Quy định giáo viên phải có bằng thạc sĩ là cổ xúy cho tệ sính bằng cấp
Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên dự thi (xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có bằng thạc sĩ. Nếu quy định không sớm được bãi bỏ sẽ kéo theo hệ lụy, đó là cổ xúy cho tệ sính bằng cấp và bệnh thành tích trong giáo dục.
Bài viết "Giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ mới được xét thăng hạng 1, có trái Luật Giáo dục?" ngày 19/6/2023 trên Tạp chí Công dân và Khuyến học thông tin: Thông tư 08/2023/BGDĐT sửa đổi Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ.
Thông tin này gây xôn xao dư luận và được đội ngũ giáo viên bình luận dưới nhiều góc độ. Đáng chú ý, nhiều người cho rằng, đây là chính sách phát sinh nhiều bất cập khiến bệnh thành tích trong ngành giáo dục mãi không thể giảm đi được.
Quy định giáo viên trung học phổ thông hạng 1 phải có bằng thạc sĩ sẽ để lại nhiều hệ lụy
Trước hết, cần tìm hiểu thạc sĩ là gì? Thạc sĩ theo nghĩa đen là từ để chỉ người có học vấn rộng (thạc: rộng lớn; sĩ: người học và nghiên cứu), nay dùng để chỉ một bậc học vị. Người có học vị thạc sĩ sẽ có thêm kiến thức liên ngành để thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Đó cũng là lí do khiến Luật Giáo dục 2019 quy định, giáo viên trung học phổ thông chỉ cần bằng cử nhân, còn giảng viên đại học ít nhất phải có bằng thạc sĩ để vừa làm nhiệm vụ giảng dạy vừa hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Vậy nên, quy định giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ mới được xét thăng hạng 1 dẫn đến tệ sính bằng cấp, bệnh thành tích trong giáo dục, thậm chí sẽ có những người thầy "hữu danh vô thực" – có bằng cấp cao nhưng yếu kém chuyên môn.
Vì sao như vậy? Trước đây, người có bằng cử nhân muốn học cao học thì phải thi tuyển. Từ khi Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có hiệu lực từ tháng 15/10/2021 thì các cơ sở giáo dục đại học (viện) có quyền xét tuyển đầu vào cao học (không cần phải tổ chức thi tuyển).
Thực tế đào tạo ở nhiều cơ sở đại học (viện) cho thấy có tình trạng thả nổi đầu vào và cả đầu ra cao học khiến chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo. Minh chứng, từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015, Học viện Khoa học Xã hội đã cho "ra lò" 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 01 ngày 03 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ. Trong 2 năm 2015 và 2016 cho ra lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ.
Đã có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà. Chẳng hạn: "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt"…
Vào thời điểm cuối năm 2018, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất giáo viên bậc trung học phổ thông cần có bằng thạc sĩ về giáo dục.
Đề xuất này khiến nhiều nhà giáo không đồng tình bởi vì mục đích đào tạo cử nhân và thạc sĩ khác nhau, bậc phổ thông cần tăng cường nghiệp vụ sư phạm thì cần hơn. Nếu yêu cầu tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ có thể dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp, thậm chí xuất hiện tình trạng tiêu cực mua bán bằng như một số chứng chỉ hiện nay.
Giáo viên trung học phổ thông hạng 3, hạng 2 vẫn làm tốt nhiệm vụ của hạng 1
Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng 1 như sau:
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng 2, giáo viên trung học phổ thông hạng 1 phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;
c) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên;
d) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên;
g) Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.
Công việc giảng dạy và giáo dục học sinh ở trường trung học phổ thông hiện nay cho thấy, giáo viên nào có năng lực giỏi thì có thể đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ này mà không cần phải có bằng thạc sĩ.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng 1 được quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT là do tổ trưởng chuyên môn phụ trách, người có bằng thạc sĩ cũng không có thẩm quyền thực hiện. Ví dụ: Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên.
Thiết nghĩ, thay vì nâng cao bằng cấp (thạc sĩ) thì điều đội ngũ giáo viên trung học phổ thông cần hơn là được trau dồi, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đã và đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hơn nữa, đối với giáo viên thì cái tâm với nghề mới là điều quan trọng nhất.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-dinh-giao-vien-phai-co-bang-thac-si-la-co-xuy-cho-te-sinh-bang-cap-179230620144555029.htm