PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bình luận đề Ngữ văn có ngữ liệu thơ "Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được"

08:50 - 23/01/2024

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn (bộ sách Cánh Diều) – Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bình luận đề kiểm tra học 1 môn Ngữ văn lớp 10 do thầy giáo Phan Thế Hoài – giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh ra đề.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bình luận đề Ngữ văn có ngữ liệu thơ "Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được"- Ảnh 1.

Nội dung đề kiểm tra học kì 1 năm học 2023-2024 (không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề kiểm tra, đề thi) như sau: 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bình luận đề Ngữ văn có ngữ liệu thơ "Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được"- Ảnh 2.

Ngữ liệu thơ "Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được" hay, hệ thống câu hỏi hợp lí

Bình luận về đề kiểm tra Ngữ văn trên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết đề tập trung kiểm tra 2 năng lực: đọc hiểu và viết.

Đọc hiểu một bài thơ (do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch từ tiếng Nga) với 7 câu hỏi tự luận (6 điểm) và năng lực viết một văn bản nghị luận (4 điểm, khoảng 500 chữ) phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc (nội dung, nghệ thuật) của văn bản nêu ở phần đọc hiểu.

Để đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản văn học và viết nghị luận văn học thì đề kiểm tra này hoàn toàn phù hợp. Cấu trúc đề hợp lí, chỉ dùng 1 ngữ liệu để đánh giá cả 2 loại năng lực; nội dung phần đọc hiểu và viết liên quan với nhau, phần đọc hiểu tạo tiền đề và khơi gợi cho phần viết...

Có ý kiến băn khoăn về tỷ lệ điểm 6 đọc hiểu và 4 viết có hợp lí không? "Tôi nghĩ với đề cụ thể này thì vẫn hợp lí, vì cả 2 đều tập trung vào văn bản văn học; nếu kiểm tra toàn diện thì mới cần bàn lại tỉ lệ điểm này".

Về ngữ liệu mới, người ra đề đã chọn được 1 văn bản tốt: nội dung phù hợp (viết về tâm trạng người mẹ xa con thật xúc động, về tình mẫu tử gần gũi mà thiêng liêng...).

Có bạn băn khoăn đây là bài thơ dịch, liệu có đúng với bản gốc hay không và vấn đề phân tích nghệ thuật ngôn từ thế nào? Về nguyên tắc, băn khoăn ấy là đúng; nhưng với đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 này thì không có vấn đề gì.

Các câu hỏi đọc hiểu là hỏi văn bản dịch, học sinh căn cứ vào câu chữ trong văn bản dịch, cũng không đòi hỏi học sinh phân tích, suy luận tác dụng của câu chữ trong việc làm nổi bật nội dung.

Câu hỏi 5 về tác dụng của cụm từ được nhắc lại nhiều lần. Đây là cụm từ trong nguyên bản khi dịch nhà thơ Hồng Thanh Quang đã chú ý để dịch đúng.

Yêu cầu của các câu hỏi tự luận 5, 6, 7 là ổn và hợp lí. Yêu cầu viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật cũng đúng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn, lớp 10.

Riêng yêu cầu một số nét đặc sắc về nghệ thuật thì cần tránh việc phân tích tác dụng của một số từ ngữ trong bản dịch (từ đó suy ra ý đồ của tác giả và ý nghĩa của tác phẩm) nếu không biết đích xác.

Như thế một số nét đặc sắc về nghệ thuật ở đây chỉ nên tập trung vào các cụm từ, hình ảnh, dấu câu (ba chấm)... Nhìn chung là những yếu tố lặp lại nhiều lần, vì như thế là có cơ sở (người dịch không thể thêm vào các dấu hiệu hình thức lặp lại nhiều lần ấy).

Những lưu ý này để khi giáo viên chấm bài và chỉnh sửa cho học sinh thì chú ý rút kinh nghiệm và nhắc nhở các em về cách phân tích một bài thơ dịch.

Giáo viên cần nỗ lực để có những đề Ngữ văn hay

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã nhận định: Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm văn học, khắc phục tình trạng học thuộc và chép văn mẫu thì các đề kiểm tra và thi không sử dụng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa.

Thay vào đó, đề yêu cầu học sinh vận dụng cách đọc, cách phân tích và cảm thụ văn học vào một tình huống mới, một văn bản ngữ liệu mới tương tự.

Chủ trương và định hướng này đã được thể hiện ở các quy định mang tính pháp lệnh (văn bản Chương trình, công văn 3175/BGDĐT-GDTrH và định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tuy nhiên việc thực hiện cụ thể trong các nhà trường không tránh khỏi những vướng mắc khó khăn, nhất là trong những năm đầu thực hiện. Vì thế cũng không tránh khỏi một số đề văn chưa đúng yêu cầu, nhất là về chất lượng ngữ liệu mới.

Đó là, văn bản chưa chuẩn xác, chưa phù hợp với đối tượng người học về nội dung tư tưởng, ngôn ngữ chưa chọn lọc; chưa bảo đảm yêu cầu về tính giáo dục, tính thẩm mỹ... Những đề văn ấy đã gây dư luận không tốt về việc kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu mới.

Nhưng cũng phải thấy một thực tế, có rất nhiều thầy cô giáo, các nhà trường đã nỗ lực đổi mới để có được những đề văn đúng và hay. Tôi nghĩ đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 của thầy giáo Phan Thế Hoài là một đề khá ổn theo yêu cầu và định hướng đánh giá mới.

Giáo viên cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc ra đề Ngữ văn hay

Cũng như các lần thay đổi trước đây, việc triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới trong thực tiễn sẽ có vấp váp và gặp những khó khăn vướng mắc. Khi nhìn nhận, đánh giá cần xem xét toàn diện và căn cứ vào bản chất vấn đề, không nên chỉ dựa vào một vài hiện tượng riêng lẻ, cá biệt, rồi từ đó khái quát cho toàn bộ.

Việc thay đổi đánh giá trong môn Ngữ văn nói chung và câu nghị luận văn học (sử dụng ngữ liệu mới) là một thay đổi rất lớn và giàu ý nghĩa. Vì thế cần bình tĩnh, rút kinh nghiệm trước những biểu hiện chưa tốt, đồng thời tự tin, yên tâm và nỗ lực để có những đề văn hay.

"Bên cạnh một số đề chưa ổn, có rất nhiều đề văn hay đã xuất hiện. Nhưng đôi khi dư luận chỉ chú ý và nêu ra cái chưa tốt, chưa hay... Đó là một sự thật", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận xét thêm về đề kiểm tra Ngữ văn thời gian qua.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pgsts-do-ngoc-thong-binh-luan-de-ngu-van-co-ngu-lieu-tho-goi-cho-me-tuan-mot-lan-cung-duoc-179240123085058436.htm