Tết Trùng Cửu (9/9 Âm lịch): Một nét đẹp văn hóa đáng tự hào

11:15 - 04/10/2022

Tết Trung Cửu hay còn gọi là Tết Trùng Dương, là ngày mang những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp được truyền từ ngàn đời xưa.

Tết Trùng Cửu là ngày gì?

Tết Trùng Cửulà ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, hoàn thành một chu kỳ Tứ tượng từ Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm đến Thái Dương, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Số 9 trong số đếm Giáp, Ất, Bính... là con số áp cuối trong thập can, trước khi chuyển sang một nấc bậc mới.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền: “Cửu cửu càn khôn dĩ định” cũng là chỉ ngày mồng 9 tháng 9, lúc mà “càn khôn” âm dương đã đi hết một vòng tiêu trưởng. 

Quan niệm xưa cho rằng số lẻ là số dương, tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng. Vì vậy ngày 9/9 là ngày thịnh dương do sự lặp lại hai lần của số 9. Cũng vì thế mà Tết Trùng Cửu còn được gọi là Tết Trùng Dương.

Tết Trùng Cửu là ngày các tao nhân mặc khách xưa lên núi uống Hoàng Hoa tửu, ngâm ngợi thù tạc, hái thù du, đăng cao đắc đạo thành tiên.

Tết Trùng Cửu cũng là Tết Tiễn thu sớm của người phương Đông.

Ngoài ra, Tết Trùng Cửu còn được coi là Tết người cao tuổi, hay Tết người già.

Tết Trùng Cửu năm nay theo Dương lịch rơi vào ngày 4/10. 

Nguồn gốc Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Có rất nhiều điển tích xoay quanh sự ra đời của ngày Tết Trùng Cửu. Trong đó có tích kể rằng, đây là phong tục được bắt nguồn từ đời Hán.

Trong “Tục Tề hài ký”, Ngô Quân thời Nam Triều từng ghi chép lại: Vào cuối đời nhà Hán có chàng trai trên Hoàng Cảnh theo Phí Trường Phòng để học đạo tiên. Nhưng vào một hôm nọ, Trường Phòng đưa ra một lời cảnh báo cho Hoàng Cảnh rằng vào Ngày mùng 9 tháng 9, cả gia đình Hoàng Cảnh sẽ gặp đại họa.

Để thoát nạn chỉ có một cách đưa cả nhà lên trốn ở núi cao, lúc đi không được quên tay đeo túi đỏ, bên trong đựng hạt tiêu, uống rượu hoa cúc. Nếu làm theo đúng lời, tối trở về nhà sẽ tránh khỏi đại nạn. Làm như những lời thầy chỉ bảo, quả thực vào đúng hôm đó gia cầm vật nuôi trong nhà bị dịch chết sạch, riêng gia đình Hoàng Cảnh đều tai qua nạn khỏi.

Tết Trùng Cửu (9/9 Âm lịch): Một nét đẹp văn hóa đáng được tôn vinh và tự hào - Ảnh 2.

Tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng ở động núi Xuân Đài, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Minh Xuân

Truyền thuyết trên tương đồng với một sự tích cùng nhân vật ở Thanh Hóa nước ta. Theo sự tích này, ở động Hồ Công thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, tương truyền xưa kia có một ông già vai đeo quả bầu nhỏ thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh. Tối đến, ông lại về động, thu mình chui vào quả bầu để ngủ. 

Có người là Phí Trường Phòng thấy lạ mà hỏi. Hồ Công liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa… Sau này, Phí Trường Phòng cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử, để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động Hồ Công ngày nay.

Ở cuốn “Phong Thổ Ký” lại kể một sự tích khác liên quan đến Tết Trùng Cửu. Ở thời nhà Hạ, Vua Kiệt nổi tiếng hoang dâm độc ác. Vì muốn trừng trị nhà vua, Thượng Đế đã tạo ra một cơn đại hồng thủy cuốn trôi mọi thứ, nhân dân lao đao, người chết nhiều như rạ. Và trận đại hồng thủy này xảy ra đúng vào ngày mùng 9 tháng 9. Từ đó trở về sau, nhân dân cứ đến ngày này lại lên núi cao để lánh nạn. Dần dần tục lệ này biến tướng thành tào nhân lên núi để thưởng rượu ngâm thơ. Đến đời nhà Đường, tục lệ này được gọi là Tết Trùng Cửu.

Thời Đường có lẽ cũng chính là thời điểm mà Tết Trùng Cửu du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông cha ta không để bị hòa nhập hoàn toàn mà vẫn có những sự cải biến nhất định trong ngày Tết này ở Việt Nam.

Thiền sư Huyền Quang là một vị cao tăng nổi tiếng của Việt Nam, tên tuổi ông gắn liền với núi thiêng Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng với tứ quý “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”.

Về ngày Tết Trùng Cửu, thiền sư Huyền Quang có câu thơ: 

"Trong núi năm tàn không có lịch. 

Thấy hoa cúc nở biết Trùng Dương”.

Tại Việt Nam, Tết Trùng dương là lúc hoa Dã quỳ nở vàng rộ ven triền núi. Thu ngắm hoa Dã quỳ nở, thưởng rượu hoa cúc trong không khí thoáng đãng trên núi cao quả là những thú tao nhã của các tiên nhân, mặc khách xưa.

Thời kỳ Lý - Trần, nho sĩ Việt Nam cũng tổ chức leo núi, uống rượu hoa cúc gọi là thưởng tết Trùng Dương.

Thu Mậu Tuất 2018, thi sĩ Đỗ Trung Lai đã viết nên bài thơ:

Tết Trùng Cửu, cùng thu qua Chùa Hương

Em ạ! Mùa thu trang nhã thế

Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương

Sáu thôn(*), ngàn cửa then cài lỏng

Trùng Cửu, heo may trẩy ngập đường

Vạn đại phong sương hồn cổ thạch

Suối dài, mây hạc đến soi gương

Cá đợi nghe kinh là có thật

Mõ kình như gọi, như đưa đường

Nhẹ nhàng sóng động bên thuyền khách

Lòng người như lụa ướp trầm hương

Gác gió, chuông chùa buông đủng đỉnh

Sơn thủy đồng sàng cùng vô thường

Phật điện đồng môn tam - tứ phủ

Tục lụy xa dần, gần thiên lương

Lá chạm vai người dường tay Bụt

Tán oan, phổ độ cả mười phương

Nâng lão mai trà là thu ẩm

Thiền đàm, Phật pháp được hoằng dương

Nhớ bóng ngư ông qua cầu Hội

Nhớ trẻ lùa trâu qua hang Luồn

Nghe tiếng rừng mai sơn nữ gọi

Cần gì vạn thọ với vô cương

Em ạ! Mùa thu trang nhã thế

Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương.

(*) Hương Sơn gồm 6 thôn: Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Phú Yên, Tiên Mai, Hạ Đoạn.

Làm gì để lấy may trong Tết Trùng Cửu?

Hiếu kính với cha mẹ

Đối với một số người dân, Tết Trùng Dương còn là Tết người cao tuổi, hay Tết người già. Sau khi hoa màu được thu hoạch hết vào mùa thu, con cháu trong nhà có nhiều món ngon để dâng tặng cho ông bà, cha mẹ. Vì vậy, đây cũng là ngày để các thế hệ con cháu hiếu kính các bậc sinh thành, dưỡng dục, chúc thế hệ đi trước những điều may mắn và trường thọ. 

Tết Trùng Cửu cũng là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, thắp những nén nhang thay cho tấm lòng thành kính của con cháu dành cho những người đã khuất.

Mua vàng để may mắn

Theo quan niệm của nhiều người dân, vào 9/9 âm lịch hàng năm là một ngày đẹp để mua vàng rồi tích trữ trong nhà. Việc này sẽ giúp gia đình họ vượng khí, gặp nhiều may mắn, giữ được tài lộc trong suốt cả năm.

Uống rượu hoặc trà hoa cúc

Vào tiết trời mùa thu, cái nóng chưa qua mà khí lạnh đã về, thời điểm giao mùa đất trời sinh độc, con người dễ ốm. Rượu hoặc trà hoa cúc có tác dụng làm mát gan, tiêu độc, giải cảm, có lẽ là thức uống đáng để thử.

Ném cam vàng ra cửa 

Vào ngày Tết Trùng Cửu có một tương truyền khá đặc biệt về quả cam vàng. Vào mùa thu, cây cam vàng phát triển rất tốt. Người xưa truyền tai nhau nếu ném quả cam vàng vào 9/9 Âm lịch thì có thể đẩy được những điều không may ra ngoài, đồng thời những điều may mắn sẽ tới. Trước khi ném thì đọc nhỏ những hy vọng của bản thân về sức khỏe, công việc, cuộc sống hoặc tình duyên,… Có một số địa phương, người dân sẽ viết trực tiếp lên vỏ quả cam rồi cầu nguyện.

Thực tế, ngoài những truyền thuyết thuở xưa, ngày nay, dù không còn phổ biến như xưa, Tết Trùng Cửu vẫn mang những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Bởi lẽ, những phong tục vào ngày này như uống rượu hoa cúc, leo núi,… giúp cơ thể con người được thư giãn, sảng khoái, từ đó sức khỏe ngày càng được nâng cao hơn.

Tết Trùng Cửu là một nét đẹp văn hóa đáng tự hào.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tet-trung-cuu-9-9-am-lich-mot-net-dep-van-hoa-dang-tu-hao-179221004103222273.htm