Phát triển "Năng lực sống" ở học sinh có cần thiết không?
Câu hỏi phần đọc hiểu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh suy nghĩ về việc tạo ra và phát triển năng lực sống ở học sinh có cần thiết không.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Theo đoạn trích, năng lực sống được hiểu là năng lực thích nghi với môi trường xã hội đang biển đổi nhanh chóng, năng lực tự mình phát triển vấn đề, tự mình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Câu 3. Nội dung câu văn: Câu văn đề cao ý nghĩa của việc sáng tạo. Sự sáng tạo giúp con người phát triển trong cuộc sống ngày nay.
Câu 4. Việc tạo ra và phát triển "năng lực sống" ở học sinh là cần thiết: Xã hội đang không ngừng biến đổi đòi hỏi con người phải có khả năng thích nghi, khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Việc hình thành năng lực sống ở học sinh sẽ giải quyết được những vấn đề trên.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Con người sáng tạo là con người có nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo, nghĩ ra nhiều giải pháp, hướng đi nhằm giải quyết vấn đề tốt hơn, nhanh chóng hơn.
Làm thế nào để trở thành con người sáng tạo? Rèn luyện khả năng tư duy, giải quyết vấn đề bằng cách đọc sách, tham gia các khóa học kĩ năng. Thường xuyên tham gia giải quyết các vấn đề thực tế để rèn luyện khả năng sáng tạo. Học hỏi sự sáng tạo từ những người xung quanh.
Chú ý phân biệt giữa sự sáng tạo và việc làm không đúng. Sáng tạo là cách giải quyết vấn đề mới nhưng vẫn xuất phát từ nguyên tắc đúng đắn và hướng tới kết quả tích cực.
Câu 2. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
Cảm nhận về nội dung đoạn trích
"Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái". Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định... hòn Trống Mái ở sầm Sơn không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vợ có "nhớ chồng", cặp vợ chồng có "yêu nhau" thì mới "góp cho Đất Nước", mới "góp nên" những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái ấy.
"Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương". Hàng loạt những vết tích trên khắp sông núi nước Việt: vết chân ngựa Thánh Gióng để lại trăm ao đầm như hiển hiện một thời ngoại xâm giặc giã, và truyền thống anh hùng dân tộc, chín chín con voi góp sức dựng đất tổ Hùng Vương tái hiện quá trình dựng nước vất vả, gian lao của dân tộc.
"Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm.../ Con cóc, con gà cũng giúp cho Hạ Long thành thắng cảnh". Từ con vật thiêng, con vật tưởng tượng: rồng, đến những con vật quen thuộc trong đời sống Nhân dân: con cóc con gà cũng đã hóa thân lên dáng hình xứ sở, trong tưởng tượng của nhân dân, hình sông dáng núi đều mang dáng dấp, đều ẩn chứa những huyền tích.
"Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên. "Nghèo" nhưng "người học trò" vẫn góp cho Đất nước ta "núi Bút non Nghiên", làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt, văn hiến Việt Nam. Đó cũng chính là truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên của Nhân dân ta.
"Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/ Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hoá núi sống ta...".
Ta có thể thấy, khắp sông núi này, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có dấu tích, cũng có những câu chuyện, những huyền thoại, những sự hoá thân vào những danh lam, cảnh quan. Đâu đâu cũng có dấu ấn của nhân dân, chính nhân dân đã làm nên, tạo nên những câu chuyện cho dáng núi hình sông, phủ lên đó tâm hồn, ước mong, tưởng tượng của mình.
Hay, đất nước đã thấm sâu trong tâm hồn nhân dân, Nhân dân đã tạo nên Đất nước qua tâm hồn của mình. Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm.
Phép liệt kê trong câu thơ gợi lên những địa danh thân thuộc gắn liền với mảnh đất Nam Bộ: ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm.. Như vậy mỗi con người mang cho mình một cái tên mộc mạc, giản dị những đã góp nên những tên đất tên làng, mở mang thêm bờ cõi, để nước Việt mang dáng hình chữ "S" như bây giờ.
Nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích
Liệt kê hàng loạt những câu chuyện từ xa xưa trong truyền thuyết, cổ tích dân tộc để làm nổi bật vẻ đẹp trù phú của đất nước, những truyền thống quý báu của nhân dân ta đồng thời khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong việc "làm ra Đất Nước".
Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng.
Hơn nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật ở đoạn trích này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phat-trien-nang-luc-song-o-hoc-sinh-co-can-thiet-khong-179240528094716442.htm