng nghìn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra. Những đế quốc như Anh, Pháp có nhiều thuộc địa, họ thực hiện chính sách vơ vét để bù vào sự thiếu hụt vì chiến tranh, do đó họ ổn định hơn so với các nước ít hoặc không có thuộc địa. Dân chúng ở các thuộc địa vốn đã khốn khổ lại khốn khổ thêm. 

Những nước không có thuộc địa muốn chia lại thị trường đã tạo ra những căng thẳng, điển hình là 2 khối Đức - Ý - Nhật và Anh - Pháp - Mỹ. Nguy cơ hình thành Đại chiến thế giới lần thứ II bắt đầu từ đây.

Ngày 1/9/1939 cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ và kết thúc vào 2/9/1945. Cuộc chiến kéo dài 6 năm và 1 ngày. Các nước châu Âu, vùng Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông, Địa Trung Hải, Nhật Bản, Châu Phi, một phần Bắc và Nam Mỹ bị lôi cuốn vào cuộc chiến khốc liệt này.

Đây là cuộc chiến tranh giữa 2 lực lượng gồm Phe Trục, trong đó có Đức, Nhật Bản, Ý và nhiều nước khác với Phe Đồng minh có Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và nhiều nước thuộc phe.

Phe Trục đã huy động 35.000.000 người vào cuộc chiến, tử vong quân sự trên 8.000.000 và tử vong dân sự trên 4.000.000 người. Như vậy, tổng số người chết của phe này hơn 12.000 người.

Phe Đồng minh huy động 80.000.000 người, tử vong quân sự trên 16.000.000 người, tử vong dân sự trên 45.000.000 người, tổng cộng trên 61.000.000 người.

Hơn 30 quốc gia trực tiếp tham dự vào trận chiến. Các quốc gia khác cũng bị tàn phá, chết chóc.

Kết thúc chiến tranh, tính ra có 70 nước và 1700 triệu người cuốn hút vào chiến tranh. Ngoài số người chết đã nói ở trên, còn có trên 90.000.000 người bị thương tật. Tổng số tiền do các thiệt hại gây ra hơn 4000 tỉ USD, gấp 10 lần so với thiệt hại trong Đại chiến thế giới lần thứ I.

Những người đầu tiên của thế hệ giữa chiến tranh ở vào tuổi 39 khi chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu, còn người ít tuổi nhất của thế hệ này cũng đã ở tuổi 30. Cho nên, có thể nói rằng, hầu hết những người của thế hệ giữa chiến tranh là lực lượng tham gia trực tiếp trên khắp các mặt trận

Ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng kinh tế, thế hệ này lại bị huy động vào Chiến tranh khốc liệt. Những người sống sót đứng trước những làng mạc, thành phố bị san bằng, đời sống hậu chiến vô cùng khó khăn, mâu thuẫn giữa các quốc gia hết sức căng thẳng.

Thế hệ giữa chiến tranh ở Việt Nam

Khi những người thuộc thế hệ giữa chiến tranh của Việt Nam ở vào tuổi thơ và nhi đồng thì trong nước liên tiếp có những sự kiện lịch sử.

Trước hết là việc thành lập Duy Tân Hội ở Quảng Nam do cụ Phan Bội Châu khởi xướng năm 1904. Và ngay sau đó, năm 1905 có phong trào Đông Du (1905-1908), Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), Duy Tân (1906-1908)… 

Những sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ cha anh của những người thuộc thế hệ giữa chiến tranh. Những phong trào mới trên đều bị thực dân Pháp dập tắt bằng sự đàn áp, khủng bố. Họ lớn lên trong xã hội thuộc địa với một nền giáo dục thực dân phản động và cực kỳ hạn chế người học. Rất ít người của thế hệ này được học hết bậc tiểu học, còn số đông lâm vào cảnh mù chữ. 

Nho học thời đó cũng suy tàn và kết thúc khi người trẻ nhất của thế hệ vừa tròn 10 tuổi.

Tuy đời sống vật chất của những người giữa chiến tranh khi thiếu thời nhìn chung là thấp kém, đói khổ, đặc biệt cha mẹ họ là nông dân hay thợ thuyền, nhưng họ lớn lên với không khí canh tân đang được nhen nhóm. Cha anh họ đã truyền cho họ lòng yêu nước và sự căm hận bọn xâm lược Pháp và ý thức chống lại bọn địa chủ cường hào ở nông thôn, bọn vua quan bù nhìn của Triều Nguyễn.

"Thế hệ giữa chiến tranh" và sự trỗi dậy của những cá nhân kiệt xuất- Ảnh 3.

Cách mạng tháng Mười Nga - bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Ảnh: Tư liệu

Khi những người lớn tuổi nhất của thế hệ giữa chiến tranh ở vào tuổi thiếu niên thì Đại chiến thế giới lần thứ I bùng nổ. Đông đảo người ở thế hệ cha anh của họ bị bắt lính hoặc bị đi lao động phục vụ cho chiến tranh. Những năm 1914-1918 là những năm thực dân Pháp tăng cường vơ vét của cải ở thuộc địa và bóc lột sức lao động của dân Việt một cách tàn bạo.

Vào lúc sắp kết thúc cuộc chiến dữ dội này, tháng 11/1917, cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga do V.I. Lenin lãnh đạo đã nổ ra và thành công. 

Nhà báo người Mỹ John Reed (1887-1920) đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm "Mười ngày rung chuyển thế giới". Đây là Thiên anh hùng ca được xuất bản lần đầu ở New York (Mỹ) vào năm 1919. 

Năm 1923, bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lenin) đã viết lời tựa cho tác phẩm (bản dịch ra tiếng Nga) và sau đó, chính Lenin đã viết lời tựa cho tác phẩm này khi nó được tái bản năm 1926. Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã có tiếng vang đến Việt Nam và đã thức tỉnh bao người thuộc thế hệ giữa chiến tranh về con đường giải phóng dân tộc.

Bảng 4. Một số nhân vật tiêu biểu của thế hệ giữa chiến tranh người Việt Nam
Thế hệ giữa chiến tranh ở Việt Nam (1901-1909)

Năm sinh

Tên nhân vật

1901

Bùi Công Trường, Trịnh Đình Thảo, Phan Đăng Lưu, Trần Huy Liệu, Phùng Chí Kiên

1902

Ca Văn Thỉnh, Hà Huy Tập, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Đặng Thai Mai, Châu Văn Liêm

1903

Hoàng Tích Trí, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Công Hoan

1904

Phạm Thiều, Trần Phú, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Thái Học, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Lương Bằng, Đào Duy Anh

1905

Nguyễn Khánh Toàn, Dương Bạch Mai, Bùi Lâm

1906

Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Lâm, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cung

1907

Trường Chinh, Lê Duẩn, Phó Đức Chính, Trần Tử Bình, Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Nguyễn Cao Luyện, Trần Đăng Khoa

1908

Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Thập, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Sơn, Hoàng Xuân Hãn, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Văn Huyên, Lê Thiết Hùng, Hải Triều, Hà Huy Giáp, Nguyễn Đức Cảnh

1909

Lê Thị Xuyến, Khuất Duy Tiến, Đặng Xuân Thiều, Phạm Ngọc Thạch, Hoài Thanh

"Thế hệ giữa chiến tranh" và sự trỗi dậy của những cá nhân kiệt xuất- Ảnh 4.

Khung cảnh của Hà Nội đầu thế kỷ 20, nơi ra ra đời trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Tư liệu

Những người đầu tiên của thế hệ giữa chiến tranh ở Việt Nam bước vào tuổi thiếu niên đúng lúc phong trào khởi nghĩa Yên Thế kết thúc. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng nó để lại những trang sử hào hùng của dân Việt Nam chống bọn Pháp độc tài cai trị. Nhân dân hết lời ca ngợi Đề Thám, thủ lĩnh của nghĩa quân. Thế hệ trẻ coi ông như một tấm gương anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, không chịu bất khuất trước kẻ thù hung bạo, tàn ác. "Ba mươi năm giữ núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam."

Ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) thể hiện quyết tâm tìm đường cứu nước, đã lên tàu Amiral Latouche - Tréville sang Pháp. Nguyễn Tất Thành cập bến cảng Marseille và ở thành phố này 3 tháng, sau đó tiếp tục đi theo nhiều chuyến tàu buôn đi tới châu lục Phi, Mỹ, Âu, Á, lăn lộn trong phong trào công nhân và từng bước giác ngộ về con đường cách mạng.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở về Pháp tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, rồi tham gia Đảng Xã hội Pháp. Giữa lúc đó, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười ở Nga nổ ra. Nhà nước Xô Viết Nga được thành lập. 

Cách mạng tháng Mười Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến Nguyễn Tất Thành và những thanh niên cùng thế hệ giữa chiến tranh ở nước ta, hình thành một thế hệ cách mạng và trưởng thành trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân và phong kiến bản địa.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/the-he-giua-chien-tranh-va-su-troi-day-cua-nhung-ca-nhan-kiet-xuat-179240707165532989.htm