Tảo hôn và "những đứa trẻ trên trời rơi xuống" ở miền Tây xứ Nghệ
Tảo hôn ở đây nhiều lắm. Ít có trường hợp nào kết hôn đủ tuổi. Các trường hợp tảo hôn, đẻ con hầu hết người mẹ gặp khó khi đẻ, những trường hợp 15 tuổi đã đẻ, đến khoảng 20-22 tuổi là có 2-3 đứa con - bác sĩ trạm y tế xã Nậm Càn, Nghệ An ngao ngán nói.
Những cô dâu trẻ con nhớ trường, nhớ bạn
"Em nhớ trường, nhớ bạn. Em muốn được về đi chơi, đi học như các bạn" – lời tâm sự của học sinh V.Y.X, sinh năm 2010, trú tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An khiến tôi nghẹn đắng.
Học sinh này vừa mới 13 tuổi nhưng đã tảo hôn theo chồng đến bản Buộc Mú (xã Na Ngoi) từ đầu tháng 3/2023.
Đầu năm 2023, X còn là cô học sinh lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Càn, xã Nậm Càn. Bước ngoặt khiến X bỏ dở việc học từ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhớ lại chuyện này, V.Y.X kể, trong ngày hội ném pao ngày Tết, một thanh niên (chồng X bây giờ) hơn em 4 tuổi nhanh chóng bắt chuyện. Thấy hợp, chúng em dần thích nhau. Thế là sau 3 ngày anh ấy bắt em về làm vợ. Em cũng vui vẻ đi theo anh ấy dù bố mẹ phản đối kịch liệt.
"Không nghe lời khuyên bố mẹ, thầy cô giờ em hối hận lắm. Em muốn về nhà đi học nhưng nhà chồng không đồng ý" – X bật khóc.
Nhắc đến con gái V.Y.X, anh V.B.N sinh năm 1989, trú ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn đượm buồn: "Khi có người báo con gái bị bắt làm vợ và theo chồng về Na Ngoi, tôi giật mình. Lúc đó, từ rẫy tôi chạy về nhà ngay và bàn với vợ, tính là viết đơn lên Công an xã để nhờ can thiệp đưa con về. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vợ tôi lại bảo thôi".
Anh N quyết báo lên Công an là bởi anh hiểu rõ việc lấy vợ, lấy chồng sớm là khổ thế nào. Bởi chính anh là người trong cuộc. Anh kể: "Tôi cũng lấy vợ từ lúc 16 tuổi. Rồi sinh liền một mạch 3 đứa con. Hai vợ chồng không nghề nghiệp, không có kiến thức về làm bố, làm mẹ khiến cuộc sống chật vật, khó khăn trăm đường".
Nhưng vợ tôi ngăn lại cũng có lý lẽ của vợ vì "Con mình nó thích người ta nó mới theo. Giờ mình đưa ra pháp luật lỡ con nghĩ dại mà ăn lá ngón, thì mình hối hận cả đời" – anh N trầm giọng rồi lo lắng "Chẳng biết nó lấy chồng rồi nó có tự lo cho cuộc sống được không, hay suốt ngày chỉ chạy nhảy như lúc còn ở nhà". Nghe vậy, vợ anh N ngồi bên chồng nước mắt chảy dài.
Ông Và Bá Cha – Phó chủ tịch UBND xã Nậm Càn, Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ, nạn tảo hôn không thể dứt được dù tuyên truyền giáo dục nhiều lần mà họ không nghe. Biết trẻ em tảo hôn là vi phạm pháp luật, gây suy giảm giống nòi, nhưng rất khó để ngăn chặn.
Nhìn xa xăm ra ngoài bản, ông Cha nói thêm: "Cái khó là việc ngăn cản, không cho lấy nhau là các cháu dọa lên rừng ăn lá ngón. Ở xã Mường Lống đã từng xảy ra việc đó. Hai đứa trẻ bị gia đình ngăn không cho lấy nhau, cả hai đi hái lá ngón ăn, con gái chết, con trai cứu được. Từ đó, không ai dám cản nữa".
Bác sĩ Trần Thị Giang ở Trạm y tế Nậm Càn nói thêm: "Tảo hôn ở đây nhiều lắm. Ít có trường hợp nào kết hôn đủ tuổi. Các trường hợp tảo hôn, đẻ con hầu hết người mẹ gặp khó khi đẻ, những trường hợp 15 tuổi đã đẻ, đến khoảng 20-22 tuổi là có 2-3 đứa con".
"Những đứa trẻ từ trên trời rơi xuống"
"30 cháu nhỏ trên địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) chưa thể làm giấy khai sinh" được ông Vi Văn Du – Bí thư Đảng ủy xã đề cập khi nhắc đến nạn tảo hôn trên địa bàn.
Nói thêm về việc này, ông Du liền kể, chuyện là vừa mới đây cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Tri Lễ mới về công tác nói về "chuyện lạ" ở các điểm trường Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Mới….
Cụ thể, trên địa bàn từ đầu năm khi đi phổ cập thì cô không thấy có các cháu nhỏ. Nhưng giờ đi kiểm tra lại thì bỗng có 30 em như "trên trời rơi xuống" khiến cô bất ngờ rồi đặt câu hỏi "Tại sao lâu nay các cô đi không thấy. Giờ ở đâu ra các cháu nhỏ này?".
Thì ra đằng sau câu chuyện trẻ con từ trên trời rơi xuống là: Những đứa trẻ đó là con của các cháu học sinh. Các cháu lấy nhau khi chưa đủ tuổi rồi gồng gánh nhau vào phía Nam làm việc. Sau 2-3 năm lại quay trở về gửi con cho ông bà rồi lại đi tiếp.
Giờ chúng tôi rất khó khi làm giấy tờ để cho các cháu nhỏ có được các quyền lợi cũng như được đi học. Khó nhưng chúng tôi không thể bỏ mặc được - ông Vi Văn Du – Bí thư Đảng ủy xã nói.
Bởi vậy, phía chính quyền đã phối hợp cơ quan chức năng cũng như các giáo viên cắm bản kiên trì đi từng nhà để hỗ trợ gia đình làm các giấy tờ cần thiết cho các em nhỏ.
Về chuyện này, cô Võ Thị Như, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tri Lễ tâm sự, các cháu không hề có giấy tờ nên không thể làm được giấy khai sinh. Nhưng để đảm bảo quyền lợi cho các cháu chúng tôi kiên trì bám bản để nói chuyện, hướng dẫn bố mẹ hoặc ông bà các cháu chuẩn bị các giấy tờ cần thiết.
Có những cặp đủ tuổi kết hôn thì làm giấy khai sinh sẽ thuận lợi. Còn những trường hợp chưa đủ tuổi thì khi đăng ký khai sinh trên giấy khai sinh của con có thể chỉ ghi tên người mẹ, bỏ trống tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.
Cô Như nêu cái khó: "Phương án tối ưu là thế nhưng khi đưa ra bên nhà trai họ nhất quyết không chịu. Họ bảo "con ta phải có tên ta vào chứ". Giờ vận động, giải thích rất khó khăn".
Người lớn cố tình không hiểu pháp luật, bó tay trước di chứng của tảo hôn. Nhưng trẻ con thì còn thiệt thòi đến bao giờ?
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tao-hon-va-nhung-dua-tre-tren-troi-roi-xuong-o-mien-tay-xu-nghe-179240612102419172.htm