Phục hồi Du lịch: điểm sáng cuối năm

PV
12:10 - 09/11/2022

Sau 2 năm COVID, thời điểm cuối năm 2022 là dịp cao điểm để thu hút khách du lịch với nhiều lễ hội, sự kiện, kỷ niệm. Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần có sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng phục vụ để có được sự phục hồi nhanh chóng và toàn diện.

Những nỗ lực tìm kiếm các cơ hội

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi khá toàn diện. Sự tăng trưởng trong những tháng gần đây đã cho thấy sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế đang tăng lên.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2022, ước tính, Việt Nam đã đón khoảng 2,35 triệu lượt khách, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 83,7% so cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Báo cáo cũng cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng ước đạt  467.100 tỉ đồng, tăng 51,8% so cùng kỳ năm trước. Có được kết quả như vậy là nhờ những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của nhiều cấp ngành, địa phương.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ngành Du lịch đã và đang cùng với các bên liên quan tích cực triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến tới các thị trường trọng điểm. Nắm bắt nhu cầu thời 4.0, để đạt được hiệu quả cao, việc xúc tiến quảng bá cũng được thực hiện trên các nền tảng số. Kế hoạch quảng bá trên kênh CNN đang được triển khai.

Phục hồi Du lịch: điểm sáng cuối năm - Ảnh 1.

Khách du lịch đến với mô hình du lịch cộng đồng Tây Bắc tháng 11/2022. Ảnh: PV

Việt Nam hiện diện ngày càng nhiều ở các sự kiện du lịch lớn cả ở trong và ngoài nước: Tham gia Hội chợ WTM tại London (Anh); Hội chợ Travex bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia; Hội chợ ITB tại Berlin (Đức). Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc); Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam thường niên tại Hàn Quốc…

Mới đây, Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa đã được tổ chức tại Sapporo; Diễn đàn Du lịch Mê Kông tổ chức tại Quảng Nam… Vào tháng 11/2022 này, sẽ diễn ra các sự kiện: Hội nghị Hợp tác Du lịch song phương Việt Nam - Singapore; Hội nghị Việt Nam - Nhật Bản… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào Quý I/2023…

Cùng với những đường bay thẳng tới một số quốc gia đã mở gần đây, đường bay từ New Delhi và Mumbai đến Đà Nẵng chính thức khai thác từ 18/10/2022. Ngày 26/10, chuyến bay đầu tiên từ Almaty (Kazakhstan) đến Khánh Hòa đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Cam Ranh. Dự kiến, sẽ được khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần. Đây cũng là những động lực đáng kể đưa khách nước ngoài đến Việt Nam.

Chất lượng dịch vụ phải đặt lên hàng đầu

Mấy năm dịch COVID-19, du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gần như phải đóng cửa hoàn toàn. Việc bình thường trở lại thị trường du lịch là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, khâu quản lý cũng cần sốc lại và chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi mùa du lịch cao điểm cuối năm đang bắt đầu. Không nên chỉ nhìn số lượng khách mà đánh giá sự tăng trưởng mà phải nâng chất dịch vụ.

Trong những tháng cuối năm, thời điểm nhiều lễ hội và mùa du lịch trọng điểm, lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đang tăng nhanh. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn chưa đạt được như thời kỳ năm 2019. Dù vậy, giá phòng khách sạn và dịch vụ đang có xu hướng đi lên. Điều đáng nói là nhiều nơi, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng.

Sau hơn hai năm phải đóng cửa vì dịch bệnh, tình trạng thiếu nhân lực du lịch có kinh nghiệm, có trình độ vẫn chưa khắc phục hoàn toàn như thời kỳ trước đó. Yếu tố này cũng ảnh hưởng tới chất lượng phát triển du lịch. Thêm vào đó, việc chú trọng quá nhiều đến tăng trưởng số lượng. Việc buông lỏng quản lí… dẫn tới  nhiều điểm du lịch vẫn còn tệ nạn chặt chém, đeo bám, ép giá du khách. Ảnh hưởng  xấu không chỉ tới thị trường khách nội địa mà cả thị trường khách quốc tế.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phuc-hoi-du-lich-diem-sang-cuoi-nam-179221106071409992.htm