Thảm họa hạt nhân là nguy cơ hiện hữu
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, nguy cơ đối đầu hạt nhân quay trở lại sau nhiều thập kỷ.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 8/8/2022 - 2 ngày sau khi tham dự Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng niệm 77 năm ngày xảy ra vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào một nhà máy hạt nhân cũng chính là "hành động tự sát".
Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố của ông Antonio Guterres phản ánh một thực tế rằng thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa hiện hữu của một thảm họa hạt nhân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine sẽ chấm dứt và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ được tiếp cận cơ sở này. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Ông Guterres nhấn mạnh: "Giờ đây, nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân một sự hiểu nhầm, một tính toán sai lầm. Chúng ta cực kỳ may mắn cho đến lúc này. Nhưng may mắn không phải là chiến lược hay lá chắn ngăn căng thẳng địa chính trị leo thang thành xung đột hạt nhân. Mọi cuộc tấn công vào bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào cũng chính là hành động tự sát".
Theo truyền thông quốc tế, Ukraine và phương Tây nói rằng, Nga pháo kích vào khu vực nhà máy để đổ lỗi cho Ukraine và dùng cơ sở này làm "lá chắn" để khiến Kiev không dám đáp trả. Cụ thể, Ukraine cáo buộc Nga có trách nhiệm trong vụ pháo kích hôm 6/8 khiến một số cảm biến bức xạ tại nhà máy hư hại và một công nhân bị thương. Thậm chí, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 7/8 còn cho rằng, Nga đang "khủng bố hạt nhân" và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường trừng phạt.
Về phía Nga, Moscow cáo buộc Kiev pháo kích nhà máy khiến tòa nhà điều hành và một kho chứa bị hư hại nặng nề. Theo Bộ Quốc phòng Nga, một số thiết bị ở nhà máy bị mất điện do vụ pháo kích của Ukraine, hỏa hoạn bùng lên nhưng may mắn được dập tắt nhanh chóng. Đại sứ quán Nga tại Washington cũng đã xác nhận thiệt hại, cho biết đạn pháo từ phía Ukraine đã làm hư hại hai đường dây điện cao thế và một đường ống dẫn nước, nhưng cơ sở hạ tầng quan trọng không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài những lời cáo buộc từ cả hai bên, chưa có bên thứ ba nào xác nhận thiệt hại tại nhà máy Zaporizhzhia. Do vậy, ông Antonio Guterres quả quyết rằng Liên hợp quốc hoàn toàn ủng hộ IAEA trong nỗ lực tạo điều kiện để ổn định tình hình tại nhà máy nêu trên: "Tôi kêu gọi các bên liên quan mở đường cho thanh sát viên quốc tế được phép tiếp cận nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia để hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân và giúp ngăn chặn tình hình ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát. Xung đột kéo dài sẽ gây ra những hậu quả lớn không thể kiểm đếm". Hiện cả Ukraine và Nga chưa phản hồi về đề nghị của Liên hợp quốc cho phép các chuyên viên của IAEA tiếp cận khu vực nhà máy để đánh giá rủi ro.
Đài RT dẫn lời một quan chức cấp cao về không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây ra hậu quả gấp 10 lần thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Còn các chuyên gia của tờ AP nhận định, chiến sự Nga - Ukraine về cơ bản đã biến nhà máy Zaporizhzhia, nơi có 15 lò phản ứng đang hoạt động, trở thành một "bãi mìn hạt nhân".
Theo Giáo sư Robin Grimes tại Đại học Hoàng gia London, vỏ chịu áp lực của lò phản ứng hiện đại là "rất bền vững và có thể chịu được tác động đáng kể từ các vụ động đất và những tác động động học khác". Nhưng ông cũng nói thêm rằng: "Vỏ chịu áp lực không được thiết kế để chống các loại vũ khí chạm nổ. Theo tôi, tác động từ các loại vũ khí có thể sẽ dẫn đến một sự cố hạt nhân giống như Chernobyl dù rằng điều này (dùng vũ khí tấn công các nhà máy điện hạt nhân) chưa bao giờ xảy ra. Chưa từng xảy ra nhưng không có nghĩa là không thể". Ngay cả khi không chủ định thì việc đạn pháo rơi nhầm vào nhà máy điện hạt nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong chiến tranh không thể nói trước được điều gì.
Cùng với Kherson, vùng Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine đang trở thành điểm nóng giao tranh mới giữa quân đội Nga và Ukraine khi Kiev phản công, tìm cách giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Hiện Tổng Giám đốc IAEA Mariano Grossi đang thúc giục chính quyền Moscow cho phép tổ chức này tiếp cận nhà máy Zaporizhzhia, và sẽ sớm có một cuộc hội đàm với giới chức Nga. Trong khi đó, sau khi đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mariano Grossi cho biết, rằng thật đáng tiếc khi giới chức Kiev không muốn các thanh sát viên IAEA tới nhà máy Zaporizhzhia.
Trước đó, ngày 6/8/2022, Tổng Giám đốc IAEA Mariano Grossi cũng đã bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cho rằng hành động này cho thấy nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân thực sự. Ông Grossi kêu gọi tất cả các bên xung đột "kiềm chế tối đa" hành động ở xung quanh cơ sở này. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 3 vừa qua sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa Ukraine, nhưng hiện vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine vận hành.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tham-hoa-hat-nhan-la-nguy-co-hien-huu-179220809165344675.htm