Tăng hệ số lương, giáo viên chưa thăng hạng chức danh chịu nhiều thiệt thòi
Có trường hợp giáo viên giảng dạy 10 năm nhưng hệ số lương ngang bằng với giáo viên giảng dạy 19 năm là rất vô lí.
Từ 1/7/2024, hệ số lương của viên chức giáo viên tăng lên 2.340.000 đồng/tháng khiến thầy cô giáo rất phấn khởi.
Chẳng hạn, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (giáo viên phổ thông) mới ra trường, hạng 3, bậc 1 có mức lương khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng (chưa trừ 10,5% các loại bảo hiểm).
Cùng với đó, giáo viên có thâm niên thì theo đó mức lương càng cao. Chẳng hạn, giáo viên phổ thông hạng 3, bậc 9, thâm niên dạy học 28 năm có mức lương khoảng dưới 20 triệu đồng/tháng (chưa trừ 10,5% các loại bảo hiểm). Tuy vậy, giáo viên chưa thăng hạng chức danh nghề nghiệp chịu nhiều thiệt thòi.
Ví dụ 1, giáo viên trung học phổ thông A hạng 3, bậc 4, thâm niên 13 năm, có mức lương 11.142.846 đồng/tháng (chưa trừ 10,5% các loại bảo hiểm).
Ví dụ 2, giáo viên trung học phổ thông B hạng 2, bậc 1, thâm niên 10 năm, có mức lương 13.384.800 đồng/tháng (chưa trừ 10,5% các loại bảo hiểm).
So sánh ví dụ 1 và 2 cho thấy, giáo viên A lương bậc 4, thâm niên niên 13 năm nhưng vì chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên có mức lương thấp hơn giáo viên B là 2.241.954 đồng/tháng. Trong khi đó, giáo viên A có thâm niên nhiều hơn giáo viên B 3 năm.
Cứ 3 năm thì giáo viên phổ thông sẽ được tăng 1 bậc lương. Tuy nhiên, nếu được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2 thì giáo viên phổ thông có bằng thạc sĩ giảng dạy 10 năm sẽ có hệ số lương (4,0) ngang bằng với giáo viên phổ thông có bằng cử nhân giảng dạy 19 năm (4,0).
Đáng nói, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện nay có tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, mạnh ai nấy làm, không theo quy định chung. Chẳng hạn, từ năm 2021 đến 2024, có địa phương tổ chức thi/xét thăng hạng cho giáo viên 4 lần (1 lần/năm) nhưng có địa phương chỉ thi/xét 1 lần, giáo viên rất thiệt thòi.
Hoặc năm 2024, có địa phương xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên theo chỉ tiêu tối đa. Ví dụ, trường trung học phổ thông A có 100 giáo viên, cần 50 giáo viên trung học phổ thông hạng 2. Trường này có 50 giáo viên thoả mãn các điều kiện theo quy định thì tất cả thầy cô giáo đều được xét thăng hạng.
Còn trường trung học phổ thông B có 100 giáo viên, cần 50 giáo viên trung học phổ thông hạng 2. Trường này có 50 giáo viên thoả mãn các điều kiện nhưng chỉ có 25 giáo viên được thăng hạng vì hiệu trưởng xét thành tích từ cao xuống thấp. Ai không có thành tích thì không được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên hi vọng đến khi Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm thì tiền lương sẽ không còn bất cập như hiện nay. Tuy vậy, việc này rất khó khả thi vì nhiều lí do khác nhau, liên quan đến đặc thù công việc.
Bởi vì, nhiệm vụ chính của giáo viên theo Luật Giáo dục là giảng dạy và giáo dục học sinh. Hay nói cách khác, cơ bản giáo viên chỉ có một vị trí việc làm như nhau. Vậy thì lấy tiêu chí nào để lượng hoá công việc, từ đó có cơ sở trả lương theo vị trí việc làm cho họ?
Điều này rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cùng rà soát lại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT) để tiếp tục sửa đổi những bất cập về quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-he-so-luong-giao-vien-chua-thang-hang-chuc-danh-chiu-nhieu-thiet-thoi-179240709211213454.htm