Thành phố học tập toàn cầu - mục tiêu của chiến lược xanh hoá đô thị

12:06 - 14/10/2024

Trên thế giới, thành phố học tập bao hàm những vùng công nghiệp, những khu chế xuất, những hải cảng lớn, những vùng đảo... tiến hành việc học tập suốt đời theo những tiêu chí do quốc gia hoặc cộng đồng thế giới quy định.

Thành phố học tập toàn cầu - mục tiêu của chiến lược xanh hoá đô thị - Ảnh 1.
Trẻ em đọc sách trong các thư viện công cộng - tiêu chí của thành phố học tập toàn cầu.

Thành phố học tập là gì? 

Thành phố học tập (Learning City) là một đô thị được cấu trúc lại để mọi công dân trong đó được học bất kỳ điều gì mà họ muốn bằng các phương tiện hỗ trợ cá nhân, hòa nhập xã hội và phát triển kinh tế, nhờ đó, mỗi cá nhân được phát huy những năng lực và các phẩm chất của mình, tạo thành nhân lực cần thiết cho việc nâng cao sức cạnh tranh của thành phố.

Thành phố học tập là một khái niệm mở về nội hàm của nó. Trên thế giới, người ta hiểu thành phố học tập bao hàm những vùng công nghiệp, những khu chế xuất, những hải cảng lớn, những vùng đảo... tiến hành việc học tập suốt đời theo những tiêu chí do quốc gia hoặc cộng đồng thế giới quy định.

Sở dĩ thành phố học tập được coi là thành phố xanh bởi để nhận danh hiệu "Thành phố học tập", điều kiện xanh hóa buộc phải thực hiện. Điều kiện đó gói gọn trong yêu cầu "Khởi tạo cuộc sống xanh đô thị", bao gồm:

- Các đường phố phải có hàng cây bóng mát, đồng thời mỗi phố đều phải có những vườn cây nhỏ;

- Tạo không gian xanh trong từng căn hộ: Trồng cây trong chậu, làm giàn hoa trên các ban công, trồng rau, trồng hoa trên sân thượng…

- Xây dựng các dịch vụ thực phẩm sạch và phong cách ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, tăng cường sức khỏe con người;

- Cải tạo các khu dân cư chật chội, thiếu điều kiện vệ sinh trong gia đình, xóa bỏ khu ổ chuột.

Tiêu chí đánh giá thành phố học tập

Bộ tiêu chí khung về thành phố học tập do UNESCO chủ trì xây dựng được tiến hành vào tháng 7/2012. Một hội nghị được UNESCO triệu tập đã có mặt của đại biểu thuộc tổ chức PASCAL, hệ thống CISCO, Quỹ Bertelsmann, Ủy ban Giáo dục Bắc Kinh, trường Đại học Kuwaitt, Tập đoàn giáo dục đại học Cape và chuyên gia của nhiều nước.

Bộ khung các chỉ số đo lường được chọn lọc từ nhiều tư liệu quan trọng, gồm:
- Những chỉ số phát triển con người (Human development Index, HDI) và các chỉ số liên quan khác do UNDP đưa ra (2007);
- Khung giám sát chính thức các mục tiêu thiên niên kỷ (2008);
- Phương pháp đánh giá kiến thức và các nhóm kiến thức do Ngân hàng thể giới đề xuất (2012);
- Những chỉ số cuộc sống tốt hơn do OECD đưa ra (2012);
- Bảo cáo "Tương lai chúng ta mong muốn" tại hội nghị Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (UNCSD), còn được gọi là Rio+20 hay Riot 12;
- Đối tác toàn cầu mới: Xóa đói và chuyển đổi các nền kinh tế thông qua phát triển bền vững (Liên hiệp quốc UN, 2012);
- Chương trình phát triển hậu 2015 (Trung tâm đổi mới quản lý quốc tế và Viện phát triển Hàn Quốc, 2012).

Những chỉ số rút ra từ những tư liệu trên được tổng hợp thành 42 chỉ số đánh giá thành phố học tập. UNESCO đã thử nghiệm tại một số quốc gia, tới tháng 9/2013, Bộ tiêu chí khung gồm 42 chỉ số đánh giá được UNESCO đưa ra triển khai tại những quốc gia đăng ký xây dựng thành phố học tập.

Mô hình thành phố học tập

Thành phố học tập toàn cầu - mục tiêu của chiến lược xanh hoá đô thị - Ảnh 2.

Mô tả khái quát mô hình thành phố học tập dưới hình ảnh logo UNESCO. Đồ hoạ: TTH

Chú ý:

- Phần mái nhà: Các lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập

- Phần cột nhà: Các trụ cột của thành phố học tập

- Phần nền nhà: Các điều kiện để xây dựng thành phố học tập.

Một số thành phố học tập sớm được thành lập trên thế giới

Kakegawa (Nhật Bản): Trở thành thành phố học tập năm 1979, thành phố học tập đầu tiên trên thế giới.

Liverpool (Anh): thành phố đạt chuẩn thành phố học tập của UNESCO năm 1996.

Southampton (Anh): Trở thành thành phố học tập năm 1998, được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Châu Âu về xã hội học tập.

Gwangmygung (Hàn Quốc): Trở thành thành phố học tập 1999. Tới năm 2008, Hàn Quốc có 76 thành phố, khu đô thị và hạt ở nông thôn đạt tiêu chí thành phố học tập.

Năm 2013, ở Hàn Quốc có 113/227 chính quyền địa phương bắt tay xây dựng thành phố học tập.

Western Cape (Nam Phi) tiến hành xây dựng "Cape học tập" nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

Victoria, St.Jorhns, EdmontVancouver là những thành phố của Canada được chính phủ nước này chọn làm thành phố học tập.

Bắc Kinh (Trung Quốc): Bắt tay xây dựng thành phố học tập từ năm 2005. Đến năm 2009, đã có 200 thành phố của quốc gia này tham gia chương trình xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2010-2020.

Australia qui định tất cả khu dân cư có 5000 cư dân trở lên đều phải đăng ký với Hiệp hội học tập tham gia chương trình xây dựng thành phố học tập

Từ năm 2001, tại Cộng hòa Liên bang Đức, chính phủ đã xây dựng các chính sách hỗ trợ các nguồn lực cho các vùng học tập đã hình thành.

Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

Việt Nam tham gia mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" có phần chậm so với một số quốc gia. Tuy nhiên bước đầu kết quả cũng khả quan. Đến nay, đã có 79 quốc gia tham gia vào Chương trình xây dựng thành phố học tập toàn cầu.Tổng số dân sống trong 356 thành phố học tập toàn cầu là 390 triệu người.

UNESCO đã chính thức ghi danh 356 thành phố vào mạng lưới này, trong đó, Việt Nam có 5 thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Vinh (Nghệ An), thành phố Hải Dương (Hải Dương), thành phố Sơn La (Sơn La).

Thực hiện kết luận 49-KL/TW (10/5/2019), chắc chắn trong giai đoạn 2025 – 2030, nước ta sẽ có thêm một số thành phố nữa sẽ đạt danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu".

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-muc-tieu-cua-chien-luoc-xanh-hoa-do-thi-179241014120647163.htm