Sách giáo khoa bán kiểu "bia kèm lạc": Bao giờ chấm dứt?

02:04 - 07/07/2022

Mua sách giáo khoa phải mua trọn bộ, quyển chính phải đi kèm với sách bổ trợ, kiểu bán sách "bia kèm lạc" tinh vi móc túi phụ huynh học sinh bao giờ chấm dứt.

Số tiền mà hàng năm, phụ huynh học sinh bỏ ra để mua sách là rất lớn. Và hết năm học, số sách này lại bị bỏ phí vì nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Trong bộ sách có nhiều cuốn bổ trợ nhưng lại không giúp ích gì cho người học. Sách còn mới tinh, chưa mở đọc, đã thành rác. 

Bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc"

Từ khóa "bia kèm lạc" đã xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng khi nói về chuyện bán sách của các đơn vị phát hành sách giáo khoa đến với trường học. 

Hiện nay, nhiều nhà trường đứng ra bán sách giáo khoa cho học sinh của trường. Nhiều nhất là sách của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi lẽ, đây là "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" nên trong mỗi lớp học, nhà trường có thể chọn nhiều đầu sách khác nhau trong 3 bộ sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt.

Nhưng sách bán đến học trò vẫn nhập nhằng, vì một số trường học thường đóng trọn bộ kiểu "bia kèm lạc", mà phụ huynh thì không phải ai cũng có thể phân biệt được. 

Hiện nay, sách học tập có 3 loại chính. Đó là sách giáo khoa được sử dụng chính thức theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sách bổ trợ được biên soạn sát theo nội dung chương trình sách giáo khoa như sách bài tập, vở tập viết. 

Sách tham khảo cung cấp thêm các dạng bài tập, các kiến thức nhằm mở rộng kiến thức cho học trò.

Tất nhiên, thông thường, khi tư vấn, nhà trường thường nói sách nào cũng quan trọng.

Sách giáo khoa bán kiểu "bia kèm lạc": bao giờ chấm dứt? - Ảnh 1.

Danh mục sách giáo khoa lớp 2 mà phụ huynh học sinh phải mua. Ảnh: Khanh Nguyên

Chính vì thế, nhìn vào bộ sách giáo khoa của chương trình hiện hành (chương trình 2006) chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng ở tiểu học và khoảng trên dưới 150.000 đồng ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhưng vì phải mua riêng thêm sách Tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tin học, nên số tiền mua sách mỗi năm cũng phải từ đến 300.000 - 400.000 trở lên.

Đó là chưa kể các loại sách "bia kèm lạc" được bán ở cấp tiểu học, mà gần như phụ huynh bắt buộc phải mua trước sự "tư vấn" của các nhà trường. 

Sách giáo khoa chương trình hiện hành đã vậy, sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đang khiến cho dư luận xã hội băn khoăn khi các bộ sách có giá cao gấp nhiều lần sách giáo khoa trước đây.

Để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, bộ sách Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam niêm yết giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 như sau: "Giá bộ sách giáo khoa lớp 3 từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách Tiếng Anh). 

Giá bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách Tiếng Anh). 

Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn). 

Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 gồm tổng giá bìa sách của 5/7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập". 

Bộ sách Cánh Diều, được xem là bộ sách xã hội hóa đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018, có giá cao hơn 2 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam một chút.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giá của sách giáo khoa, còn sách tham khảo, sách bổ trợ và sách tiếng Anh, các nhà xuất bản không bao giờ "kê chung toa" vào giá niêm yết trên website của nhà xuất bản. 

Chỉ riêng sách Tiếng Anh của mỗi lớp ở cấp trung học cơ sở cũng có giá dao động trên dưới 150.000 đồng. Đây cũng là một trong những sách giáo khoa đang được thiết kế dùng một lần, vì các bài tập được thiết kế làm trực tiếp trên sách. 

Vậy nên, hàng chục năm nay, chuyện giá sách giáo khoa cao, sách giáo khoa dùng một lần, sách giáo khoa bán theo đường nội bộ, sách giáo khoa bán theo kiểu "bia kèm lạc", sách giáo khoa sai sót phải chỉnh sửa vẫn làm dư luận bức xúc. 

Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có hiệu quả?

Ngày 12/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Nhưng liệu chỉ thị này có giải quyết được những vấn đề tồn đọng của sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc" như lâu nay hay không thì đến nay, khi năm học mới sắp bắt đầu, đây vẫn là câu hỏi khó trả lời. 

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Bộ ra chỉ thị đối với các nhà xuất bản. Năm 2020, Bộ từng ban hành Công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. 

Nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Tình trạng bán sách kiểu "bia kèm lạc" vẫn xảy ra ở nhiều trường học.

Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục bắt đầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1. Năm học 2021 - 2022 là lớp 2 và lớp 6. Năm học tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", nên đã có sự cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa khác nhau. 

Tuy nhiên, theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2021 vừa qua, đơn vị này đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. 

Về các chỉ tiêu tài chính, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. 

Như vậy, chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh thu năm 2021 đã đạt tới hơn 1.828 tỉ đồng, đồng nghĩa là chừng ấy tiền phụ huynh đã bỏ ra để mua các sản phẩm giáo dục cho con em mình.

Sách giáo khoa bán kiểu "bia kèm lạc": bao giờ chấm dứt? - Ảnh 2.

Danh mục sách tham khảo năm học 2022 - 2023 của Nhà Xuất bản Giáo dục.

Mặc dù trong sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản không còn thiết kế làm bài tập trực tiếp trên sách giáo khoa nhưng nhiều đầu sách những năm học đầu tiên của các lớp. Nhưng những đầu sách này cũng không thể nào dùng được lần 2 vì đã có những sai sót, "sạn" mà dư luận phản ảnh trong thời gian qua. Vì thế, sau mỗi năm học, nhà xuất bản phải chỉnh sửa và điều này cũng đồng nghĩa học sinh khóa sau không học được sách khóa trước.

Điều dư luận đang băn khoăn trong thời gian gần đây là giá sách giáo khoa cao. Điều này đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải là do sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường thêm nhiều hình minh họa với hình thức trình bày minh họa sinh động và hấp dẫn, khổ sách 19cm - 26,5cm. Do đó, giá cao hơn sách hiện hành. 

Song, thực tế đời sống của một bộ phận phụ huynh ở nước ta còn khó khăn. Tại nhiều gia đình, các con đều đang theo học ở các trường phổ thông. Việc tăng giá sách giáo khoa vô tình tăng thêm gánh nặng cho họ. 

Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, sách giáo khoa nhiều hình ảnh minh họa màu không thực sự cần thiết. Vì trong quá trình giảng dạy, các bài giảng bằng PowerPoint của giáo viên đều có những hình ảnh minh họa cho từng hoạt động dạy học rất cụ thể và sinh động.

Nhằm tránh tình trạng các nhà trường bán sách cho học sinh kiểu "bia kèm lạc", Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sâu sát hơn đối với các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách và đặc biệt là siết lại kỉ cương trong các nhà trường. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sach-giao-khoa-ban-kieu-bia-kem-lac-bao-gio-cham-dut-179220706163014085.htm