Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"

10:39 - 16/04/2024

Ngày 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước".

Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"- Ảnh 1.

Lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" quy tụ nhiều chuyên gia giáo dục, khách mời với các ý kiến đóng góp giá trị. Ảnh: Sơn Hải

Tham dự buổi lễ có nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Xuân An Việt - Vụ phó Vụ Chính trị Công tác học sinh sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe Trung ương của Bộ Y tế... 

Buổi lễ còn có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục; cùng đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục, các  chuyên gia, nhà báo, nhà văn, đại điện các doanh nghiệp đang đào tạo và sử dụng nguồn lao động chất lượng cao;  các học sinh - sinh viên các trường đại học tại Hà Nội cùng 20 cơ quan báo chí truyền thông...

Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên 

Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"- Ảnh 2.

Tổng biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán cho biết, lý do và mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực tương lai của đất nước thôi thúc sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã tổ chức cuộc thi viết và chuỗi toạ đàm "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Tạp chí mong muốn được là cầu nối để nhiều chuyên gia, nhiều cơ quan đơn vị, trường học... xây dựng chính sách, đóng góp ý kiến chủ đề này. 

Sức khỏe học đường là vấn đề "nóng" được đông đảo dư luận quan tâm trong thời gian qua. 

Đó là những vụ học sinh, sinh viên bị bạo hành thân thể và bạo hành tinh thần, những lớp học thiếu thốn phương tiện sinh hoạt và học tập, mất vệ sinh, những bữa ăn trường học thiếu dinh dưỡng, những vụ ngộ độc thực phẩm, ma túy xâm nhập vào trường học. 

Áp lực và căng thẳng học tập khiến một số ít học sinh có những quyết định dại dột. Và rồi nhiều phụ huynh khóc ngất vì "sáng đưa con đi, chiều... nhận tin dữ" chỉ vì những tai họa bất ngờ nơi học đường.

Thực hiện Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức phát động chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước".

Chuỗi tọa đàm truyền hình internet và cuộc thi viết được tổ chức mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sức khỏe học đường, kiến nghị, đề xuất giải pháp, góp một phần nhỏ thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Sức khỏe học đường không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề, của một trường học cụ thể hay một cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của các ngành các cấp.

Sức khỏe học đường lành mạnh và khoa học là điều kiện quan trọng không chỉ giúp học sinh, sinh viên thể hiện tốt năng lực trong học tập và hoạt động thể chất, mà còn thúc đẩy tinh thần học tập và làm việc tích cực, tăng cường sự tự tin và phát triển tiềm năng của bản thân. 

Điều này không chỉ giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà còn đủ lực đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường học đường khoa học và lành mạnh, cần có một cơ sở hạ tầng vững chắc, chương trình giáo dục đa dạng và thú vị, cũng như các biện pháp hỗ trợ về dinh dưỡng, tâm lý, và thể chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, từ bữa ăn, nước uống hàng ngày. Bên cạnh đó, cần tạo ra một môi trường học đường an toàn về nhiều mặt để học sinh và sinh viên có thể phát triển toàn diện mà không phải lo lắng.

"Qua chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết này, Tạp chí Công dân và Khuyến học mong muốn nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền và hệ thống giáo dục, dạy nghề , từ đó quan tâm và đầu tư đúng mức vào Chương trình sức khỏe học đường. Đồng thời hy vọng sẽ nhận được những ý tưởng sáng tạo và những giải pháp hiệu quả từ các chuyên gia, các nhà báo, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các doanh nghiệp, các bạn học sinh, sinh viên nhằm đưa ra giải pháp chất lượng và hiệu quả để thúc đẩy sức khỏe học đường, thực hiện thật tốt Chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ" - Tổng biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán nhấn mạnh.

Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" được kỳ vọng sẽ đề cập nhiều giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phát triển nguồn nhân lực tương lai

Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"- Ảnh 5.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực của đất nước" là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" của Tạp chí Công dân và Khuyến học là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Đây là một trong những nội dung khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà có trách nhiệm của mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết: Chương trình sức khỏe học đường của Chính phủ đề ra nhiều giải pháp. Trong đó nhấn mạnh đến công tác truyền thông và vận động xã hội tham gia. Xây dựng chuyên mục thông tin chương trình phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến để các trường học và xã hội về chủ trương, chính sách hướng đến sức khỏe học đường; nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, phát triển cho các học sinh, sinh viên.

Chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" sẽ góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, nhận thức của các trường học, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên về xây dựng môi trường học tập an toàn. 

Nâng cao nhận thức cho mỗi gia đình, các tầng lớp nhân, thúc đẩy tích cực hơn tham gia vào chương trình giáo dục học đường của chính phủ với thông điệp "trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh". Làm được như vậy sẽ góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng nhân lực tương lai, có đủ đức, trí, thể, mĩ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị các cấp, các ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, giúp đỡ, động viên các cơ quan báo chí tham gia chương trình.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Tạp chí Công dân và Khuyến học đề xuất nội dung này đến cơ sở, trường học, từ đó lan tỏa trong cộng đồng, để sức khỏe của mỗi người dân, học sinh, sinh viên là nguồn lực phát triển của xã hội.

Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"- Ảnh 6.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh nhận định sức khỏe học đường là chủ đề nổi cộm, được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Ảnh: Sơn Hải

Tại lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực", thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá sức khỏe học đường là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua, là chủ đề được báo chí đề cập, quan tâm rất nhiều nhưng chưa đủ. 

Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá cao chuỗi tọa đàm và cuộc thi "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" là rất kịp thời trong bối cảnh xu thế báo chí hiện nay có tình trạng né tránh tin tức khi độc giả phải đọc quá nhiều thông tin tiêu cực. Những nội dung mang tính chất giải thích, kiến giải hoặc mang tính chất giải pháp sẽ có vai trò kéo độc giả trở lại với báo chí. Đây cũng là xu hướng chung của báo chí thế giới

Nhà báo Lê Quốc Minh tin tưởng chuỗi tọa đàm sẽ mang lại nhiều sáng kiến, giải pháp, giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Tại buổi lễ cũng diễn ra phiên tọa đàm đầu tiên với sự tham gia của các nhà báo, chuyên gia,...mở đầu cho chuỗi toạ đàm "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". 

Các bài viết tham gia cuộc thi "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" sẽ được chọn lọc và xuất bản trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Ngoài ra cũng được xuất bản trên các nền tảng số.

Ban tổ chức nhận bài thi từ 16/4/2024, kết thúc vào ngày 31/8. Dịp Quốc khánh 2/9 sẽ tổng kết trao thưởng Lễ tổng kết Chuỗi tọa đàm và trao giải cuộc thi.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tap-chi-cong-dan-va-khuyen-hoc-phat-dong-cuoc-thi-viet-suc-khoe-hoc-duong-vi-chat-luong-nguon-nhan-luc-dat-nuoc-179240416090056857.htm