Nồng độ cồn trong máu cỡ nào là an toàn theo cách nhìn Y khoa?
Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) chia sẻ về ngưỡng an toàn của nồng độ cồn trong máu.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngưỡng an toàn của nồng độ cồn trong máu là bằng 0. Nhưng mỗi chúng ta đều có một ít alcohol (cồn) trong máu tạm cho là "tự nhiên" (chừng 0.01 đến 0.03 mg/100 ml), không phải là do bia rượu mà vì lí do khác.
Do đó, câu hỏi quan trọng là nồng độ alcohol bao nhiêu là an toàn cho lái xe. Câu hỏi này quan trọng và mang tính thời sự ở Việt Nam.
Báo chí cho biết có đề nghị giảm nồng độ alcohol trong máu xuống còn 0 khi lái xe, và có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn đưa vấn đề này ra bàn ở nghị trường.
"Tôi nghĩ, họ băn khoăn là đúng, bởi vì những thảo luận về đề nghị mới này hình như là thiếu tính khoa học và chứng cứ. Những phát biểu chung chung như "sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông" không thuyết phục được ai vì không đi kèm bất cứ một chứng cớ khoa học nào làm cơ sở", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói thêm.
Bao nhiêu ca tử vong vì tai nạn giao thông là do bia rượu?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói rằng, hãy bắt đầu bằng câu hỏi: Bao nhiêu ca tai nạn giao thông gây thương vong (chết người) là do alcohol hay bia rượu? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải có nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thử tìm một vòng chứng cớ thì thấy như sau:
Ở Úc (dân số chừng 25 triệu người) năm 2022, có 1.194 người tử vong vì tai nạn giao thông. Theo một phân tích của Ủy ban về Tai nạn giao thông, khoảng 20% số ca tử vong là có liên quan đến uống bia rượu với nồng độ alcohol trên 0.05.
Ở Mỹ (dân số chừng 332 triệu người), năm 2021 có 42.939 người tử vong vì tai nạn giao thông. Trong số này, có 13.384 (hay 31%) là có liên quan đến uống bia rượu trong lúc lái xe.
Ở Việt Nam (dân số khoảng 100 triệu người), năm 2022 ghi nhận 11.448 vụ tai nạn giao thông và có 6.364 người tử vong. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu vụ tử vong là liên quan đến bia rượu.
Những con số trên cho thấy (ở Úc và Mỹ) số ca thương vong tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu là khoảng 20-30%. Nên nhớ rằng chúng ta chỉ có thể nói "liên quan", chứ không có chứng cứ để nói bia rượu là nguyên nhân của thương vong vì tai nạn giao thông.
Ngưỡng alcohol (cồn) bao nhiêu là an toàn?
Nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy có mối liên quan thống kê giữa nồng độ alcohol trong máu và khả năng lái xe. Chẳng hạn như nghiên cứu tổng quan của Howat et al cho thấy khả năng điều khiển xe suy giảm khi nồng độ alcohol trong máu cao hơn 0.05 mg/100 ml.
Theo một phân tích tổng quan gần đây, xác suất tử vong vì tai nạn giao thông ở người lái xe có nồng độ alcohol 0.05 đến 0.079 tăng 7-21 lần so với người lái xe có nồng độ alcohol 0. Bài tổng quan cũng đi đến kết luận rằng giảm nồng độ alcohol trong máu từ 0.08 xuống 0.05 có hiệu quả giảm tai nạn giao thông và giảm nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, còn có lí do sinh lí học. Theo nhiều nghiên cứu sinh lí học về mối liên quan giữa nồng độ alcohol trong máu và hành vi con người. Có thể tóm tắt mối liên quan này như sau:
Ở nồng độ 0.01 đến 0.04, người có thể thấy lâng lâng và thư giãn. Nhưng ở ngưỡng 0.05 đến 0.07 thì trong người cảm thấy phấn khích, có khi nói nhiều, và ở vài người (không phải tất cả) thì khả năng điều khiển xe bị suy giảm.
Đó chính là lí do tại sao nhiều nước trên thế giới lấy ngưỡng 0.05 mg/100 ml máu (hay gọi tắt là 0.05) làm qui định nồng độ alcohol cho phép lái xe. Nói cách khác, người có nồng độ alcohol trong máu dưới 0.05 thì được lái xe, còn cao hơn ngưỡng đó là sẽ bị phạt (nếu phát hiện). Ở Mĩ, người ta lấy ngưỡng 0.08, và đang có vận động hạ ngưỡng này xuống 0.05 như nhiều nơi trên thế giới.
"Ở Việt Nam, trong khi chưa có nghiên cứu khoa học về nồng độ alcohol và lái xe. Tôi đã nghĩ tại sao Việt Nam không dùng cái ngưỡng 0.05 mà đa số quốc gia (Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kong, Đài Loan, Úc, Áo, Phần Lan, Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Hi Lạp, Do Thái, v.v.) đang dùng. Chính sách công nên được xây dựng như trong y khoa, tức là dựa vào chứng cớ khoa học, và cái ngưỡng alcohol 0.05 mg/100 ml có cơ sở khoa học khá vững vàng", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nêu quan điểm.
Độ chính xác của đo nồng độ cồn (alcohol) trong máu
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, các nhà chức trách (như cảnh sát) thường đo nồng độ alcohol trong máu một cách gián tiếp qua hơi thở. Thường, họ dùng một cái máy cầm tay (gọi là breathalyzer) để đo nồng độ alcohol trong hơi thở. Cái máy này tận dụng mối tương quan giữa nồng độ alcohol trong phổi và trong máu. Máy dùng tỉ số gọi là partition ratio, theo đó tỉ số alcohol trong hơi thở trên alcohol trong máu là 2.100:1. Mối tương quan này có nghĩa là cứ khoảng 2.100 ml hơi thở thì hàm chứa tương đương 1 ml alcohol trong máu.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là máy này chỉ ước tính, chứ không đo chính xác, nồng độ alcohol trong máu. Do đó, độ chính xác không bao giờ là 100%. Ở các nước phương Tây, nhà chức trách chỉ dùng máy breathalyzer cầm tay như là một công cụ "tầm soát" sơ khởi (prelimimary alcohol screening hay PAS), còn để xác định nồng độ alcohol với giá trị pháp lí thì họ phải dùng đến máy lớn hơn gọi là "evidential breath test" (EBT).
Nếu xem EBT là tiêu chuẩn vàng, thì độ chính xác của máy PAS không cao. Trong một nghiên cứu bên Anh, họ dùng những máy được bán trên thị trường (có chức năng đo hơi thở để ước tính nồng độ alcohol trong máu), và họ so sánh với chuẩn 0.08, thì kết quả như sau: độ nhạy: khoảng 90%, độ đặc hiệu: 64%.
Loại máy đo 1 lần có độ nhạy khá cao (95%) nhưng độ đặc hiệu khá thấp (26-50%). Độ đặc hiệu thấp có nghĩa là nhiều người có thể bị phạt oan. Độ đặc hiệu 26% có nghĩa là 74% những người có kết quả dương tính là sai (họ bị oan).
Như vậy, việc xây dựng Luật pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể xem xét trên khía cạnh Y khoa giúp việc quản trị kỷ cương xã hội hiệu quả hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nong-do-con-trong-mau-co-nao-la-an-toan-theo-cach-nhin-y-khoa-179231130190209772.htm