Sự đổi thay thành phố Móng Cái, địa đầu Tổ quốc: Bài 2: Bí thư Thành ủy "bật mí" quyết sách chiến lược
Để có được sự chuyển mình ngoạn mục, thành phố Móng Cái đã có những quyết sách mang tầm chiến lược. Trong đó có phát triển nguồn nhân lực và chú trọng đầu tư cho phát triển giáo dục. Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam đã có cuộc trao đổi với Công dân và Khuyến học xung quanh vấn đề này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trước hết xin cảm ơn Bí thư Thành ủy Móng Cái đã dành thời gian chia sẻ với độc giả của Tạp chí Công dân và Khuyến học. Thưa ông, để phát triển bất cứ ngành kinh tế nào thì việc phát triển hạ tầng giao thông nói chung đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của con người, đảm bảo được mối liên hệ kinh tế, kết nối sản xuất với tiêu thụ, giữa vùng này với vùng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Điều này đã và đang được minh chứng tại Móng Cái, ông hãy chia sẻ về sự đột phá hạ tầng giao thông và vai trò của những quyết sách này đối với sự phát triển của thành phố?
Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam: Từ những năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nâng cấp Quốc lộ 18 xuyên suốt từ Hạ Long ra Móng Cái. Đến năm 2017 bắt đầu xây dựng cao tốc ra Móng Cái. Đến nay thành phố vừa có quốc lộ, vừa có cao tốc và chỉ cách sân bay quốc tế Vân Đồn 60km. Do đó, tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính là điểm nhấn quan trọng về hạ tầng kết nối, nguồn lực mới cho Móng Cái phát triển.
Với điều kiện hạ tầng giao thông như vậy, Móng Cái được Chính phủ đồng ý quy hoạch thành Khu kinh tế cửa khẩu. Đây cũng được xác định là chiến lược hoàn toàn khác so với giai đoạn trước đó. Sự phát triển của Móng Cái đi vào "thực chất", chất lượng tăng trưởng và chiến lược mới để có đầy đủ điều kiện về cơ chế, nguồn lực để phục vụ cho chiến lược phát triển.
Đến trước năm 2030, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục sáp nhập thêm 5 xã thuộc huyện lân cận là huyện Hải Hà, nâng diện tích lên gấp đôi với dân số khoảng trên 200.000 người.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xác định "Quy hoạch là đi trước, mở đường, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển", vậy thành phố Móng Cái đã có quyết sách gì thưa Bí thư?
Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam: Hiện thành phố đang tập trung thực hiện bắt đầu từ quy hoạch. Chúng tôi làm quy hoạch chiến lược. Từ những năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký thống nhất hình ảnh Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và bắt đầu làm quy hoạch. Đến năm 2021, Thủ tướng ký Quyết định 368 về điều chỉnh quy hoạch để thực hiện chiến lược đón các nhà đầu tư về Móng Cái.
Trong quy hoạch này có điểm rất mới là hình thành một khu kinh tế dạng kinh tế mở. Chúng tôi dành khoảng 1.360 ha để xây dựng Khu hợp tác qua biên giới giữa thành phố Đông Hưng và Móng Cái. Trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 14 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vào việc xây dựng khu hợp tác này.
Móng Cái cũng đang xây dựng đề án đề xuất một số cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Bên cạnh hạ tầng được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh đầu tư, thành phố đang hoàn thiện toàn bộ hạ tầng như cảng biển, khu dịch vụ logistics cửa khẩu, bến bãi để trở thành nơi trung chuyển phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Đây cũng là chiến lược rất mới trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để làm được điều đó cần có 3 yếu tố quan trọng gồm: quy hoạch, nguồn nhân lực và có mặt bằng sạch.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa ông, nguồn nhân lực được xác định là một trong 3 yếu tố quan trọng để Móng Cái phát triển, vậy, giáo dục ở vị trí, vai trò nào trong chiến lược phát triển thành phố?
Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam: Muốn phát triển nguồn nhân lực phải bắt đầu từ đầu tư cho giáo dục. Phát triển giáo dục phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, nếu thành phố Móng Cái phát triển thì chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ cho chiến lược đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Về con người, thành phố tập trung đầu tư cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thành phố sắp xếp đội ngũ trong điều kiện hết sức khó khăn khi vừa thực hiện tinh giản vừa thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục để kéo gần khoảng cách giữa chất lượng khu vực trung tâm và vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Điều này đòi hỏi các nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục.
Công tác tuyên truyền phải lan tỏa tới người dân để mọi người hiểu được truyền thống hiếu học của dân tộc, từ đó chăm lo và tạo môi trường tốt nhất cho con em mình.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thành phố Móng Cái đã quan tâm, đầu tư cho giáo dục như thế nào, thưa ông?
Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam: Về đầu tư cơ sở vật chất, tôi khẳng định đây là vấn đề tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng rất quan tâm. Theo thống kê, hàng năm, Móng Cái dành 36% đầu tư cho giáo dục, đây là nguồn lực rất lớn. Hiện, thành phố có 89% các trường, lớp đạt chuẩn quốc gia, hạ tầng giáo dục đang được đầu tư như Trường Trung học phổ thông Trần Phú cùng một số trường khác.
Theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu dành ít nhất 20% đầu tư cho giáo dục thì thành phố Móng Cái hiện đang dành tới 36% đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục thành phố chuyển nhanh từ bị động sang chủ động, lấy đối tượng học sinh là trọng tâm. Thành phố Móng Cái đang tập trung sâu vào việc "dạy chữ - dạy làm người - dạy làm nghề" để phát huy được tối đa năng lực, sở trường của học sinh.
Cùng với sự phát triển về hạ tầng, kinh tế - xã hội, thành phố tiếp tục phải có những chiến lược đầu tư giáo dục mới. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, trường học thông minh và các thiết bị giáo dục phục vụ cho dạy và học của giáo viên, học sinh theo lộ trình.
Chiến lược đầu tư của Móng Cái gắn với quan điểm đặt giáo dục vào trong 4 yếu tố: "Muốn phát triển được phải bắt đầu từ giáo dục và đặt giáo dục trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội; đặt giáo dục trong việc xây dựng văn hóa người Móng Cái; đặt giáo dục trong chiến lược về bảo vệ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới; đặt giáo dục trong tổng thể giữa vấn đề phát triển và an sinh xã hội. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững!".
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa ông, du lịch cũng được coi là một trong bốn trụ cột phát triển của Móng Cái vậy thành phố đã có chiến lược gì trong lĩnh vực này?
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Móng Cái đón khoảng 1,9 triệu khách du lịch (được giao chỉ tiêu 1,25 triệu), dự kiến hết năm nay đạt được khoảng 2,3 triệu khách. Từ số liệu trên cho thấy Móng Cái đang là điểm hút khách du lịch.
Khách du lịch nội địa khi đến tỉnh Quảng Ninh đều muốn ra Móng Cái và khách du lịch nước ngoài khi đến thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) cũng đều muốn sang Móng Cái.
Móng Cái có nhiều lợi thế, thứ nhất, đặc sắc du lịch Móng Cái là "Hai quốc gia một điểm đến", khách du lịch đến Móng Cái sẽ được sang Đông Hưng còn khách du lịch từ nội địa Trung Quốc được sang Móng Cái. Thứ hai, khi đến với Móng Cái, du khách sẽ được lái xe qua biên giới.
Dự kiến 30/10, thành phố sẽ mở tuyến du lịch xe tự lái. Khách du lịch từ nội địa Trung Quốc sẽ được lái xe sang Móng Cái và đi sâu vào đến thành phố Hạ Long. Khách du lịch Việt Nam được lái xe sang Đông Hưng và đi sâu vào Nam Ninh (Trung Quốc). Thứ ba, Móng Cái sẽ phát triển ẩm thực đặc sắc Việt – Trung, du khách khi du lịch tại Móng Cái sẽ được thưởng thức ẩm thực Trung Quốc và ngược lại.
Đặc biệt, khách du lịch ra Móng Cái sẽ được mua sắm hàng chất lượng cao, hàng hiệu và đây là một trong những vấn đề khách nội địa Trung Quốc quan tâm. Hiện, thành phố đang phối hợp với một số nhà đầu tư để hình thành trung tâm thương mại, đưa hàng hiệu của thế giới ra Móng Cái. Thành phố cũng đang có ý tưởng quy hoạch dành 20ha thành trung tâm hàng hoá outlet (hàng chính hãng giá hợp lý).
Tháng 10/2023, nếu các thủ tục được Chính phủ phê duyệt sẽ bắt đầu triển khai thực hiện các quyết sách này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xin cảm ơn ông!