Phân biệt đối xử với học sinh LGBT làm suy giảm sức khoẻ học đường
Cộng đồng LGBT cần được tôn trọng và ghi nhận sự nỗ lực của mỗi người và chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, đối với môi trường học đường, những cá nhân LGBT cần được hỗ trợ cần thiết về kiến thức và truyền thông để bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
LGBT - khởi nguồn của kì thị, phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục
Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều nghiên cứu, đề xuất về việc hình thành luật bảo vệ người LGBT.
LGBT là cụm từ viết tắt của các cụm từ tiếng anh như: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (người song tính/lưỡng tính) và Transgender (người chuyển giới). Đây đều là những người thuộc cộng đồng người có xu hướng tính dục khác biệt.
Trong báo cáo của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) về tình hình quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam được gửi đến Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã nhắc đến quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử đối với người trong cộng đồng LGBT.
Tại điều 10, Luật bình đẳng giới 2006 (số 73/2006/QH11) cũng nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức hay bạo lực trên cơ sở giới. Có thể hiểu xu hướng tính dục và bản thể giới là một trong những nhân tố của giới nên xét trên phương diện ấy cho dù giới tính nào cũng được pháp luật bảo vệ về quyền bình đẳng.
Có thể thấy, thanh niên LGBT hiện nay công khai tình trạng giới tính bản thân ngày càng nhiều. Việc tự khẳng định gặp phần lớn ở độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi và đa phần đang trong giai đoạn là học sinh.
Trong bản báo cáo năm 2014 về quyền của người LGBT ở Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): "Các cơ sở giáo dục không an toàn đối với học sinh, sinh viên LGBT do thiếu chính sách ngăn ngừa bắt nạt và kì thị. Hơn nữa, giáo dục tính dục và SOGIE (xu hướng tính dục) ở Việt Nam vẫn rất hạn chế và bị coi là chủ đề nhạy cảm nên các giáo viên thường tránh né".
Năm 2011, theo một nghiên cứu của Trung tâm sáng kiến và sức khoẻ dân số (CCIHP) về kì thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới tại trường học, "trong số hơn 500 người trả lời, có đến 44% đã từng bị bạo lực (về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế) và phân biệt đối xử tại trường học.
Bản thân giáo viên và cán bộ trường học cũng gây ra những hình thức bạo lực như vậy (17%). Có đến 81,64% các hành vi bạo lực xảy ra trong lớp học; 46,88% ở sân trường và 33,2% ở bất cứ đâu trên đường.
Hậu quả là 52% cảm thấy luôn căng thẳng lo sợ khi ở trường học và có đến 33,59% có ý định tự tử".
Cũng theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) về phân biện đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: "Bên cạnh gia đình, thì trường học là môi trường mà phần lớn người dưới 18 tuổi dành nhiều thời gian nhất để phát triển bản thân, hình thành nhân cách và thiết lập các mối quan hệ. Vốn dĩ là môi trường cần hơn cả sự đề cao tính đa dạng và bao dung, nhưng các phát hiện đã chỉ ra một thực tế chưa hẳn như vậy.
Hơn một nửa từng bị bạn bè bắt nạt, và gần một phần tư bị giáo viên, cán bộ nhà trường quấy rầy, bắt nạt bởi vì họ được coi là LGBT. Đáng chú ý, gần một phần ba cho biết họ bị đối xử không công bằng vì có quan điểm ủng hộ LGBT".
Nhiều học sinh LGBT đến trường trong tâm thế lo sợ bị người khác phân biệt đối xử, dẫn đến các em bị tổn thương về mặt tinh thần rất lớn.
"Ở trường không ai biết tôi là LGBT cả, nhưng một lần tôi có nhắn tin với một bạn nữ cùng lớp, một thời gian dài tôi và bạn ấy rất thân nên thường tâm sự với nhau cả những điều thầm kín, nhưng khi biết tôi là LGBT thì bạn ấy hạn chế nhắn tin hơn với tôi và cuối cùng là chặn Facebook. Tôi cũng không nói gì, im lặng, tôi muốn im lặng để suy nghĩ về bản thân tại sao khi người khác biết tôi là LGBT họ lại rời xa tôi, đầu tiên là bạn thân, rồi nhiều người biết nữa họ có kì thị và phân biệt tôi không?" - một học sinh lớp 12, đồng tính nữ - chia sẻ.
Nhiều học sinh phân biệt đối xử dẫn tới hành vi xô xát và nhiều hệ luỵ khác. Giáo viên là chỗ dựa, là người có thể định hướng học sinh trong môi trường giáo dục nhưng khi mang suy nghĩ kì thị thì cũng tạo ra một khoảng cách với học sinh.
"Em cũng hơi bất ngờ về việc là một giáo viên thời hiện đại mà lại có những từ ngữ không hay về LGBT như vậy. Đó cũng là nguyên nhân làm em và một vài bạn có khoảng cách với giáo viên" - một Học sinh lớp 11, đồng tính nam - chia sẻ.
Như vậy, có thể chính quan điểm của giáo viên trở thành rào cản, xa cách những học sinh LGBT, không dễ dàng thấu hiểu nên cũng trở thành đối tượng học sinh ít chia sẻ nhất.
Bên cạnh đó, gia đình và người thân cũng là đối tượng chia sẻ của học sinh LGBT khi bị phân biệt đối xử nhưng cũng chính sự ngần ngại và quan điểm của "người lớn" nên các bạn vẫn không dám thổ lộ tất cả. Cũng chính vì vấn đề giấu kín, kèm theo áp lực về phân biệt đối xử nên tình trạng học sinh tự kỉ, trầm cảm dần một tăng cao, trong đó có học sinh là LGBT.
Làm tốt công tác sức khỏe học đường – liều thuốc chữa lành tổn thương cho học sinh LGBT
Trước diễn biến của việc phân biệt đối xử với học sinh LGBT, công tác giáo dục và bảo vệ sức khỏe cho học sinh ở trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Nhà trường không chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, dạy người, dạy nghề mà còn phải tập trung rèn luyện nâng cao, thay đổi hành vi lối sống cho học sinh.
Đối với Ban lãnh đạo nhà trường cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thực hiện giám sát về vấn đề bạo lực học đường trong đó có phân biệt đối xử với học sinh LGBT. Tổ chức các chuyên đề về giới, trong đó có vấn đề về LGBT để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh có nhiều kiến thức về LGBT. Từ đó, có thể giảm thiểu những hành động phân biệt đối xử với học sinh LGBT.
Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường cần bổ sung, tìm hiểu các vấn đề về tâm lí học đường, vấn đề về giới trong đó có LGBT để lắng nghe thấu hiểu, sẻ chia và giảng dạy học sinh, đặc biệt là học sinh LGBT theo hướng tích cực. Và đối với học sinh, cần có sự quan tâm, sẻ chia với bạn bè trong trường học.
Đồng cảm, động viên các bạn LGBT sống đúng với xu hướng của bản thân. Với học sinh là LGBT cần giữ vững tinh thần, thoải mái, lạc quan học tập, tham gia các hoạt động ở trường. Cần hiểu rõ về bản thân, mạnh dạn chia sẻ các vấn đề khi gặp những phản ứng tiêu cực về xu hướng tính dục cho bạn bè và thầy cô cùng thấu hiểu.
*Bài viết có tham khảo các nguồn thông tin tại: Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) (2014) - Báo cáo về tình hình quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới ("LGBT") tại Việt Nam; "Giáo viên nói tôi bị bệnh" những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam; Trung tâm sáng kiến và sức khoẻ dân số (CCIHP) (2008) - nghiên cứu "Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam"...
(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phan-biet-doi-xu-voi-hoc-sinh-lgbt-lam-suy-giam-suc-khoe-hoc-duong-179240801001135794.htm