Sướng như... học sinh giỏi
Nhìn vào lịch học, lịch tham gia phong trào, lịch thi học sinh giỏi... của các học sinh giỏi, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo ngại.
Những năm qua, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh phụ huynh đưa đón học sinh chở con em mình đến trường để tham gia các phong trào của trường hoặc chở các em đi tham gia thi cấp huyện, cấp tỉnh ở các đơn vị bạn. Được trò chuyện và tâm sự với những bậc làm cha, làm mẹ các em học sinh giỏi, chúng tôi cũng cảm nhận thấy rất nhiều những trăn trở, lo lắng của họ. Nhất là đối với những phụ huynh có con em học lớp cuối cấp khi mà các phong trào học tập, thi cử dồn dập đến với học trò.
Học sinh giỏi là niềm tự hào của gia đình, nhà trường, cha mẹ học sinh cũng mãn nguyện sau những nỗ lực của con. Nhưng sau đó thì bậc làm cha làm mẹ làm sao tránh khỏi những lo lắng khi con em mình phải theo những phong trào, theo nhiều công việc ngoại khoá. Nhất là những em học sinh giỏi lại thường giỏi nhiều môn và có nhiều kĩ năng khác nữa nên công việc càng nhiều.
Ngoài học chính khóa, các em phải tham gia ôn tập và bồi dưỡng kiến thức để tham gia vào các đội thi tuyển của trường, tham gia công tác Đoàn - Đội, tham gia các phong trào văn nghệ - thể thao…
Lịch học và ôn luyện của các em được được bố trí dày đặc các ngày trong tuần. Em nào có năng khiếu công nghệ thông tin còn được giao làm báo cáo, dựng file thuyết trình, phụ trách câu lạc bộ...
Hiện nay, ở các các trường phổ thông có rất nhiều phong trào thi đua gắn liền với học sinh và các phong trào của Đoàn - Đội. Riêng các cuộc thi về văn hóa chiếm một lượng thời gian rất lớn đối với học sinh. Phần lớn cá em học sinh nếu tham gia vào các đội tuyển phải đi kín hết các ngày trong tuần.
Có thể kể đến các cuộc thi như: thi học sinh giỏi cuối cấp; thi toán qua mạng; thi tiếng Anh qua mạng; giải toán bằng máy tính xách tay; thi hùng biện Tiếng Anh, hùng biện tiếng Việt; thi tìm hiểu lịch sử về địa phương; thi tìm hiểu về các danh nhân tại địa phương; thi viết thư UPU; thi kể chuyện sách; thi vẽ tranh theo các chủ đề…
Với chừng ấy cuộc thi mỗi năm học thì học sinh giỏi đâu phải là sướng. Trong các cuộc thi trên thì chỉ riêng phong trào thi học sinh giỏi cuối cấp, các em học sinh phải ôn luyện liên tục 5 -7 tháng. Với thời gian ôn học sinh giỏi thường kéo dài nhiều tháng như vậy và đòi hỏi các em phải thường xuyên giải các dạng bài tập, các dạng đề kiến thức nâng cao nên các em phải học cật lực cả ở trường và cả ở nhà. Rồi đọc tài liệu tham khảo, nghiên cứu, so sánh, đối chiếu các dạng đề...
Ngoài tham gia ôn thi các môn về văn hóa, thì thường các em học sinh giỏi lại hay nằm trong ban cán sự lớp nên thường xuyên phải tham gia các buổi trực cờ đỏ, tham gia các phong trào Đoàn - Đội trong nhà trường như văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham gia vào ban chấp hành chi Đoàn, tham gia vào liên Đội và phải tham gia vào lực lượng xung kích trong nhà trường.
Những việc làm không tên ấy đã khiến cho các em căng thẳng và mệt mỏi bởi mang trong mình cái danh…học giỏi.
Theo qui định hiện nay, thì khi học sinh đạt giải các em được hưởng quyền lợi, theo chế độ hiện hành. Ngoài ra, thành tích được tính cho trường, cho giáo viên trực tiếp hướng dẫn. Bởi, khi giáo viên có học sinh giỏi là có một trong những tiêu chí để ưu tiên để xét thi đua, nên thầy cô nào được phân công ôn thi cũng cố gắng tận dụng thời gian rảnh rỗi là kéo học sinh vào trường ôn tập, ngoài ra còn đưa thêm rất nhiều tài liệu về nhà cho học sinh học thêm để hy vọng học trò của mình đạt giải.
Môn nào cũng vậy nên sự quá tải của học sinh là điều dễ hiểu khi các em tham gia đội tuyển. Và, ngay cả giáo viên, nhất là những môn như Toán, Văn, tiếng Anh… những môn mà thường gắn với nhiều cuộc thi, nhiều phong trào trong một năm cũng bơ phờ theo các em để hướng dẫn, giảng dạy.
Có lẽ, trong bất kể một cơ quan, đơn vị nào thì có thi đua mới tạo được động lực để phát triển. Nhất là đối với ngành giáo dục, chúng ta cần tạo cho các em ý thức để nỗ lực phấn đấu và vươn lên khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, ngành cũng cần điều tiết các cuộc thi, các phòng trào của một cách hợp lý, những cuộc thi nên tổ chức chọn lọc, tránh xé nhỏ, tránh liên miên. Bởi, ngoài học tập, các em cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, cũng cần tạo cho mình nhiều kĩ năng sống để các em thích nghi và hòa nhập với môi trường xã hội trong tương lai.
Việc phân bổ rèn rũa kỹ năng, phong trào cho tất cả các học sinh cũng cần hợp lý. Không nên việc gì, phong trào nào cũng phân bổ đến một số ít các em có năng lực tạo ra gánh nặng cho các em học sinh giỏi. Còn các em trung bình thì lại không có cơ hội cso thêm kỹ năng, được tham gia phong trào của nhà trường, của đoàn thể.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/suong-nhu-hoc-sinh-gioi-179220710143013162.htm