Nỗi buồn tảo hôn miền Tây xứ Nghệ, nhức nhối câu nói "thích là cưới"
Hình ảnh người mẹ mới 13 tuổi tay giữ con trước ngực, khó nhọc gùi củi vượt đồi ở các bản làng vùng cao xứ Nghệ khiến ai cũng xót xa. Cái vòng luẩn quẩn "tảo hôn - sinh nhiều - nghèo đói - thất học" ở miền Tây xứ Nghệ không biết khi nào mới kết thúc.
Học sinh bỏ học lấy chồng, cứ "thích là cưới"
Mặc dù được tuyên truyền thường xuyên về nạn tảo hôn cũng như hệ lụy nhưng nhiều em học sinh vẫn cứ bỏ ngoài tai. Câu trả lời "thích là cưới" vẫn cứ ám ảnh các thầy giáo vùng cao miền Tây xứ Nghệ.
Câu trả lời hồn nhiên "thích là cưới" của các cặp học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bỏ học về ở với nhau khiến thầy Đặng Ngọc Hùng (chủ nhiệm của lớp có các em học sinh tảo hôn) luôn ám ảnh.
Giở cuốn sổ ghi chép, thầy giáo Hùng trầm ngâm: "Từ dịp sau Tết năm 2023, trường có 21 em nghỉ học. Trong đó, số học sinh lấy chồng lấy vợ là 11 em, còn lại nghỉ học theo gia đình di cư hoặc đi làm".
Trong cuốn sổ, thầy giáo Đặng Ngọc Hùng viết chi tiết em X.B.Q (lớp 8) lấy em M.Y.P (lớp 7); em G.B.R lấy em X.Y.X (cùng lớp 9); em L.Y.L (lớp 9) bỏ học lấy chồng rồi đi học lại được 2 tuần lại nghỉ… Đặc biệt, em L.Y.N (lớp 7) lấy chồng ở bên Lào được thầy Hùng khoanh tròn trong sổ.
Thầy khoanh tròn trường hợp này bởi em L.Y.N là con của một cán bộ xã Na Ngoi, lại là học sinh học giỏi Toán được gọi vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi. Thế nhưng sau Tết em lại bỏ học giữa chừng khiến Ban giám hiệu nhà trường bất ngờ.
Thầy giáo Hùng vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đi học sau dịp nghỉ Tết, ông X.B.C (bố em X.Y.N, cán bộ xã Na Ngoi) vội vã lên trường rút hồ sơ cho con. Lúc đó, anh gặng hỏi thì ông X.B.C gạt nước mắt "nó lấy chồng bên Lào" rồi cầm bộ hồ sơ lặng lẽ ra về.
Thầy giáo Hùng kể tiếp, sau khi lấy chồng bên Lào được gần 1 tháng, em N. nhắn tin cho tôi "Thầy cho em xin mật khẩu Vnedu để em vào học với". "Nhận được tin nhắn, tôi rất buồn vì N. là 1 trong 4 học sinh trong đội tuyển Toán người Mông học rất giỏi. Khi nhận được tin nhắn, tôi nhắn lại "xin phép gia đình về học lại đi em" nhưng phải đến hôm sau N. mới trả lời "chồng em thì cho nhưng bố mẹ chồng không cho. Em muốn đi học lắm…" - thầy giáo Hùng buồn kể.
Sợ con… tự tử
Nhà X.Y.N. ở bản Buộc Mú 2, cách trường 7-8km nên từ năm lớp 6 em đã ở bán trú. Trường ở gần UBND xã - nơi bố em làm việc nên hàng ngày bố thường xuyên qua thăm con và luôn dặn phải cố học giỏi để thay đổi bản làng vùng biên.
Thế nhưng…
Tìm đến UBND xã Na Ngoi hỏi về chuyện học sinh mới lớp 7 đã đi lấy chồng, ông X.B.C nghẹn giọng: "Thương con lắm nhưng giờ chẳng biết làm sao. Ngăn cản thì sợ cháu ăn lá ngón tự tử. Ngày nó bị đưa về bên Lào tôi không ở nhà. Đến họ tên con rể tôi giờ mới biết".
Chồng của N. là G.K.K (cùng là họ hàng) ở bên Xiêng Khoảng (Lào). Trước Tết khoảng 6 tháng, X.Y.N với G.K.K có quen biết nhau qua mạng. Rồi Tết vừa rồi, K. qua nhà chơi thì đưa N. về luôn.
"Con bé sau khi lấy chồng vẫn muốn được đi học nhưng không thể về trường cũ. Bên nhà chồng cũng có trường lớp, nhưng dạy học bằng tiếng phổ thông và chữ viết Lào nên N. không thể theo được. Bao nhiêu năm nuôi con ăn học thế mà…" – ông X.B.C rơi nước mắt.
Giải pháp họp dân, kí cam kết cũng không hiệu quả. Ảnh: An Lâm
Hồn nhiên như... tảo hôn
Nói về việc học sinh ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này đã phải làm người lớn khiến thầy Đặng Ngọc Hùng trầm ngâm, các em học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm có nguyên nhân liên quan đến tâm lý lứa tuổi và còn xuất phát từ phong tục, tập quán bắt vợ, bắt chồng của người dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, hiện nay thông tin liên lạc thuận tiện hơn. Dù nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong khu bán trú nhưng các em vẫn âm thầm liên lạc với nhau. Cá biệt có em học sinh lớp 6 của trường, chỉ sau 1 đêm đã vượt rào khu nhà ở bán trú và bị bắt vợ sang xã Mường Lống, cách Na Ngoi hơn 80km.
Hơn nữa, trường có khoảng 95% học sinh là người Mông. Do tập tục tảo hôn và đặc tính di cư của người dân, nên nhiều năm nay, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên trong suốt năm học nhưng vẫn chưa chấm dứt được.
"Tuyên truyền, nói chuyện thường xuyên về nạn tảo hôn cũng như hệ lụy nhưng học sinh có hiểu được bao nhiêu đâu. Câu trả lời "thích là cưới" vẫn cứ ám ảnh tôi. Sự hồn nhiên của tuổi học trò ở các em đã không còn khi theo về nhà chồng với bao bộn bề của người làm dâu. Học trò chưa kịp lớn đã làm mẹ khiến tôi xót xa vô cùng" - thầy giáo Hùng trầm tư.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn (Nghệ An) sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông như: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trung học cơ sở Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trung học cơ sở Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trung học cơ sở Nậm Típ nghỉ học 18 em…
Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả thực trạng tảo hôn ở miền biên viễn xứ Nghệ và luận bàn về giải pháp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-buon-tao-hon-mien-tay-xu-nghe-nhuc-nhoi-cau-noi-thich-la-cuoi-179240611172440176.htm