Nhảy việc – phải biết mình là ai?!
Chán chỗ cũ, bị mồi chài bởi thu nhập, bởi cổ phiếu, có cơ hội được xây dựng môi trường từ đầu, được tiếp xúc rộng, được vẫy vùng ở một chân trời mới… có hàng tỉ lý do khiến người trẻ thích “nhảy việc”. Nhưng đôi khi, nhảy việc lại là con dao hai lưỡi khiến bạn cứ nhảy mãi mà không thể tiến lên.
Đôi khi, nhảy việc lại là con dao hai lưỡi khiến bạn cứ nhảy mãi mà không thể tiến lên. Ảnh minh họa: IT.
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời: lựa chọn một chỗ làm việc ổn định. Tuy nhiên, hai từ "ổn định" có vẻ không còn là tiêu chí hàng đầu đối với nhiều người.
Với rất nhiều lý do "hoa mỹ" được đưa ra cho chặng đường bắt đầu đi làm của bạn trẻ như: mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, năng động, công nghệ hiện đại; được học hỏi và thỏa sức phát huy khả năng của bản thân; được cống hiến và ghi nhận…
Tuy nhiên, có nhiều bạn chỉ làm một thời gian ngắn, thậm chí còn chưa đóng góp được gì đã tính chuyện… nhảy việc! Các bạn có lẽ không hiểu một điều thật sâu sắc rằng, lý do không đến từ tổ chức, lý do có lẽ ở từ chính bạn. Điều quan trọng cần nhớ rằng: không có bữa ăn nào miễn phí trên đời, ai muốn nhận nhiều thì phải cống hiến trước đã.
Không cần nhảy việc – chỉ cần "việc nhảy"
Quan sát ở nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay, đội ngũ nhân sự trẻ, có trình độ đại học hoặc thậm chí sau đại học nhiều vô số kể. Nhìn vào những gương mặt rạng ngời đầy nhiệt huyết và trình độ, nhiều bậc đàn anh còn cảm thấy "áp lực". Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các bạn thường thiếu tính kiên trì, đôi khi sự háo hức ban đầu đã tan biến rất nhanh. Khi gặp phải khó khăn/thử thách, dù là nhỏ, nhiều bạn trẻ đã không thể vượt qua và trở nên chán nản, nhanh chóng bỏ cuộc. Nhiều "đàn em" còn không thích việc bị đàn anh/đàn chị "la mắng", chỉ thích được khen ngợi, vuốt ve, biểu dương… Mong những ngày tháng êm ả thanh bình; mong được nhanh chóng lên cao như "diều gặp gió" mà không phải trải qua bất cứ trở ngại nào hay phải nỗ lực phấn đấu một thời gian đủ dài. Cuộc sống đâu dễ dàng.
Ngày nay, nhiều trường đại học đã tạo ra nhiều cơ hội thực tập, làm quen với công việc cho các bạn trẻ từ sớm. Nhiều bạn trẻ sinh viên ở năm thứ 2 trên giảng đường đại học đã có thể có những cơ hội tiếp cận làm việc, thực hành công việc với những vị trí cộng tác, hỗ trợ cho các tổ chức/doanh nghiệp lớn. Trong số đó, nhiều bạn trẻ cũng thể hiện sớm được năng lực và trình độ của một thế hệ "Gen Z" khá tân tiến. Tuy nhiên, đôi khi sự thành công quá sớm của một vài cá nhân không nói lên tất cả. Nó còn gây ra một trào lưu đáng lo ngại trong các bạn trẻ ngày nay về sự tự tin thái quá.
Tôi nhớ có một bạn sinh viên tới phỏng vấn tham gia một dự án của một ngân hàng. Ngay khi vừa gặp mặt, bạn này đã "thao thao bất tuyệt" về rất nhiều những thành tựu mình đã làm được trong những ngày đi thực tập, đi làm thêm… - những "thành công" này chỉ ở mức ý tưởng, chưa được đưa vào thực tế! Nhưng chính độ tự tin thái quá đã khiến bạn trở nên "lố bịch" trong mắt nhà tuyển dụng. Tự tin không sai, nhưng tự tin quá dẫn tới coi thường mọi quy trình, mọi thành quả, mọi sự giúp đỡ từ những người đi trước là một "nước cờ" tệ hại đối với mỗi bạn trẻ đang mong muốn tìm một công việc tốt cho cuộc đời.
Ở bất cứ đâu, một nhân sự giỏi là một nhân sự biết ý thức đúng giá trị, tài năng, sở trường của mình trong tương quan công việc với mọi người. Từ đó, họ sẽ đặt tâm huyết và trách nhiệm của mình lên trên, làm tâm điểm để tự phát huy khả năng, tạo ra sự thành công cho chính mình. Đôi khi, bạn không cần "nhảy việc", chỉ cần bạn biết sử dụng "công năng" của mình để "việc nhảy" mới là năng lực thực sự cần thiết, để bạn có được một tương lai chắc chắn thành công.
Biết mình, biết ta – trăm trận trăm thắng!
Trào lưu "nhảy việc" đang là một xu thế phổ biến trong các bạn trẻ. "Nhảy việc vì có mức thu nhập cao gấp đôi, gấp ba thì tội gì không nhảy vài lần!" – nhiều bạn trẻ đã "kháo" nhau kinh nghiệm này. Để rồi, có rất nhiều trường hợp đã phải nuối tiếc vì rời bỏ chỗ làm cũ đã rất phù hợp và có thể là tốt nhất dành cho họ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn, vì không thể vượt qua được những thử thách của chỗ làm mới. Khi "nhảy việc" với những tấm áo quá rộng, đã không thể đáp ứng được yêu cầu của vị trí cao ngất ngưởng mà trước đó họ quá tự tin để đón nhận, mà không có sự suy xét, cân nhắc thấu đáo trước đó: phải biết mình "là ai" trước khi quyết định nhảy việc là vì thế!
Thực tế, nhiều bạn trẻ khi mới bắt đầu công việc gặp khó đều có ý định đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan và đòi thay đổi hoàn cảnh khách quan là điều không thể! Không ai có thể đủ năng lực để thay đổi hoàn cảnh khách quan, mà bạn phải tự thay đổi mình để tương tác phù hợp với hoàn cảnh đó thì bạn mới được tôn trọng trong bất kỳ nơi nào bạn đến.
Biết mình là ai đủ quan trọng để bạn tìm được một công việc mình thực sự yêu thích. Ngoài những yếu tố về năng lực, trình độ, kinh nghiệm thì đôi khi chữ "DUYÊN" đủ lớn để ta quyết định gắn bó lâu dài với một tổ chức. Chỉ cần bạn còn cảm thấy yêu công việc mình đang làm, bạn có thể tự nguyện làm hơn cả thời gian và công sức được yêu cầu mà không thấy mỏi mệt, không thấy sống vô ích… đó chính là lúc cánh cửa thành công, sự thăng tiến đang ở rất gần với bạn rồi. Hãy "chần chừ" thật lâu trước khi quyết định "nhảy việc" vào những lúc như vậy.
Quay trở lại những lý do nhảy việc hiện nay của nhiều bạn trẻ, có nhiều lý do thật "ngớ ngẩn": thích ăn ngon, mặc đẹp, tòa nhà sang trọng, thang máy thông minh, thích có nhiều bạn bè, hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi, cơ hội thăng tiến nhanh… Những lý do đó cũng đáng yêu nếu như nó không được đặt làm "tối thượng". Bởi con người đâu cần những nhu cầu quá "thường", chỉ cần tập trung vào những việc làm rất cơ bản: một vị trí phục vụ ân cần, một chuyên viên tư vấn giỏi, một cán bộ trình độ tay nghề cao… có thể mở ra nhiều cánh cửa cao hơn, ở những "tần số" đáng cho mọi người mơ ước hơn nhiều!
Với các bạn trẻ ngày nay, một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động rất cần để trở thành cửa ngõ vào đời. Tuy nhiên, đã quyết định lựa chọn và gắn bó với bất kỳ tổ chức nào, bạn hãy dành đủ thời gian và tâm huyết phụng sự "quyết định" đó của chính mình.
Mỗi người muốn thành công, bạn phải biết cách tạo cho mình giá trị cốt lõi của chính mình, bắt đầu từ việc làm chăm chỉ, chuyên cần, biết ý thức trách nhiệm trong những việc được giao. Theo thời gian, tay nghề chuyên môn của bạn sẽ được trau dồi để trở nên giỏi giang. Từ đó, bạn sẽ khẳng định được vị trí, chỗ đứng của mình trong tổ chức. Một khi bạn đã làm tốt, thì sự khẳng định uy tín và vị trí của bạn ở tổ chức đó hay bất cứ tổ chức nào đều phụ thuộc vào chính những giá trị mà bạn đã tạo ra.
Cơ hội sẽ đến rất nhiều, nhưng đôi khi, bạn cũng cần biết chọn lọc những cơ hội. Nếu việc làm hiện tại đã cho bạn rất nhiều thành công và sự ghi nhận đủ tốt, thì tại sao bạn phải lao vào "guồng" máy trải nghiệm "nhảy việc"? Bạn sẽ đứng vững hơn ở một nơi và khi chân trụ đã vững, phương thẳng đứng sẽ tốt hơn rất nhiều so với những phương án "xoay ngang" – vừa thiếu an toàn, vừa chứng tỏ bạn không hề ổn định.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhay-viec-phai-biet-minh-la-ai-179230331220651132.htm