Nhà đầu tư đánh giá thế nào về 6 giải pháp ổn định thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính?
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ Tài chính đã đưa ra 6 giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, tuy nhiên lại không có giải pháp nào liên quan đến thuế.
Sáu giải pháp ổn định thị trường chứng khoán
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều bất cập trên thị trường chứng khoán như nhận thức của nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân; tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật, nhưng mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Từ thực trạng trên, Bộ Tài Chính đã đề ra sáu giải pháp được nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững.
Thứ nhất, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng đó, Bộ sẽ lên kế hoạch rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thứ hai, đối với trái phiếu doanh nghiệp, hiện, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán Trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, về tổ chức điều hành thị trường, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Thứ tư, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Thứ năm, để cải thiện chất lượng cầu đầu tư, bộ sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...
Thứ sáu, tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Thiếu chính sách thuế hợp lý
Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.
Ngay khi được ban hành, quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng sắc thuế đánh trên cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu là bất hợp lý, gây thuế chồng thuế, đẩy thiệt hại về phía các nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, muốn huy động vốn nhàn rỗi của người dân đầu tư vào thị trường chứng khoán, đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp thì cơ quan chức năng cần đưa ra một chính sách thuế "có tính khuyến khích", nhưng quy định đánh thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức lại đang cho thấy nhiều chỗ bất hợp lý. "Hiện nay, gửi tiết kiệm thì không bị đánh thuế thu nhập cá nhân, nhưng lĩnh cổ tức lại bị đánh thuế thu nhập cá nhân là chưa công bằng. Cổ đông cá nhân lĩnh cổ tức thì bị đánh thuế 5%, trong khi cổ đông tổ chức lĩnh cổ tức lại không bị đánh thuế là chưa công bằng", chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, trong 6 giải pháp ổn định thị trường chứng khoán nêu trên của Bộ Tài chính lại không nhắc đến giải pháp về thuế.
Trên thực tế, đa số các quốc gia trên thế giới không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tiền cổ tức vì họ quan niệm đó là thuế chồng lên thuế. Doanh nghiệp có lợi nhuận đã nộp thu nhập doanh nghiệp và trích các quỹ, xong mới chia cổ tức là không hợp lý. Cần khuyến khích người dân bỏ vốn vào sản phẩm kinh doanh, bỏ vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp bằng cách ưu đãi thuế, nghĩa là miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 7 - 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trả lời những thắc mắc xoay quanh các hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.